Ba lần rơi nước mắt
Tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Nữ doanh nhân trong cuộc chiến bình thường mới" do Trung tâm Báo chí TPHCM, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP và Hội Nữ Doanh nhân TP tổ chức tối 20-10, Chủ tịch HĐQT Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) Cao Thị Ngọc Dung cho biết bà đã khóc giữa đợt căng thẳng Covid-19 suốt 4-5 tháng qua tại TPHCM.
Lần đầu tiên khóc là khi cảm nhận được tình cảm của người Việt giữa lúc hoạn nạn. Nhiều lần bà đứng ra vận động đều được các doanh nghiệp, hội viên Hội Nữ doanh nhân quyên góp hỗ trợ.
"Tôi khóc vì nghĩ mình cứ vận động hoài nhưng mỗi lần vận động như vậy đều nhận được sự ủng hộ. Tôi khóc thật sự trước tình cảm đó", bà Dung nói.
Bà cũng cho biết thêm, có những cá nhân doanh nghiệp thậm chí hứa ủng hộ tiền trăm triệu để mua trang thiết bị, nhưng khi tài khoản hết tiền vẫn mượn để ủng hộ.
Lần thứ ba, bà Cao Thị Ngọc Dung nói mình liên tục rơi nước mắt vì chương trình "siêu thị 0 đồng" bị tạm dừng, do dịch Covid-19 tại TPHCM diễn biến quá phức tạp. Các địa phương lo ngại tình hình dịch diễn biến xấu khi số lượng F0 liên tục tăng, nên quyết định tạm dừng. Cùng lúc đó, việc vận chuyển hàng hóa tại TP lúc đó cũng rất khó khăn.
"Chỉ thị 16 siết chặt, chính quyền địa phương không đồng ý cho làm. Tôi khóc, cảm giác lúc đó là tiền thì có, nhưng không giúp được", bà xúc động.
Ngay lập tức, để thích ứng, chính bà đã đưa ra mô hình hoạt động mới, đảm bảo 5K và cũng nhận được sự ủng hộ sở các sở ngành liên quan.
"Lúc đó tôi vỡ oà nhưng sau đó là Chỉ thị 16 tăng cường, mọi việc bị tạm ngưng lần nữa. Không có xe vận chuyển, siêu thị nói họ có hàng nhưng bên tôi phải vận chuyển, không giao được vì không có giấy đi đường. Tôi lại khóc, tại sao mình muốn làm mà không làm được", bà Dung nghẹn ngào.
Tuy nhiên, các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội này sau đó đã được chính quyền tạo điều kiện, bởi phần nào góp phần đảm bảo bữa cơm, cuộc sống cho người lao động tại thành phố giữa dịch.
"Chúng ta đã trong giai đoạn lịch sử"
Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung cho hay đến nay bà vẫn xúc động khi nghĩ về giai đoạn khó khăn vừa qua. Bà vẫn xông xáo tìm cách để các chương trình hỗ trợ diễn ra, dù người thân, người lao động ở công ty khuyên nên ở nhà.
"Nhưng nếu tôi không đi thì tôi không yên lòng", bà Dung nói.
Theo bà Dung, thời gian qua doanh nghiệp bỏ ra rất nhiều về tiền của. Nhưng đó là giai đoạn lịch sử, trong lịch sử chỉ một lần này thôi, nếu không sau này muốn hỗ trợ cũng không được. Đó là lý do bà liên tục đề xuất PNJ thêm tiền hỗ trợ, thậm chí bỏ tiền túi để hỗ trợ.
Nữ doanh nhân cũng nhấn mạnh vai trò của Hội phụ nữ và các đoàn thể địa phương trong thời gian dịch bệnh. Bởi doanh nghiệp hỗ trợ vật chất thì chính đoàn thể, hội viên địa phương đã hỗ trợ để doanh nghiệp tiếp cận đúng đối tượng, hoàn cảnh cần hỗ trợ.
Bà cũng cho biết rất xúc động với lãnh đạo TPHCM khi đã luôn theo sát, quan tâm vấn đề an sinh xã hội cũng như gỡ khó chính sách cho những khó khăn vài tháng qua.
Doanh nghiệp của bà có khoảng 6.700 người lao động, bà cho biết đã phải lo rất nhiều. TPHCM hàng triệu người thì không thể tránh khỏi tình trạng thiếu sót. Nhưng thực tế thành phố luôn nỗ lực, đoàn thể luôn đồng lòng và hoạt động hết công suất.
"Đây là giai đoạn lịch sử. Nếu không có nỗ lực toàn dân, chính quyền thì không vượt qua được giai đoạn khó khăn đó", bà Dung nhấn mạnh.