Ngày 20-10, các nhà khoa học Anh và Israel cho biết đang tập trung theo dõi một đột biến của chủng Delta có dấu hiệu gia tăng trong số các ca mắc mới Covid-19 trên thế giới. Để ngăn ngừa số ca mắc tăng nhanh từ đột biến phụ này, nhiều nước đã thắt chặt biện pháp phòng chống dịch.
Cảnh giác, theo dõi kỹ
Người phát ngôn của Thủ tướng Boris Johnson cho biết Chính phủ Anh đang “theo dõi sát” đột biến có tên gọi AY.4.2, và “sẵn sàng hành động nếu cần thiết”, nhưng nói thêm rằng chưa có bằng chứng cho thấy biến chủng này lây lan dễ hơn.
Giáo sư Francois Balloux thuộc Đại học London cho biết, biến chủng AY.4.2 có 2 đột biến được phát hiện trong các biến chủng khác của virus SARS-CoV-2, và đã được giải mã lần đầu tiên hồi tháng 4-2020. Theo ông, biến chủng phụ AY.4.2 rất hiếm gặp bên ngoài nước Anh, và mới có 3 ca được phát hiện tại Mỹ đến thời điểm này.
Ông lưu ý, AY.4.2 hiện lây lan ở mức độ thấp, song cần phải cảnh giác, theo dõi kỹ biến chủng này.
Trong khi đó, Bộ Y tế Israel xác nhận nước này đã ghi nhận ca đầu tiên nhiễm AY.4.2. Ca nhiễm là một bé trai 11 tuổi, được phát hiện khi tiến hành xét nghiệm Covid-19 tại sân bay quốc tế Ben Gurion, ngoại ô Tel Aviv. Cậu bé vừa về nước từ Moldova.
Hiện Bộ Y tế Israel đang điều tra dịch tễ học và theo dõi tất cả biến chủng của SARS-CoV-2 đã xuất hiện tại nước này, cũng như cẩn trọng khống chế sự lây lan của các biến chủng.
Cho tới nay, các chuyên gia đã xác định được hơn 60 đột biến có thể có cấu tạo di truyền của chủng Delta. 22 trong số này được biết là nguyên nhân dẫn tới sự xuất hiện của các đột biến phụ mới.
Tăng cường biện pháp
Trước tình hình số ca mắc Covid-19 đang tăng, các nước Đông Nam Á đã nâng cao cảnh giác, triển khai thêm các biện pháp phòng chống dịch. Bộ Y tế Lào yêu cầu các địa phương tiếp tục chuẩn bị trung tâm cách ly và cơ sở điều trị; chuẩn bị ngân sách dự phòng để mua vật tư y tế, vaccine, thuốc điều trị, dung dịch xét nghiệm và các thiết bị cần thiết.
Chính phủ Lào giao các bộ, cơ quan, doanh nghiệp tại thủ đô Vientiane và các tỉnh có dịch lây nhiễm trong cộng đồng cho phép cán bộ và công chức luân phiên trực ban, hoặc làm việc trực tuyến tại nhà. Người có nguy cơ và phụ nữ có thai không thể tiêm vaccine được làm việc tại nhà.
Tại Indonesia, chính phủ nước này vừa ban hành thêm quy định phòng chống dịch Covid-19 có hiệu lực từ ngày 19-10 đến ngày 2-11. Theo đó, hành khách đi máy bay phải trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính với Covid-19 được thực hiện trong vòng 48 giờ trước khi khởi hành, kể cả những người đã được tiêm vaccine đầy đủ.
Trước đây, quy định chỉ yêu cầu hành khách đi máy bay trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính nếu mới tiêm 1 mũi vaccine, hoặc kết quả xét nghiệm kháng nguyên nếu đã được tiêm đầy đủ 2 mũi.
Trong khi đó, tại Malaysia, từ ngày 1-11, công chức làm việc cho chính phủ liên bang không hoàn thành tiêm chủng vaccine Covid-19 sẽ bị kỷ luật hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.
Theo thông tư đăng tải trên website của Vụ Dịch vụ công, công chức không thể hoàn thành tiêm vaccine Covid-19 do các yếu tố liên quan đến sức khỏe sẽ phải đến kiểm tra y tế, xét nghiệm Covid-19. Nếu bác sĩ xác nhận họ không đủ khả năng để tiêm vì lý do sức khỏe thì sẽ không bị kỷ luật.
Vào bất cứ thời điểm nào, lãnh đạo trực tiếp của công chức chưa hoàn thành tiêm chủng đều có thể yêu cầu họ đi khám sức khỏe, bao gồm cả việc yêu cầu khám sàng lọc Covid-19 bằng kinh phí tự túc. Tuy nhiên, chính phủ sẽ trả chi phí xét nghiệm cho những người không đủ điều kiện để tiêm vaccine Covid-19 vì lý do sức khỏe.