Ngày 20-10, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Báo cáo nêu rõ, để nhìn nhận đầy đủ, toàn diện hơn kinh tế - xã hội năm 2021, Chính phủ cần quan tâm, đánh giá kỹ hơn về vấn đề chiến lược ứng phó dịch bệnh gắn với hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế ở cấp độ quốc gia và địa phương còn hạn chế; chưa chuẩn bị đầy đủ năng lực cho kịch bản dịch bùng phát nhanh, quy mô lớn.
Chính phủ cần báo cáo bổ sung đầy đủ hơn các nguồn lực từ ngân sách trung ương, các khoản đóng góp xã hội khác cho công tác phòng, chống dịch để phân tích, đánh giá kỹ hơn quy mô, mức độ phù hợp của các gói hỗ trợ, làm cơ sở hoạch định chính sách cho giai đoạn tới. Đánh giá cụ thể hơn công tác phòng, chống dịch vẫn còn tình trạng lơ là, chủ quan, sợ chịu trách nhiệm ở một số nơi.
Việc áp dụng các biện pháp cách ly, phong tỏa, hạn chế di chuyển, công tác phối hợp tại một số địa phương còn lúng túng, cứng nhắc, thiếu tính đồng bộ, chưa được điều chỉnh kịp thời; thông tin, truyền thông đôi lúc còn chưa kịp thời, thông suốt. Tỷ lệ tiêm vaccine đã tăng khá nhanh nhưng còn thấp so với thế giới.
Ủy ban Kinh tế cũng yêu cầu báo cáo cụ thể, thực chất tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt lao động, chuyên gia với số lượng lớn tại một số địa phương, khu công nghiệp. Phải có phương án giải quyết tình trạng lao động rời khỏi các tỉnh, thành phố lớn và chính sách thu hút lực lượng này quay trở lại nơi làm việc. Giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động trở về quê…
Về nhiệm vụ thời gian tới, Ủy ban Kinh tế nhất trí với giải pháp Chính phủ đề ra, và nhấn mạnh Chính phủ cần tập trung nỗ lực cao nhất cho phòng, chống dịch Covid-19; bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, tử vong do Covid-19.
Chính phủ khẩn trương rà soát, tháo gỡ nhanh các khó khăn, vướng mắc. Xử lý các tồn đọng, điểm nghẽn, giảm thiểu các thủ tục và chi phí trong sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa. Không để xảy ra tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết, gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội. Yêu cầu chỉ đạo quyết liệt, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Cùng với đó, bảo đảm an sinh xã hội, sớm đưa học sinh trở lại trường học ở những nơi kiểm soát được dịch bệnh, bảo đảm an toàn. Khẩn trương chuẩn bị Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế khả thi, hiệu quả, có phân chia theo giai đoạn, sớm trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Về dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Ủy ban Kinh tế cho rằng trong bối cảnh dịch Covid-19 khó có thể kiểm soát và chấm dứt được hoàn toàn; kinh tế thế giới hồi phục không đồng đều, nhiều bất định. Do đó, cần nhận thức đúng đắn hơn về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, để xây dựng các phương án, kịch bản phù hợp, khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Yêu cầu không chủ quan, nóng vội nhưng cũng không được để lỡ nhịp trong xu hướng hồi phục của kinh tế thế giới.
Ủy ban thống nhất với các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch Covid-19 năm 2022 của Chính phủ. Đề nghị Chính phủ tập trung tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm mục tiêu xuyên suốt, là bảo vệ sức khỏe của nhân dân, duy trì hoạt động kinh tế - xã hội bình thường ở mức độ tối đa. Triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; đẩy nhanh tỷ lệ tiêm vaccine, sớm đạt miễn dịch cộng đồng.
Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đã được ban hành; đồng thời, có cơ chế giám sát, kiểm tra, tăng cường hỗ trợ, trợ giúp xã hội, nhất là với nhóm các đối tượng dễ bị tổn thương.
Chính phủ cần tích cực thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế khả thi, hiệu quả. Xây dựng phương án, giải pháp ứng phó với hệ lụy từ làn sóng người lao động di chuyển khỏi các tỉnh, thành phố lớn. Khắc phục đứt gãy nguồn cung lao động, thu hút lực lượng lao động quay trở lại nơi làm việc. Chú trọng phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân.