Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết trong 9 tháng năm 2021, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thép các loại vẫn tăng khá do kế thừa được kết quả kinh doanh tốt của những tháng đầu năm 2021.
Dự báo cuối năm, với nhu cầu tiêu thụ tăng lên, xuất khẩu thép dự báo sẽ tăng trưởng tốt.
Cụ thể, theo VSA, thép thành phẩm sản xuất 9 tháng đạt hơn 24,8 triệu tấn, tăng 34,1% so với cùng kỳ năm 2020; tiêu thụ thép các loại đạt gần 22 triệu tấn, tăng 32,5% so; trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt hơn 5,7 triệu tấn, tăng 78,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Thép thô sản xuất đạt 17,79 triệu tấn, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2020. Tiêu thụ đạt 17,15 triệu tấn, tăng 22%; trong đó, xuất khẩu đạt 1,59 triệu tấn tấn, giảm 31,7% so với cùng kỳ 2020.
Theo VSA, nhập khẩu thép về Việt Nam là 14,9 triệu tấn với trị giá hơn 11 tỷ USD, tăng 1% về lượng và tăng 44% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Xuất xuất khẩu sắt thép thành phẩm và bán thành phẩm đạt 10,6 triệu tấn, với trị giá hơn 9 tỷ USD đến hơn 20 quốc gia và khu vực trên thế giới trong 8 tháng năm 2021, tăng 40% về sản lượng và tăng gấp 2 lần về trị giá xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2020. Đây là động lực thúc đẩy ngành thép giữ được mức tăng trưởng chung thời gian qua.
Nếu tính riêng trong quý 3/2021, thép thành phẩm sản xuất đạt gần 7,16 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ 2020. Tiêu thụ thép thành phẩm các loại quý 3 đạt hơn 6,2 triệu tấn, giảm lần 7%, so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng tốt ở những tháng đầu năm đã giúp ngành thép vẫn giữ được mức tăng tốt trong thời gian qua.
Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay sau hoạt động tốt trong quý 1/2021 do giá cả hàng hóa tăng, doanh nghiệp thép trong nước phải đối mặt với nhiều khó khăn khi các tỉnh thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 hoặc ở mức cao nhất.
Tính riêng quý 3/2021, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay; trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%.
Giá nguyên liệu sản xuất thép toàn cầu 9 tháng năm 2021 diễn biến phức tạp, giá nguyên liệu sản xuất thép liên tục điều chỉnh tăng kể từ cuối năm 2020; trong đó, giá quặng sắt thời điểm tháng 5/2021 tăng cao gấp 2,6 lần, giá phế liệu đã tăng 2,5 lần so với thời điểm cùng kỳ năm 2020. Sau đó, giá các loại nguyên liệu trên đã điều chỉnh giảm nhẹ trong quý 2 & 3.
Đại diện lãnh đạo VSA nhận định triển vọng thị trường thép Việt Nam trong quý 4/2021 sẽ tốt hơn khi các tỉnh thành dần kiểm soát được dịch bệnh và chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ Việt Nam để khôi phục kinh tế sau đại dịch. Nhìn chung, dự báo xuất khẩu thép năm 2021 sẽ tăng trưởng tốt.
Bên cạnh đó, với các Hiệp định FTA được ký kết và sự phục hồi sản xuất, đầu tư xây dựng sẽ là nhân tố giúp cho tăng trưởng ngành thép khả quan hơn nữa trong thời gian cuối năm.
Cũng theo dự báo từ Hiệp hội Thép thế giới, làn sóng dịch bệnh, lây nhiễm mới và những hạn chế từ nguồn cung đã dẫn đến sự phục hồi chậm lại trong nửa cuối năm và đang ngăn cản đà phục hồi mạnh mẽ hơn trong năm 2021.
Nhưng với lượng đơn hàng tồn đọng cao, việc xây dựng trở lại cùng với tiêm chủng ở các nước tốt hơn, kỳ vọng nhu cầu thép sẽ tiếp tục phục hồi vào năm 2022.