Năm 2021: Tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 3 - 3,5%
Báo cáo nêu rõ, những tháng vừa qua, công tác phòng, chống dịch Covid-19 là ưu tiên hàng đầu trong chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương.
Có thể nói, chúng ta đã nỗ lực hết sức mình trong điều kiện có thể vì nguồn lực, năng lực hệ thống y tế còn nhiều hạn chế, bất cập, nhất là ở cấp cơ sở (ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An...) trong điều kiện bình thường chưa bộc lộ hạn chế, yếu kém, nhưng khi dịch bệnh diễn biến phức tạp thì đã bộc lộ rõ.
Vì vậy, kết quả đạt được như Trung ương đã đánh giá: “Các chủ trương, chính sách, biện pháp được triển khai trong thời gian qua là đúng đắn, kịp thời và chỉ đạo, tổ chức thực hiện khẩn trương, quyết liệt, đạt được những kết quả quan trọng. Đến nay, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc và đang thực hiện lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh tại nhiều địa phương”.
Thủ tướng nêu rõ, Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao và trân trọng cảm ơn những nỗ lực, hỗ trợ, đóng góp hiệu quả, những nghĩa cử cao đẹp, tận tâm, tận lực hết mình của đồng bào, đồng chí, chiến sĩ và cộng đồng doanh nghiệp, sự giúp đỡ quý báu của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế trong phòng, chống dịch; đồng thời chia sẻ, cảm thông sâu sắc với những tổn thất, mất mát về người, vật chất và tinh thần mà nhân dân ta phải gánh chịu do đại dịch Covid-19 gây ra.
Về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, báo cáo nhấn mạnh, ước thực hiện cả năm dự kiến đạt và vượt 8/12 chỉ tiêu chủ yếu đề ra. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng chỉ tăng bình quân 1,82%, cả năm ước tăng dưới mức Quốc hội giao.
Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021…
Về tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, báo cáo thẳng thắn chỉ rõ công tác phòng, chống dịch có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhất là giai đoạn đầu khi dịch bùng phát mạnh ở TPHCM và một số tỉnh phía Nam. Do biến chủng Delta lây lan nhanh, hết sức nguy hiểm, khó lường, khó kiểm soát.
Việc chống dịch vẫn còn thiếu nhất quán trong triển khai, nhất là trong thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội tại cơ sở. Việc thực hiện các quy định về đi lại của người dân, lưu thông hàng hóa thiếu thống nhất giữa các địa phương, gây ách tắc, phiền hà cục bộ cho nhân dân.
Tiếp cận nguồn vaccine so với một số nước còn chậm, gặp nhiều khó khăn do khan hiếm trên toàn cầu; việc mua vaccine chịu nhiều rủi ro, phải chấp nhận các điều kiện áp đặt của nhà cung cấp. Nhân lực, trang thiết bị, hạ tầng cơ sở, chưa chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống đột biến nhiều người mắc Covid-19, dẫn đến quá tải ở một số địa phương và số ca tử vong cao trong giai đoạn đầu.
Việc triển khai công tác cứu trợ, bảo đảm an sinh xã hội tại một số địa bàn, nhất là khu cách ly, phong tỏa còn khó khăn do số lượng người cần được hỗ trợ lên tới hàng chục triệu người…
Dự kiến có 4/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra, gồm: tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 3 - 3,5% so với mục tiêu khoảng 6%. GDP bình quân đầu người ước đạt 3.660 - 3.680 USD, thấp hơn so với mục tiêu khoảng 3.700 USD.
Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng ước đạt khoảng 32%, thấp hơn so với mục tiêu 44 - 47%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều ước giảm 0,5 - 1 điểm phần trăm, thấp hơn so với mục tiêu 1 - 1,5 điểm phần trăm.
Đặt mục tiêu năm 2022: GDP đạt khoảng 6 - 6,5%
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm 2021, Chính phủ xác định tập trung nỗ lực cao nhất cho phòng, chống dịch; khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể, sát hợp với tình hình thực tế; quyết liệt hành động, triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo phương châm nhạy bén, linh hoạt, sáng tạo, bình tĩnh, kịp thời với mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết.
Đẩy nhanh tiến độ bao phủ tiêm vaccine, chuẩn bị thuốc điều trị cần thiết, nâng cao năng lực y tế, nhất là công tác điều trị và ở cơ sở; có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, phấn đấu kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc để tập trung khắc phục hậu quả của dịch bệnh và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.
Song song đó, khẩn trương hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Rà soát, tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc về thể chế; giảm thiểu các thủ tục và chi phí sản xuất kinh doanh. Điều chỉnh linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu; kiểm soát chặt chẽ giá cả, thị trường. Tập trung ưu tiên triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp; nhanh chóng khôi phục thị trường lao động do bị tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19.
Đồng thời thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh; bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hoá thông suốt. Khơi thông mọi nguồn lực cho phòng, chống dịch và phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Sớm đưa học sinh trở lại trường học an toàn…
Về dự kiến kế hoạch phát triển năm 2022, Chính phủ đề ra mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, tập trung tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, với các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn.
Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế.
Kế hoạch năm 2022 gồm 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, gồm: tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,5%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 67%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 27-27,5%; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 1-1,5%.
Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt khoảng 92%. GDP đạt khoảng 6-6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 4%.
Chính phủ cũng đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó hàng đầu là tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022.
Các địa phương vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn nhưng không trái với định hướng của Trung ương. Tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.