Tại tọa đàm trực tuyến Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III-2021, do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức hôm nay (20-10), TS Cấn Văn Lực cho rằng Việt Nam đang nhập khẩu rất nhiều từ Trung Quốc, với tỷ trong hơn 33%. Cuộc khủng hoảng năng lượng của Trung Quốc đã khiến cho các doanh nghiệp nước này gặp khó khăn, hoạt động sản xuất và xuất khẩu bị ngưng trệ. Và do đó ảnh hưởng đến nguồn cung đầu vào cho các doanh nghiệp ở Việt Nam, khi lâu nay vẫn nhập khẩu từ thị trường này.
Nền kinh tế Trung Quốc đã có một giai đoạn phục hồi ấn tượng sau tác động của đại dịch Covid-19, nhưng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Kinh tế nước này suy thoái trong quý III, không chỉ do tác động của các đợt dịch Covid-19 trong cộng đồng xảy ra ở nhiều địa phương, mà còn do sụt giảm bất động sản, khủng hoảng năng lượng, tâm lý tiêu dùng yếu và chi phí nguyên vật liệu tăng cao.
Trước đó, theo số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm 18-10, trong 3 quý đầu năm 2021, GDP của Trung Quốc đã tăng 9,8%, đạt 82,31 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 12,8 nghìn tỷ USD). Tuy nhiên, riêng trong quý III, GDP của nước này chỉ tăng 4,9%, giảm so với mức tăng trưởng 7,9% của quý II, trong bối cảnh những thách thức kinh tế ngày càng gia tăng, như khủng hoảng năng lượng và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cũng theo TS Cấn Văn Lực, tăng trưởng kinh tế quý IV-2021 của Việt Nam đang đối mặt với nhiều áp lực. Mức dự báo tăng trưởng kinh tế cho cả năm 2021 được chuyên gia này đưa ra khoảng ở mức 2,3 – 2,5%.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Đại học Kinh tế TPHCM, cũng cho rằng tăng trưởng GDP những tháng cuối năm đang chịu nhiều thách thức.
Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, giải pháp trước mắt để phục hồi kinh tế quý cuối năm 2021, các địa phương cần cho phép giao thông và lưu thông hàng hóa hoạt động lại bình thường.
Điều này sẽ đón trước 3 cơ hội kích cầu tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế: mua sắm cuối năm vì quý cuối năm đầu tư, tiêu dùng tăng trưởng cao; các doanh nghiệp tái phục hồi sản xuất – nhu cầu mua sắm tăng cao, cần lưu thông; học sinh sinh viên đi học trở lại – kéo theo các nhu cầu khác.
Để làm được điều này, các tỉnh thành phải nhất quán việc thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, không nên mỗi nơi làm mỗi kiểu như hiện nay…
Tăng trưởng GDP năm 2021 chỉ khoảng 1-1,5% nếu dịch Covid-19 tái phát
Báo cáo của VEPR đưa ra hai kịch bản tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Cụ thể, ở kịch bản tốt, tăng trưởng cả năm được dự báo ở mức 2 – 2,5%.
Kịch bản này giả định cả nước thống nhất được các biện pháp thích ứng với dịch bệnh theo tinh thần chống dịch nhưng vẫn đảm bảo sản xuất và lưu thông hàng hóa không bị đứt gãy. Đặc biệt là ở các trung tâm kinh tế với tỷ lệ tiêm chủng cao.
Các hoạt động sản xuất và tiêu dùng được hồi phục một cách chậm chạp nhưng chắc chắn. Các trung tâm kinh tế hoàn thành kế hoạch tiêm chủng ngay trong nửa đầu quý IV. Tình trạng phong tỏa như trong quý III không lặp lại.
Trong kịch bản xấu, tăng trưởng GDP cả năm chỉ đạt khoảng 1-1,5%. Ở kịch bản này, bệnh dịch có nguy cơ tái bùng phát, trong khi Việt Nam chưa thống nhất được chiến lược ứng phó một cách hiệu quả giữa các tỉnh thành.
Tình trạng “đóng – mở” lặp lại ở một số nơi xuất hiện các ca nhiễm, gây thiệt hại cho sản xuất. Một số đơn hàng tiếp tục rời khỏi Việt Nam do không đảm bảo được tiến độ sản xuất. Tình trạng thiếu hụt lao động có thể xảy ra do người lao động còn bất an.
Cùng với đó, chi phí tăng cao khiến nhiều ngành thu hẹp, đặc biệt là trong nông nghiệp.