3 nhóm vấn đề khiến ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam không thể tham gia vào chuỗi cung ứng lớn

(ĐTTCO)-Trong thời gian qua ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam mặc dù còn nhiều yếu kém, nhưng bức tranh của ngành công nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có những cái điểm sáng.
Sản phẩm máy móc, thiết bị phục vụ lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)
Sản phẩm máy móc, thiết bị phục vụ lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã được quan tâm và đề cập nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp chế tạo, lắp ráp, đặc biệt là cung cấp linh kiện cho doanh nghiệp, tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài.

Đây là một trở lực lớn cho sự phát triển ổn định, bền vững của nền kinh tế nước ta trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng.

Tìm hiểu về các giải pháp thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương về vấn đề này.

- Có quan điểm cho rằng Việt Nam mới chỉ sản xuất được ốc vít cho biển số xe ôtô chứ chưa tham gia sâu trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp hỗ trợ ôtô. Ông có bình luận gì về quan điểm này và đánh giá như thế nào về thực trạng ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nói chung?

Ông Phạm Tuấn Anh: Quan điểm của tôi là nhận định này chưa chính xác và đã có nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phản hồi, đề nghị Bộ Công Thương làm rõ về nhận định này. Nhận định này đã làm cho nỗ lực của các doanh nghiệp cũng như các bộ, ngành trong thời gian qua không được đánh giá đúng.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, trong thời gian qua ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam mặc dù còn nhiều yếu kém, nhưng bức tranh của ngành công nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có những cái điểm sáng mà tôi cho rằng rất là tích cực.

Cụ thể như ngành sản xuất lắp ráp ôtô với dòng xe dưới 7 chỗ ngồi hiện nay chúng ta đã chủ động cung cho thị trường trong nước được 70%, tỷ lệ nội địa hóa đã đạt hơn 50%; xe chở người trên 10 chỗ đáp ứng nhu cầu trong nước khoảng 90%, tỷ lệ nội địa hóa từ 20-50%.

Đối với một số doanh nghiệp như Toyota sau 30 năm sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam đã xây dựng hệ thống các nhà cung cấp ở trong nước với 58 doanh nghiệp, trong đó có 12 doanh nghiệp Việt Nam.

Mặc dù con số này chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng nhưng là con số mà chúng ta cần ghi nhận.

Bên cạnh đó, một số sản phẩm của Toyota cũng đã đạt tỷ lệ ở nội địa hóa nhất định, như mẫu xe Toyota Innova tỷ lệ nội địa hóa đạt xấp xỉ 40%, nhóm sản phẩm dây điện hay hộp số có sản lượng xuất khẩu tương đối lớn; ngành dệt may, da giày cũng đạt khoảng 40-45%; cơ khí chế tạo cũng đạt 15-20%; ngành điện, điện tử cũng đạt từ 5-10%...

Chỉ vài con số như vậy, có thể khẳng định doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam không phải không làm được để đáp ứng nhu cầu của các công ty đa quốc gia như ý kiến trái chiều trước đây.

- Việt Nam đã có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhưng đến nay ngành vẫn chưa phát triển như kỳ vọng, vậy đây là câu chuyện thực thi chính sách chưa hiệu quả hay vấn đề nằm ở đâu thưa ông?

Ông Phạm Tuấn Anh: Trong thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã có sự quan tâm đặc biệt đến ngành công nghiệp nói chung và ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng.

Cụ thể là Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành như Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ, Nghị quyết 115/NQ-CP năm 2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Kèm theo đó là các văn bản pháp luật có liên quan như Luật đầu tư, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các luật về thuế cũng có quy định chính sách, tạo điều kiện để hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Như vậy, có thể nói, các chính sách về cơ bản hiện dù chưa đủ mạnh, nhưng đã có những thành tựu nhất định, mặc dù chưa đạt được kỳ vọng của Đảng và Chính phủ cũng như tiềm năng vốn có của chúng ta.

Gian triển lãm thiết bị đo lường tại Triển lãm quốc tế công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Việt Nam 2022. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Về nguyên nhân, tôi cho rằng tập trung ở 3 nhóm chính: đó là cơ chế chính sách chưa đủ mạnh, còn dàn trải và nguồn lực chưa tập trung như văn bản cao nhất của ngành công nghiệp hỗ trợ là Nghị định 111, nhưng khi tham chiếu đến các văn bản quy phạm pháp luật của các chuyên ngành khác còn chưa đồng bộ.

Hạn chế nữa nữa là liên quan đến tài chính. Trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đánh giá các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam rất cần hỗ trợ về mặt tài chính, nhưng xem lại các văn bản quy định liên quan và tổng kết lại các doanh nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư rất ít.

Cùng với đó là việc triển khai các chính sách, nghị định, sự đồng bộ giữa các bộ ngành chưa cao; khi về địa phương còn chậm trễ trong việc xây dựng các chương phát triển ngành cũng như tập trung về nguồn lực.

Đặc biệt có những địa phương đứng đầu về thu hút đầu tư nhưng bộ máy làm công nghiệp hỗ trợ chỉ có 5-7 người.

Với nhân lực như vậy rất khó để có thời gian nghiên cứu cũng như đề xuất, triển khai chính sách, hoặc tư vấn cho Ủy ban Nhân dân các địa phương.

Một khó khăn nữa là năng lực của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế về năng lực, từ cung ứng, lao động, quản trị doanh nghiệp, về khoa học công nghệ trong doanh nghiệp.

Thêm hạn chế nữa là dung lượng thị trường nhỏ, doanh nghiệp hỗ trợ muốn giảm giá sản lượng phải đủ lớn.

Ví dụ như lĩnh vực ôtô dung lượng thị trường khoảng 500.000 xe/năm, nhưng lại có nhiều dòng xe từ xe con, xe tải, xe khách, mỗi dòng xe lại có nhiều sản phẩm khác nhau, như vậy thị trường đã nhỏ, lại phân tán, nên để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ôtô là rất khó.

- Ông đánh giá như thế nào về năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam so với các doanh nghiệp nước ngoài?

Ông Phạm Tuấn Anh: Năng lực của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay theo tôi là xuất phát điểm thấp, kém xa so với các các doanh nghiệp nước ngoài.

Ví dụ như một doanh nghiệp nước ngoài sang Việt Nam đầu tư được hỗ trợ rất lớn từ tập đoàn mẹ, công ty mẹ ở nước ngoài.

Ví dụ như về tài chính, có những doanh nghiệp vay vốn của họ rất thấp, cá biệt như doanh nghiệp Nhật Bản sang Việt Nam đầu tư được vay vốn của doanh nghiệp mẹ chỉ 0%, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam vay vốn với lãi suất rất cao.

Ngành sản xuất công nghiệp yêu cầu vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi dài nên doanh nghiệp Việt Nam đã thua ngay từ xuất phát điểm chưa nói đến các doanh nghiệp FDI sang Việt Nam đều đưa theo các công ty vệ tinh và những doanh nghiệp đã từng làm trước đây để cùng xây dựng hệ thống của họ.

Do đó các doanh nghiệp Việt Nam muốn chen chân vào hệ thống của họ cũng rất khó khăn mặc dù các doanh nghiệp, các bộ ngành và Chính phủ rất nỗ lực nhưng chưa đạt được mục tiêu mong muốn.

- Số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia rất khó khăn và ít ỏi. Bộ Công Thương cần giải pháp gì để khắc phục vấn đề này thưa ông?

Ông Phạm Tuấn Anh: Bên cạnh các chính sách của nhà nước, bộ ngành cũng cần sự nỗ lực của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí mà các tập đoàn đưa ra về giá cả, thời gian giao hàng, chất lượng sản phẩm, quy mô nhà xưởng. Bên cạnh đó còn có các yêu cầu về môi trường, xã hội.

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã và đang thực hiện các nội dung và nhiệm vụ mà Chính phủ đang giao tại Nghị định 111 về phát triển công nghiệp hỗ trợ, Nghị quyết 115/NQ-CP, Quyết định 68/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Bên cạnh đó, về hợp tác quốc tế, Bộ Công Thương cũng thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tại các nước có nền công nghiệp hỗ trợ mà chúng ta đang hướng tới như Nhật Bản, Hàn Quốc bằng các chương trình hợp tác đào tạo, hỗ trợ cho các doanh nghiệp để được đào tạo cũng như tìm kiếm thị trường.

Cụ thể nhất là chương trình hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công thương Hàn Quốc trong giai đoạn vừa qua về việc đào tạo cán bộ kỹ thuật trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ được triển khai rất hiệu quả, có bước thay đổi, nhận thức, tiếp cận thị trường cũng như cách làm về công nghiệp hỗ trợ của các nước bạn.

Về lâu dài, Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện những hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành công nghiệp nói chung và ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng để chính sách đến được với doanh nghiệp.

Bộ Công Thương rất mong muốn các bộ, ngành liên quan đến các chức năng nhiệm vụ cũng có sự đồng hành sát cánh cùng Bộ Công Thương trong việc xây dựng chính sách.

Tôi lấy ví dụ ở đây liên quan đến cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài, khi Bộ Công Thương triển khai Nghị quyết 115 đưa ra chính sách cấp bù lãi suất cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

Tuy nhiên, quan điểm của các bộ ngành tương đối khác so với việc là hỗ trợ doanh nghiệp của Bộ Công Thương. Đây là cũng một trong những vấn đề mà Bộ Công Thương mong muốn các bộ, ngành chung tay xây dựng những chính sách đồng bộ, đủ mạnh để hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Qua đó, có thể giúp số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia được chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia.

- Ngoài giải pháp từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, theo ông, bản thân các doanh nghiệp trong nước cần có giải pháp gì để tham gia chuỗi cung ứng sâu hơn?

Ông Phạm Tuấn Anh: Theo tôi, bản thân các doanh nghiệp, hơn ai hết là họ hiểu chính doanh nghiệp của họ, từ đó nắm bắt được kế hoạch, nhu cầu của khách hàng mà họ hướng đến cũng như xu hướng của thị trường.

Từ đó có kế hoạch, hoạch định cho chính doanh nghiệp họ, bản thân họ cũng tự nâng cao trình độ năng lực của đội ngũ lao động, đội ngũ quản lý cũng như là đội ngũ làm khoa học công nghệ, cải tiến thiết bị máy móc nhà xưởng để từng bước đáp ứng nhu cầu của các tập đoàn đa quốc gia khi họ có nhu cầu.

- Theo ông, cần làm gì để tăng cường tính kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài trong phát triển công nghiệp hỗ trợ?

Ông Phạm Tuấn Anh: Về ngắn hạn, Bộ Công Thương đã và đang làm công tác xúc tiến đầu tư ở các thị trường trong và ngoài nước để tìm kiếm thị trường cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và triển khai các chương trình phát triển nhà cung cấp.

Điển hình như Bộ Công Thương đã phối hợp với Samsung thực hiện rất hiệu quả các chương trình này trong việc tìm kiếm nhà cung cấp cho Samsung và sắp tới Bộ cũng sẽ có những chương trình tương tự với các tập đoàn lớn khác ở Việt Nam để phát triển nhà cung cấp cho họ.

Về dài hạn, Bộ Công Thương tiếp tục tư vấn cho Chính phủ ban hành những chương trình, chính sách để hoàn thiện thu hút đầu tư vào trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Qua đó, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong nước, hình thành các cái khu, cụm công nghiệp hỗ trợ, có những doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt trong lĩnh vực này.

Cùng với đó là hình thành các dịch vụ cho khu, cụm đó để tạo một hệ sinh thái hoàn chỉnh, từ việc cung cấp nhà xưởng, các dịch vụ mà các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần có nhu cầu để họ yên tâm đầu tư vào các khu công nghiệp hỗ trợ đó.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác