3 nước Đông Bắc Á hợp tác vì phát triển chung

(ĐTTCO) - Cuộc gặp thượng đỉnh Hàn Quốc - Nhật Bản - Trung Quốc diễn ra tại Thành Đô, Trung Quốc trong 2 ngày 23 và 24-12 được xem là cơ hội mới để 3 nước lớn khu vực Đông Bắc Á tăng cường hòa giải và hợp tác vì phát triển chung của nền kinh tế khu vực.

Hòa giải


Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có cuộc gặp riêng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 23-12, trước khi bay tới Thành Đô cùng Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường dự hội nghị thượng đỉnh 3 bên vào ngày 24-12. Đây sẽ là hội nghị thượng đỉnh lần thứ 8 kể từ năm 2008 sau khi bị hoãn lại do nhiều năm tranh chấp lãnh thổ và lịch sử giữa 3 nước trên.

3 nước Đông Bắc Á hợp tác vì phát triển chung ảnh 1Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

3 nước Đông Bắc Á hợp tác vì phát triển chung ảnh 2Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in

Cuộc gặp năm nay diễn ra trong bối cảnh phát sinh căng thẳng mới về thương mại giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Quan hệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc sau thời điểm căng thẳng về kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Hàn Quốc, nay có thêm bất ổn mới khi Seoul tỏ ra lo ngại về việc tăng cường tuần tra trên không và trên biển của Trung Quốc và Nga tại khu vực giữa Hàn Quốc và Nhật Bản.

Nhật Bản cũng coi hoạt động hàng hải ngày càng tăng của Trung Quốc trong vùng biển khu vực trên và việc nâng cấp quân đội Trung Quốc cùng với các chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên là những mối đe dọa chính yếu hiện nay.


Tờ South China Morning Post dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, tại hội nghị thượng đỉnh lần này, Trung Quốc sẵn sàng đóng vai trò hòa giải giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Theo Chính phủ Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in dự kiến gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh ở Thành Đô. Đây sẽ là cuộc họp chính thức đầu tiên của họ kể từ tháng 9-2018.

Ông Ping, giáo sư về kinh tế chính trị tại Đại học Fudan ở Thượng Hải, cho biết, Bắc Kinh có thể mang lại cho các nước láng giềng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang phát triển. Theo ông, tranh chấp thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc không chỉ đơn giản là về thương mại song phương, mà còn có tác động quan trọng đến các quốc gia bao gồm Trung Quốc vì cùng nằm trong chuỗi sản xuất khu vực và chuỗi giá trị toàn cầu. Bắc Kinh cũng có thể khuyến khích hai nước đóng vai trò lớn hơn trong thương mại tự do khu vực và toàn cầu.

Triển vọng FTA 3 bên

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong các dự báo gần đây đều lo ngại về tăng trưởng kinh tế sụt giảm hơn ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (tương ứng với nền kinh tế lớn thứ nhất, thứ hai và thứ tư ở châu Á). Theo các số liệu chính thức, xuất khẩu từ Nhật Bản và Hàn Quốc đều giảm trong tháng 11, tháng thứ 12 giảm liên tiếp. Nguyên nhân một phần là do xuất nhập khẩu của Trung Quốc giảm. Cũng trong tháng 11, Trung Quốc đã báo cáo sự sụt giảm xuất khẩu trong tháng thứ 4 liên tiếp vì áp lực của tranh chấp thương mại kéo dài 17 tháng với Mỹ.

Tại Bắc Kinh, ông Li Chenggang, Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc, cho biết, một trong những mục nghị sự quan trọng tại hội nghị thượng đỉnh của 3 nhà lãnh đạo Hàn Quốc - Nhật Bản - Trung Quốc là để thúc đẩy thêm động lực chính trị trong nỗ lực mang lại đột phá cho các cuộc đàm phán về Hiệp định thương mại tự do (FTA) 3 bên, phù hợp với lợi ích chung của 3 nước khi đối mặt với môi trường kinh tế toàn cầu phức tạp.

Bắc Kinh coi hiệp định thương mại với Nhật Bản và Hàn Quốc là một phần quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực có dân số 1,6 tỷ dân về phía trước và đa dạng hóa thị trường trong bối cảnh thương mại với Mỹ vẫn còn nhiều khó khăn. Các nhà quan sát cho rằng, Bắc Kinh có thể muốn kết thúc các cuộc đàm phán FTA với 2 nước láng giềng trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11-2020 để tránh những bất ổn hơn nữa trong quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Các tin khác