Chỉ cách trung tâm thành phố 10 km, hàng nghìn người dân ở đây vẫn gọi nơi này là miền quê giữa lòng phố thị trong sự chua chát, bởi theo quy hoạch, bán đảo Bình Quới - Thanh Đa là khu du lịch - văn hóa - giải trí.
Được cha mẹ chồng cho miếng đất cất nhà từ cách đây 20 năm, nhưng đến nay chị Thảo không dám xây. Còn muốn sửa chữa, tu bổ gì, chị phải làm giấy cam kết với chính quyền địa phương. Theo quy định, đất trong quy hoạch, người dân không được phép xây dựng, sửa chữa.
"Sửa chữa ra, sợ tháo gỡ, đập phá rồi phường vào, thành thử ra tụi chị không dám làm. Nhiều lúc có đứa thì nó dư một tí xíu, nó muốn làm sổ, tách thửa tách cũng không được", chị Nguyễn Thị Thanh Thảo, phường 28, quận Bình Thạnh, TPHCM, chia sẻ.
Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được quy hoạch từ năm 1992. Sau 3 thập kỷ, dù nhiều lần thay đổi dự án, đổi chủ đầu tư, nhưng vẫn chưa có dự án nào được triển khai. Do đó, cứ mỗi lần thông báo hay vận động những vấn đề liên quan đến dự án hay quy hoạch của khu vực này, ông Ba, Trưởng khu phố 3, lại cảm thấy áp lực, lần sau nhiều hơn lần trước.
Tại phường 28, khó khăn lớn nhất khi quản lý địa bàn là hạn chế xây dựng trái phép. Dù chính quyền địa phương có đề ra các giải pháp hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, lập ranh đất đai trong đất quy hoạch, nhưng chỉ là tạm thời và giới hạn trong khuôn khổ pháp luật.
"Kỳ vọng Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh và Luật Đất đai (sửa đổi), bổ sung sẽ tháo gỡ các khó khăn trong việc thực hiện các dự án, trong đó có quy hoạch dự án của Bình Qưới, Thanh Đa nhằm đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người dân ở trong khu quy hoạch", ông Mai Quang, Chủ tịch UBND phường 28, quận Bình Thạnh, TPHCM, cho biết.
Cùng một quận, nhưng lại khác nhau về hạ tầng, sau 30 năm, ra vào bán đảo Bình Quới - Thanh Đa cũng chỉ có một con đường. Ngày chờ những cây cầu thành hình như đã hứa với ông Ba không còn nhiều. Ông Ba năm nay đã hơn 80 tuổi, niềm hy vọng đành trông chờ vào thế hệ thứ 3.
Không chỉ khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, tại TPHCM còn có nhiều dự án treo, trong đó 4 dự án treo hàng thập kỷ. Đó là Khu đô thị Tây Bắc, công viên Sài Gòn Safari, ga Bình Triệu, rạch Xuyên Tâm, ảnh hưởng đến đời sống của hàng nghìn hộ dân. Làm thế nào để giảm, xóa được quy hoạch treo là điều trông chờ của nhiều người dân vào Luật Đất đai (sửa đổi) lần này.
Thay vì thiên về sửa chửa quy hoạch, nhiều ý kiến cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) cần bổ sung cơ chế chịu trách nhiệm đối với cơ quan phê duyệt quy hoạch lẫn bồi thường cho người dân, đồng thời phải làm rõ quyền của người sử dụng đất trong trường hợp đất đã được quy hoạch và đã có kế hoạch sử dụng đất.