Đây là dịp để lãnh đạo các nước ASEAN và Hàn Quốc kiểm điểm hợp tác 3 thập niên qua, thúc đẩy định hướng quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN - Hàn Quốc trong 30 năm tới, trên cơ sở nền tảng quan hệ đang phát triển tốt đẹp và toàn diện trên các mặt hiện nay.
Lễ đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân tại sân bay quân sự Gimhae, TP Busan
Hàn Quốc tập trung Chính sách hướng Nam
Nhận lời mời của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, ngày 24-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân cùng Đoàn Cấp cao Việt Nam đã đến Hàn Quốc tham dự hội nghị này cùng với Hội nghị Cấp cao Mê Công - Hàn Quốc lần thứ nhất (27-11) và thăm chính thức Hàn Quốc từ ngày 24 đến 28-11.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và các đại biểu thực hiện nghi thức động thổ Thành phố Thông minh Busan Eco-Delta
ASEAN có 10 đối tác đối thoại, trong đó có một số đối tác đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh đặc biệt 2 lần với ASEAN, nhưng Hàn Quốc là quốc gia đối tác đầu tiên của ASEAN tiến hành việc này 3 lần. Chính phủ Hàn Quốc đang chuẩn bị bước vào giai đoạn thứ 2 thực hiện Chính sách hướng Nam mới được công bố vào cuối năm 2017 vì vậy, hội nghị thượng đỉnh sắp tới sẽ là dịp để Tổng thống Moon Jae-in công bố giai đoạn 2 cùng nội dung chi tiết của đường hướng mới.
Trong khi đó, đây là lần đầu Hàn Quốc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hàn Quốc - Mê Công, nếu không kể một số Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc - Mê Công. TS Lee Jaehyon, Giám đốc Trung tâm ASEAN và châu Đại Dương, Viện Nghiên cứu Chính sách Asan, cho rằng đây có thể là cơ hội để Chính phủ Hàn Quốc thể hiện những đóng góp to lớn hơn của mình cho các nước có sông Mê Công chảy qua, sau khi một số quốc gia đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh tương tự như Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản.
Việt Nam là đối tác trọng tâm
Nhận định vai trò của Việt Nam và vai trò của Việt Nam - Hàn Quốc, giới phân tích cho rằng Hàn Quốc coi Việt Nam là đối tác trọng tâm trong Chính sách hướng Nam mới và tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng đầu về đầu tư, thứ hai về du lịch, thứ ba về thương mại.
Vì vậy, TS Lee Jaehyon cho rằng Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển quan hệ Hàn Quốc - ASEAN, và trong những năm tới, vai trò của Việt Nam trong việc làm sâu sắc quan hệ giữa Hàn Quốc với các nước ASEAN còn quan trọng hơn. Hàn Quốc quyết tâm đẩy mạnh nỗ lực phát triển và tăng trưởng kinh tế của các nước có sông Mê Công chảy qua. TS Lee Jaehyon nhấn mạnh Việt Nam là một trong những nước đóng vai trò lớn trong khu vực này, nên để Hàn Quốc hợp tác thành công với các nước này, Việt Nam nên chia sẻ kinh nghiệm của mình trong khu vực và cũng có thể hướng dẫn để Hàn Quốc trở thành đối tác thành công ở đây.
Có thể thấy rằng mối quan hệ hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam những năm gần đây trở nên tốt đẹp hơn bao giờ hết, là hình mẫu thành công lý tưởng nhất mà Chính sách hướng Nam mới của Chính phủ Hàn Quốc, cũng như mối quan hệ hợp tác Hàn Quốc - ASEAN và Hàn Quốc - Mê Công, hướng tới và theo đuổi. Dựa trên hình mẫu mối quan hệ hợp tác Hàn - Việt, Hàn Quốc sẽ thúc đẩy phát triển không ngừng mối quan hệ hợp tác với các quốc gia khác trong tiểu vùng sông Mê Công. Nhất là khi năm 2020, Việt Nam cùng lúc trở thành Chủ tịch ASEAN và là nước điều phối hợp tác giữa Hàn Quốc và các nước sông Mê Công, do đó vai trò của Việt Nam ngày càng quan trọng hơn.
Ông Joo Hyung Chul, Chủ tịch Ủy ban Chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc, cho biết trong bối cảnh toàn cầu đang có nhiều diễn biến thay đổi như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Nhật Bản siết chặt quy chế xuất khẩu đối với Hàn Quốc, Việt Nam đang là đối tác hợp tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Hàn Quốc. Có thể nói Việt Nam và Hàn Quốc là đối tác hợp tác kinh tế không thể tách rời
Ngày 24-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và các nhà lãnh đạo ASEAN dự lễ động thổ xây dựng Thành phố Thông minh Eco-Delta tại quận Gangseo, Busan. Đây là hoạt động đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 30 năm quan hệ ASEAN-Hàn Quốc.