32 năm cưu mang học trò nghèo Trường Sơn

(ĐTTCO) - Bà Trần Thị Mác (81 tuổi, thôn 2 xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã có 32 năm cưu mang học trò nghèo xã Trường Sơn về học cấp 3 trường huyện. 

32 năm cưu mang học trò nghèo Trường Sơn

Rong ruổi đón học sinh về xuôi

Cụ Mác vốn là cán bộ lâm nghiệp tinh giản biên chế. Rời các lâm trường rộng lớn, cụ về quê bên dòng sông Long Đại, lái ca nô buôn chuyến lên xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh xa tít tắp. Thấy học trò học nơi đây hết cấp 2 đã nghỉ học bởi đường về xuôi học cấp 3 quá xa, cụ Mác bàn với chồng mỗi bận lên buôn chuyến lại rong ruổi vượt thác qua 15 bản làng xã Trường Sơn đón các em học sinh về xuôi học.

“Mỗi tháng tôi đi 2 chuyến lên Trường Sơn, bán gạo muối, cá mắm, sau đó chở về củi, chuối bán lại kiếm lời ở chợ Hiền Ninh. Mỗi lần đi về như vậy tôi lại đưa các học trò nghèo muốn về học. Nhiều em không đủ tiền trả trọ, tôi cho ở lại nhà, kê thêm cái giường cho con em Trường Sơn ở” - cụ Mác kể.

Người quê như cụ Mác chất phác, sáng nấu cháo cho học trò nghèo Trường Sơn ăn đến lớp. Ngày tựu trường, cụ mua gạo nếp về nấu xôi chiêu đãi bữa ăn đầu năm. Đa phần học trò ở nhà cụ Mác đều có gia cảnh khó khăn, tiền ăn cũng miễn.

Cụ Mác nhớ lại: “Hồi đó tôi làm ăn buôn bán được, ông nhà là cán bộ lâm nghiệp có lương, có sức khỏe làm thêm nhiều nghề, thợ mộc, đan lát thành thạo, dư dả nên con em Trường Sơn về ở đều được miễn phí cả. Ăn chung với gia đình, có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo. Có năm nhà tôi đón đến 10 cháu ở, chật chội chút nhưng tôi lo chu tất. Cứ có đứa nào tốt nghiệp cấp 3 tôi rất mừng, vì mình đã góp sức cho bà con Trường Sơn thêm một đứa biết chữ, có cơ hội được học cao hơn như cao đẳng, đại học. Biết được điều đó nên nhiều bà con Trường Sơn xin cho con ở lại, tôi lúc nào cũng sẵn sàng”.

ba-that-tot-4-3924.jpg

Ông Nguyễn Văn Tráng, người dân xã Trường Sơn nói: “Cả xã Trường Sơn này gần như ai cũng biết cụ Mác bởi nghĩa cưu mang con em miền núi. Nhà tôi có hơn 20 đứa cháu được mệ cho ăn ở để theo học cấp 3. Tình cảm ấy không thể phai nhạt. Tôi cũng được cụ cưu mang như vậy”.

Nhưng 16 năm trước, năm 2007, chồng cụ Mác, cụ ông Lê Thúc Kháng qua đời sau một cơn bạo bệnh. Cũng trong năm đó, số phận quá nghiệt ngã khi người con trai duy nhất của cụ Mác qua đời do tai nạn giao thông. Như ngã quỵ sau một đêm mất mát, cụ Mác tóc bạc gần hết mái đầu.

Xóm làng Trường Sơn những tưởng cụ sẽ không còn đón đỡ những thân phận học trò nghèo về tá túc. Nhưng cụ vẫn cưu mang: “Không thể buông xuôi được, cuộc đời khắc nghiệt nhưng tôi vẫn tâm niệm: Chớ than phận khó ai ơi / Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây. Tôi vẫn phải giúp đỡ con em Trường Sơn. Cha mẹ chúng nghèo, con em họ là hy vọng thoát nghèo duy nhất để góp sức cho Trường Sơn tươi mới. Hơn nữa mình là con liệt sĩ, tôi còn là đảng viên, không thể buông tay được”.

Nuôi những ước vọng

32 năm tằn tiện, chắt bóp để lo cho con cháu Trường Sơn có nơi ăn ở để đi học. Nhiều bà con biết nỗi khó khăn của cụ, năm 2020 gom góp sắm biếu cụ nồi cơm điện cũ và chiếc tủ lạnh nhỏ. “Thế là thức ăn của mấy học trò Trường Sơn có tủ lạnh cất trữ, có đá cho chúng uống mát khi học về trời nắng, có nồi cơm điện để ủ cơm nóng mùa đông” - cụ Mác hồ hởi.

Căn nhà của cụ lọt thỏm trong khu vườn nhiều cây cối, xuống cấp cũ kỹ, nhưng các cháu ở Trường Sơn vẫn không muốn rời xa. Đầu năm học mới vừa qua, cụ lại đón 3 em về học cấp 3. Cụ cũng kê 3 chiếc giường nhỏ, soạn lại góc học tập để các cháu có nơi tươm tất theo con chữ trường huyện.

ba-that-tot-1-3931.jpg

Ở vùng đồng quê chiêm trũng, mùa lũ nước chạm mái nhà, bà cháu cụ Mác lại lên gác nhà chạy lũ. Đầu mùa lũ hàng năm, cụ gom tiền túi mua gạo, mắm, gia vị cất lên gác cao, để khi lũ về có gạo và thức ăn cho học trò. “Nhiều khi không đủ tiền chi phí, phụ huynh các cháu góp tiền, góp đồ cho các cháu ăn. Tôi tính toán chi li, tiết kiệm để các cháu ăn đủ no. Đến giờ đã 81 tuổi, bà con Trường Sơn vẫn về gởi con ăn học” - cụ Mác chia sẻ.

Như năm 2020, lũ lớn, cụ cùng 10 học sinh phải leo lên mái nhà chờ nước rút. Sau lũ, bà con ở Trường Sơn kéo xuống giúp cụ dọn vén nương vườn, sửa sang lại nhà cửa. Anh Võ Ngọc Phương đưa con xuống để vào học lớp 11 trường cấp 3 Quảng Ninh, kể: “Tôi đưa con xuống huyện nhập học sớm để cùng một số phụ huynh khác giúp cụ Mác đảo lại mái ngói trước mùa mưa bão, đóng lại mấy vách bị thấm nước.

Cụ ân tình với con em Trường Sơn, cho con tôi ở miễn phí 3 năm. Công sức của cụ với con em Trường Sơn lớn như núi Chà Rào, sâu sắc như thác Tam Lu trên sông Long Đại. Nên chúng tôi dù khó khăn kinh tế, không có tiền giúp cụ nên lấy công sức sửa sang nhà cửa để đỡ lo mùa mưa gió”.

Em Võ Ngọc Tấn, năm nay học lớp 10 về ở với cụ nói: “Các thế hệ anh chị đi trước ở nhà mệ Mác ai cũng răm rắp nghe lời mệ nên học hành đỗ đạt. Em được mệ cho ở miễn phí cũng cố gắng theo gương, theo lời mệ để học hành con chữ”.

Ông Nguyễn Văn Nhì, Bí thư Đảng ủy xã Trường Sơn cho biết, bà con nhân dân xã Trường Sơn luôn biết ơn cụ Mác. Đó là người bà vì con cháu đồng bào xã Trường Sơn không vụ lợi, âm thầm 32 năm như một người lái đò thầm lặng mà tấm lòng cao cả. 32 năm, cụ Mác đã cưu mang hàng trăm con em xã Trường Sơn rẻo cao. Nhiều trong số đó đỗ đạt đại học, cao đẳng về xã làm giáo viên, cán bộ xã, có đứa đi nước ngoài xuất khẩu lao động.

Chia tay chúng tôi, cụ nói: “Tôi già rồi, cả đời học theo đức hy sinh của cha tôi. Mong sao sau này nằm xuống, ai đó rộng lòng dựng căn nhà trên mảnh vườn thật kiên cố để cho học trò Trường Sơn về ở miễn phí học cấp 3 cho tới nơi tới chốn chứ không mong gì hơn”.

Các tin khác