Nhưng đó mới chỉ là phần trên đất liền. Nếu tính đầy đủ lãnh thổ, không phận, hải phận thuộc chủ quyền của Việt Nam, cực Đông và Nam của Tổ quốc nằm trên 2 hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa. Đó là Tiên Nữ và An Bang, cùng A Pa Chải và Lũng Cú, là 4 cực của Việt Nam.
Lũng Cú trên cao nguyên đá hùng vĩ
Cột cờ Lũng Cú (huyện Đồng Văn, Hà Giang), được xem là điểm đánh dấu cực Bắc của đất nước. Tuy nhiên, trên thực tế điểm cực Bắc đất nước cách cột cờ khoảng 3km về phía Bắc, cũng thuộc xã Lũng Cú, nơi có đường biên giới với Trung Quốc. Đó là tính theo tọa độ địa lý, còn với cột cờ Lũng Cú, đây chính biểu tượng, điểm dấu cho vùng đất phía cực Bắc của Tổ quốc, trên cao nguyên đá Hà Giang hùng vĩ, khắc nghiệt, nhưng cũng hết sức lãng mạn này.
Cột cờ Lũng Cú được xây dựng trên đỉnh núi Rồng với độ cao 1.468m so với mực nước biển; cách huyện lỵ Đồng Văn 24km, cách thành phố Hà Giang 154km và cách Hà Nội khoảng 450km. Lá cờ treo ở đây rộng 54m2, đại diện cho tinh thần đoàn kết của 54 dân tộc anh em Việt Nam.
Toàn cảnh cột cờ Lũng Cú. Ảnh: QUANG PHÚC |
Lũng Cú là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Mông, Tày, Lô Lô, Giáy, Hoa, Pu Péo… với 9 thôn bản trong xã. Theo cách gọi dân dã, mộc mạc của đồng bào Mông, Lũng Cú là Lũng Ngô (theo tiếng Mông, cú có nghĩa là ngô). Còn người Lô Lô gọi Lũng Cú là Long Cư, nơi rồng ở. Bà con các dân tộc ở Lũng Cú chủ yếu làm nương rẫy và làm ruộng bậc thang.
Riêng dân tộc Mông và Lô Lô vẫn bảo tồn nghề dệt truyền thống với các công đoạn làm sợi lanh, dệt vải. Với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là du lịch, hiện mô hình du lịch cộng đồng đã khá phổ biến ở Lũng Cú. Cùng với dòng sông Nho Quế, đèo Mã Pí Lèng, phiên chợ Đồng Văn, nhà họ Vương… cột cờ Lũng Cú là điểm đến không thể bỏ qua khi đến với vùng đất cực Bắc Tổ quốc này.
A Pa Chải - ngã 3 biên giới
A Pa Chải thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Cột mốc số 0, hay còn gọi là cột mốc A Pa Chải nằm trên đỉnh Khoan La San thuộc bản Tá Miếu, xã Sín Thầu; có độ cao 1.866m; tọa độ địa lý 22°24’2” vĩ độ Bắc - 102°8’38” kinh độ Đông. Đây là cột mốc đặc biệt, điểm cực Tây của Việt Nam, nơi ngã 3 biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc. Khu vực A Pa Chải, Tá Miếu cũng như toàn xã Sín Thầu là nơi sinh sống của bà con dân tộc Hà Nhì.
Cột mốc A Pa Chải , cột mốc 3 nước Việt Nam, Trung Quốc và Lào. Ảnh: QUANG PHÚC |
A Pa Chải vốn thuộc huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Năm 2002 huyện Mường Nhé được thành lập trên cơ sở tách từ huyện Mường Tè và một bộ phận dân số, diện tích tự nhiên huyện Mường Lay. Năm 2003, tỉnh Lai Châu được chia tách thành tỉnh Lai Châu mới hiện nay và tỉnh Điện Biên.
A Pa Chải cách trung tâm huyện Mường Nhé khoảng 70km và cách Hà Nội gần 700km theo đường bộ. Từ Hà Nội, có thể lên A Pa Chải theo hướng Quốc lộ 6, qua Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên; hoặc theo cao tốc Nội Bài - Lào Cai, lên Sa Pa, qua Lai Châu rồi đến Điện Biên. Hiện nay, về cơ bản đường từ trung tâm Mường Nhé lên Sín Thầu, lên cột mốc A Pa Chải tương đối thuận lợi. Cột mốc số 0 A Pa Chải đã trở thành điểm chinh phục, trải nghiệm cực Tây Tổ quốc của nhiều người.
Tiên Nữ - nơi đầu tiên đón bình minh
Đảo Tiên Nữ nằm tọa độ địa lý 8°51′0″ vĩ độ Bắc - 114°38′20” kinh độ Đông. Đây là đảo ở xa nhất về phía Đông trong số các đảo ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đảo Tiên Nữ cách đảo Trường Sa Lớn 300km và cách bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa) 750km.
Đảo Tiên Nữ, hòn đảo cực Đông, nơi đầu tiên đón bình minh của Tổ quốc. Ảnh: TRẦN BÌNH |
Đảo Tiên Nữ gồm có phần đảo nổi và bãi chìm với chiều dài 6-7km, chiều rộng nhất 3km. Phần chính của đảo là nơi đóng quân của Hải quân nhân dân Việt Nam, phần rìa phía Đông Nam có trạm hải đăng cách đảo chính khoảng 9km.
Niềm vui của các chiến sĩ hải quân trên đảo Tiên Nữ khi đón khách từ đất liền ra thăm đảo. Ảnh: TRẦN BÌNH |
Theo báo điện tử Chính phủ, đảo Tiên Nữ có vành đai san hô khép kín, gắn với câu chuyện huyền thoại về một người con gái xuất hiện giữa biển khơi mang bình yên cho vùng đảo này, giúp ngư dân vượt qua những cuồng phong, bão tố trên biển cả. Khu vực quanh đảo là ngư trường lớn với nhiều loài hải sản quý hiếm. Đảo Tiên Nữ là nơi đầu tiên đón bình minh mỗi ngày của Việt Nam.
An Bang xa hơn cả mũi Cà Mau
Theo các chiến sĩ hải quân, An Bang là hòn đảo khó cập bến nhất của quần đảo Trường Sa vì quanh năm có sóng lớn. Chỉ cần gió cấp 3, 4 những chuyến tàu cập đảo gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có nhiều tàu hải quân gặp hôm sóng lớn phải quay về, hoặc chờ sóng tạm lặng mới dùng xuồng để lên được đảo. An Bang là một trong những đảo đẹp nhất ở quần đảo Trường Sa.
Đẹp bởi ngoài cây xanh phủ kín đảo do các chiến sĩ trồng, còn có ngọn hải đăng khang trang và bãi cát trắng phía Đông đảo. Không phải đảo nào ở Trường Sa cũng có bãi cát như vậy.
Ngọn Hải đăng An Bang có độ cao 24,9m và tầm chiếu xa ban ngày là 14,5 hải lý, ban đêm là 15 hải lý. Ảnh: TRẦN BÌNH |
Đảo An Bang cách đảo Trường Sa Lớn khoảng 140km về hướng Đông Nam, có tọa độ địa lý ghi trên bia chủ quyền của Việt Nam là 7°52′10″ vĩ độ Bắc - 112°54′10″ kinh độ Đông. So với mũi cực Nam đất liền ở xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, có tọa độ 8°37′30″ vĩ độ Bắc - 104°43′0″ kinh độ Đông, vị trí An Bang còn thấp gần 1 vĩ độ (khoảng 110km). Không tính những bãi cát chìm, san hô chìm, đảo An Bang là vùng đất có vĩ độ thấp nhất của Việt Nam. Mũi Cà Mau chỉ là cực Nam của phần đất liền, còn nếu tính hết đảo An Bang là mới là vùng đất cực Nam của Tổ quốc.