4 hành lang đường bộ kết nối: Lực đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng

Cùng với tuyến cao tốc Hạ Long-Hải Phòng, tuyến Quốc lộ 18 và 2 dự án trên, dự kiến đến năm 2024, Quảng Ninh và Hải Phòng sẽ có tới 4 hành lang đường bộ kết nối đồng bộ hầu khắp các khu vực liền kề.
Cao tốc Hạ Long-Hải Phòng. (Ảnh: Trung Nguyên/TTXVN)
Cao tốc Hạ Long-Hải Phòng. (Ảnh: Trung Nguyên/TTXVN)

Ngoài dự án trọng điểm tuyến cao tốc dài 176km nối với cao tốc Hải Phòng-Hà Nội đã hoàn thành và đưa vào sử dụng toàn tuyến từ tháng 9/2022, tỉnh Quảng Ninh đang triển khai hoặc phối hợp triển khai thực hiện nhiều dự án giao thông kết nối với các địa phương lân cận.

Đó là dự án cầu Bến Rừng nối thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) với huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng). Dự án được khởi công từ tháng 5/2022 với tổng vốn gần 2.000 tỷ đồng, từ ngân sách Trung ương, ngân sách thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh.

Cầu Bến Rừng có chiều dài 1.865,3m, rộng 21,5m, cầu chính gồm 4 nhịp... Đến nay, công trình đã thi công đạt trên 30% tổng khối lượng và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023.

Đầu tháng 2/2023, Quảng Ninh và Hải Phòng tiếp tục khởi công dự án cầu Lại Xuân kết nối giữa thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) với huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) với chiều dài cầu 840m, rộng 12m và đường dẫn với tổng vốn đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong 20 tháng, xong trong năm 2024.

Cùng với tuyến cao tốc Hạ Long-Hải Phòng, tuyến Quốc lộ 18 và 2 dự án trên, dự kiến đến năm 2024, Quảng Ninh và Hải Phòng sẽ có tới 4 hành lang đường bộ kết nối đồng bộ hầu khắp các khu vực liền kề.

Điều này góp phần nâng cao năng lực phục vụ về giao thông, tạo hệ thống kết nối giao thông liên vùng, đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải giữa các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cảng biển, sân bay, cửa khẩu và chuỗi đô thị đang hình thành; phát huy dư địa đất đai, mở rộng không gian phát triển mới, kiến tạo cảnh quan-kiến trúc công trình mang dấu ấn bản sắc địa phương để phục vụ cho phát triển du lịch.

Hiện Quảng Ninh đang triển khai dự án đường ven sông tốc độ cao kết nối từ đường cao tốc Hạ Long-Hải Phòng đến thị xã Đông Triều và sẽ đấu nối vào các hành lang giao thông này, phối hợp với tỉnh Hải Dương để nối dài tới thành phố Chí Linh.

Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã nghe và cho ý kiến về phương án thiết kế đường 342 nối thành phố Hạ Long qua huyện Ba Chẽ đến tỉnh Lạng Sơn và phương án thiết kế đường nối Quốc lộ 279 với đường 291, thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang.

Trước đó, ngày 1/1/2023, tỉnh Quảng Ninh tổ chức khởi động, ra quân thi công đường tỉnh 342, nối thành phố Hạ Long với huyện Ba Chẽ và tỉnh Lạng Sơn. Quảng Ninh phấn đấu hoàn thành trong tháng 10/2023 để đưa vào khai thác nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh 30/10 (1963-2023).

Với tuyến đường này, Lạng Sơn sẽ có thêm một tuyến đường ra biển của Quảng Ninh gần hơn 50km so với Quốc lộ 4B hiện nay.

Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn cấp III miền núi, 2 làn xe, rộng 9m có chiều dài 20,9km và có tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.

Đường đi qua địa bàn huyện Ba Chẽ với điểm đầu nối với xã Kỳ Thượng, thành phố Hạ Long tại km 37+500, đường tỉnh 342 và điểm cuối nối với xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn tại km 58+405.

Phía nhà thầu - Công ty Thanh Phong - khẳng định ý nghĩa của dự án là nỗ lực liên kết vùng, kéo gần khoảng cách, chênh lệch vùng miền của Quảng Ninh.

Ngay sau khi ký hợp đồng thi công, nhà thầu đã bố trí đầy đủ nhân lực, phương tiện tập kết về công trường và triển khai các phần việc, quyết tâm hoàn thành dự án trước kế hoạch.

Tuyến cao tốc Hải Phòng-Quảng Ninh. (Nguồn: TTXVN)

Dự án đường nối Quốc lộ 279 với đường 291 có chiều dài toàn tuyến trên 8km; xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp III miền núi, tốc độ thiết kế 60km/h. Đây cũng là dự án giao thông có ý nghĩa rất quan trọng trong kết nối vùng giữa Quảng Ninh và Bắc Giang, góp phần thúc đẩy hoạt động giao thương, du lịch của hai địa phương.

Đối với 2 dự án này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu phải đặc biệt quan tâm đến việc chống lãng phí, tiêu cực trong quá trình xây dựng, phê duyệt phương án thiết kế và triển khai thi công các dự án.

Đơn vị tư vấn nghiên cứu kỹ phương án thiết kế nhằm hạn chế tối đa tác động đến diện tích rừng tự nhiên và quỹ đất dự trữ để đáp ứng nhu cầu nâng cấp sau này.

Việc chủ động mở rộng kết nối giao thông sẽ tạo lực đẩy cho phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy giao thương hàng hóa của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước.

Điều này phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và hành động của Chính phủ.

Các tin khác