Triệt để giãn cách xã hội
Ngày 22-8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM thông tin về những việc cần triển khai trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TPHCM, từ ngày 22-8 đến ngày 6-9.
Theo đó, TPHCM thực hiện nghiêm nhà cách ly nhà; tổ dân phố/tổ nhân dân cách ly tổ dân phố/tổ nhân dân; khu phố/ấp cách ly khu phố/ấp; phường, xã, thị trấn cách ly phường, xã, thị trấn.
Ngay trong ngày 22-8, Bộ Tư lệnh TPHCM phối hợp cùng Sở Nội vụ, Công an TPHCM, Bộ đội Biên phòng TPHCM tham mưu Kế hoạch thành lập Tổ công tác đặc biệt tại các phường, xã, thị trấn có nguy cơ cao (“vùng cam”) và rất cao (“vùng đỏ”).
Sở Y tế phối hợp với Sở Tư pháp hướng dẫn UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức ra Quyết định về việc tiếp tục tăng cường, nâng cao các biện pháp tương xứng với tính chất, mức độ lây lan của dịch bệnh đối với các phường, xã, thị trấn có nguy cơ cao (“vùng cam”) và rất cao (“vùng đỏ”).
Ngày 23-8, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức ra Quyết định về việc tiếp tục tăng cường, nâng cao các biện pháp tương xứng với tính chất, mức độ lây lan của dịch bệnh đối với các phường, xã, thị trấn có nguy cơ cao (“vùng cam”) và rất cao (“vùng đỏ”). UBND phường, xã, thị trấn ra Quyết định thành lập các Tổ công tác đặc biệt tại những vùng có nguy cơ cao (“vùng cam”) và rất cao (“vùng đỏ”).
Rà soát, siết chặt các đối tượng được tham gia lưu thông
Ngay trong ngày 22-8, TPHCM triển khai Công văn số 2796 ngày 21-8 của UBND TPHCM về việc tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Áp dụng các phương thức làm việc theo hướng cán bộ, công chức, người lao động của các cơ quan nhà nước làm việc tại nhà; riêng lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch và giải quyết các công việc khẩn cấp có thể áp dụng “3 tại chỗ” hoặc theo phân công luân phiên.
Chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn thực hiện việc bố trí để người dân đi chợ 1 lần/tuần (đối với “vùng xanh”).
Từ 23-8 đến ngày 6-9, TPHCM tiến hành các chốt kiểm tra, lực lượng tuần tra để kiểm tra và xử lý nghiêm những vi phạm (Công an TPHCM, Bộ Tư lệnh TPHCM, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện).
Về xét nghiệm, ngày 22-8, Trung tâm điều phối xét nghiệm TPHCM bổ sung vào Kế hoạch xét nghiệm một số đối tượng sau: nhân viên siêu thị, lái xe vận chuyển hàng hóa, nhân viên cửa hàng thuốc tây, nhân viên công ty môi trường đô thị, công ty dịch vụ công ích thu gom rác (lái xe, thu gom rác), lực lượng trực các chốt, lực lượng hỗ trợ phòng, chống dịch, nhân viên tại các cửa hàng xăng dầu (7 ngày/lần).
Điều chỉnh Kế hoạch 2716 ngày 15-8 của UBND TPHCM theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Từ ngày 23-8 đến ngày 6-9, triển khai thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Về tiêm vaccine, TPHCM tổ chức tiêm vaccine ở “vùng đỏ” và “vùng cam”. Đội tiêm vaccine di động đến tận nhà dân để tiêm. Tổ chức đội tiêm ở địa điểm phù hợp, bên trong hoặc sát khu phong tỏa, mời bà con từng hộ.
Tại khu chung cư: tổ chức điểm tiêm, phối hợp với Ban quản lý chung cư, mời tuần tự các hộ cùng tầng ra tiêm, có thể tổ chức vào buổi tối.
Đối với điều trị F0 tại nhà, Sở Y tế tham mưu UBND TPHCM ban hành Kế hoạch triển khai các trạm y tế lưu động trong ngày 22-8. Tiếp nối các trạm y tế lưu động đã được thành lập vào ngày 20-8, Sở Y tế xây dựng lộ trình triển khai thành lập các trạm y tế lưu động còn lại với sự thống nhất của từng địa phương, chia thành 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1: thành lập 135 trạm y tế của 14 quận, huyện (quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 11, 12, Bình Tân, Bình Chánh, Bình Thạnh, Nhà Bè, Tân Bình, Gò Vấp, TP Thủ Đức) đi vào hoạt động trước ngày 24-8.
Giai đoạn 2: thành lập 225 trạm y tế của 18 quận, huyện (quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp, TP Thủ Đức, Nhà Bè, Hóc Môn) đi vào hoạt động trước ngày 27-8.
Phương án cụ thể về cung ứng hàng hóa
Sở Công thương trên cơ sở hệ thống phân phối sẵn có của TPHCM phối hợp với Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công thương trong việc điều phối đảm bảo cung cấp đầy đủ hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu cho TP.
Chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn rà soát, thống kê nhân khẩu trên địa bàn (lưu trú, vãng lai) để đảm bảo hoạt động chăm lo, cung ứng hàng hóa cho người dân; tổng hợp thông tin báo cáo về Sở Công thương để tổng hợp tham mưu UBND TPHCM.
Các quận, huyện và TP Thủ Đức cũng rà soát các hệ thống phân phối trên địa bàn, bổ sung đại diện lãnh đạo các hệ thống phân phối vào Tổ cung ứng hàng hóa địa phương để chủ động triển khai phương án; chủ động liên hệ, trao đổi với đầu mối của các chuỗi, hệ thống cung ứng chủ lực trên địa bàn để điều phối, cung ứng hàng hóa kịp thời.
Quận, huyện và TP Thủ Đức cũng rà soát, lựa chọn địa điểm tập kết hàng hóa để tiếp nhận hàng hóa từ hệ thống phân phối để tổ chức phân phối cho người dân; đánh giá năng lực hệ thống kho chứa, triển khai phương án trưng dụng, thiết lập kho chứa phù hợp, đảm bảo năng lực dự trữ lương thực, thực phẩm trên địa bàn để tổ chức cung ứng cho người dân.
Các địa phương rà soát, trưng dụng các mặt bằng còn trống, chưa sử dụng, hỗ trợ cho các hệ thống phân phối làm điểm tổ chức chuẩn bị các giỏ hàng và đóng gói. Hỗ trợ các hệ thống phân phối trong công tác vận chuyển, dự trữ đầy đủ hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu để cung cấp cho người dân trên địa bàn; giao trách nhiệm UBND phường, xã, thị trấn tổ chức nhân sự, phối hợp chặt chẽ với các hệ thống phân phối trên địa bàn, triển khai các phương án cung ứng hàng hóa phù hợp cho nhân dân.
Sở Giao thông – Vận tải tiếp tục phối hợp Sở Công thương, Sở Giao thông - Vận tải các tỉnh, thành duy trì công tác phân luồng xanh tại các địa phương để đảm bảo việc kiểm soát, vận chuyển hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành thuận lợi, vừa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa được thông suốt.
Bộ Tư lệnh TPHCM huy động nguồn lực tham gia hỗ trợ các địa phương trong việc tổ chức phân phối hàng hóa, lương thực thực phẩm đến người dân tại từng khu vực dân cư.
Trung tâm Tiếp nhận và Hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19 chủ động phối hợp với các quận, huyện và TP Thủ Đức rà soát các đối tượng người dân nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19 và nhu cầu cần được hỗ trợ để phân phối kịp thời các túi an sinh xã hội đến từng người dân.
Về hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, Sở Công thương, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao phối hợp với UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp, cho phép các doanh nghiệp được tiếp tục hoạt động nếu đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.
Từ ngày 22-8 đến ngày 25-8, TPHCM bổ sung đầy đủ cho các đối tượng còn thiếu trong gói hỗ trợ an sinh số 2, thực hiện các biện pháp hỗ trợ chủ nhà trọ (miễn, giảm tiền điện, nước). Sở LĐTB-XH TPHCM phối hợp các quận, huyện và TP Thủ Đức triển khai thực hiện.
Từ ngày 22-8 đến ngày 23-8, TPHCM triển khai 500.000 túi an sinh, đảm bảo nguyên tắc không bỏ sót những trường hợp khó khăn; chuẩn bị các suất ăn dinh dưỡng cung cấp cho các trường hợp F0 có hoàn cảnh khó khăn. Hoạt động này được Trung tâm Tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch Covid-19 thực hiện.
Tiếp đó, từ ngày 24-8 đến ngày 6-9, trung tâm này triển khai thêm 1,5 triệu túi an sinh.