4 quỹ mở của VinaCapital hiện đang kinh doanh ra sao?

(ĐTTCO) - VinaCapital kiểm soát rủi ro bằng cách lựa chọn cổ phiếu của các công ty có lợi thế cạnh tranh hoặc mua cổ phiếu ở vùng giá thấp để tăng khả năng đạt lợi nhuận kỳ vọng.

4 quỹ mở của VinaCapital hiện đang kinh doanh ra sao?

Hiệu quả vượt trội

CTCP Quản lý quỹ VinaCapital (VinaCapital) vừa thông báo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, cũng như giai đoạn 3 năm gần nhất, của các quỹ mở, bao gồm: Quỹ Đầu tư CP tiếp cận thị trường VinaCapital (VESAF), Quỹ Đầu tư CP Hưng Thịnh VinaCapital (VEOF), Quỹ Đầu tư cân bằng Tuệ Sáng VinaCapital (VIBF) và Quỹ Đầu tư trái phiếu Bảo Thịnh VinaCapital (VFF).

Tính đến ngày 30-6, lợi nhuận trung bình 3 năm gần nhất của VESAF đạt 28,9%/năm, theo sau là VEOF với mức lợi nhuận 22,1%/năm. Lợi nhuận của 2 quỹ CP này tiếp tục giữ vị trí số 1 và số 2 trong nhóm quỹ CP.

Trong khi VIBF ghi nhận mức lợi nhuận trung bình 3 năm gần nhất là 15,4%/năm, giữ vị trí số 1 trong nhóm quỹ cân bằng. VFF đạt mức lợi nhuận trung bình 3 năm gần nhất là 7,6%/năm, giữ vị trí số 1 trong nhóm quỹ trái phiếu.

Hiệu suất đầu tư vượt trội trong dài hạn của các quỹ mở VinaCapital là thành quả của đội ngũ chuyên gia đầu tư có nhiều kinh nghiệm, tuân thủ chặt chẽ quy trình đầu tư. Cụ thể, VinaCapital tập trung đầu tư vào CP của các công ty chất lượng cao, có dòng tiền tốt, tăng trưởng lợi nhuận cao với triển vọng doanh thu rõ ràng, ban quản trị có năng lực, thực hiện các thông lệ ESG tốt và cam kết phát triển vị thế thị trường của công ty theo thời gian.

Bên cạnh đó, VinaCapital kiểm soát rủi ro bằng cách lựa chọn CP của các công ty có lợi thế cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh bền vững, hoặc mua CP ở vùng giá thấp để tăng khả năng đạt lợi nhuận kỳ vọng.

Tính đến 30-6, tổng tài sản của 4 quỹ mở VinaCapital hiện đạt 3.137 tỷ đồng, tăng 0,97% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, VESAF đạt 1.186 tỷ đồng, VEOF đạt 912 tỷ đồng, VIBF đạt 440 tỷ đồng, VFF đạt 599 tỷ đồng. Các quỹ đã thu hút 40.772 NĐT.

Danh mục đầu tư hiện tại

Được biết, VESAF chủ yếu đầu tư vào các CP niêm yết của những công ty có vốn hóa vừa và nhỏ. Tính đến 30-6, tài sản của quỹ này được đầu tư vào CP ngành vật liệu (15,6%), công nghệ (14,4%), công nghiệp (14,3%), ngân hàng (11,1%), tiêu dùng thiết yếu (10,1%), chứng khoán và bảo hiểm (7,7%), năng lượng (6,7%), tiêu dùng không thiết yếu (5,5%), bất động sản (4,8%), và tiện ích (2,2%). Các mã CP mà VESAF đang nắm giữ nhiều nhất là FPT, QNS và MBB.

VEOF chủ yếu đầu tư vào các CP niêm yết của những công ty đầu ngành có vốn hóa lớn. Tính đến 30-6, tài sản của quỹ được phân bổ vào các ngành ngân hàng (25,7%), công nghiệp (11,7%), công nghệ (10,6%), tiêu dùng không thiết yếu (9,2%), vật liệu (8,4%), bất động sản (7,5%), tiêu dùng thiết yếu (5,1%), chăm sóc sức khỏe (4,7%), năng lượng (3,8%) và tiện ích (2,4%). Các mã CP mà quỹ này đang nắm nhiều nhất là FPT, VCB và STB.

VIBF là quỹ mở cân bằng, chủ yếu đầu tư vào trái phiếu, giấy tờ có giá có chất lượng tín dụng cao và CP niêm yết. Tài sản của VIBF được phân bổ 50% vào CP và 50% vào tài sản có thu nhập cố định theo chiến lược đầu tư của quỹ.

VFF là quỹ mở chuyên đầu tư vào tài sản có thu nhập cố định, bao gồm trái phiếu doanh nghiệp, giấy tờ có giá và các công cụ đầu tư có thu nhập cố định. Tính đến 30-6, tài sản của quỹ được đầu tư vào các lĩnh vực tài chính, tiêu dùng thiết yếu, và bất động sản.

Theo ông Brook Taylor, Tổng giám đốc VinaCapital, các quỹ mở do VinaCapital quản lý đã tiếp tục mang lại lợi nhuận dài hạn vượt trội so với các chỉ số tham chiếu và khả năng tạo ra lợi nhuận vững chắc ngay cả khi thị trường biến động mạnh. Đầu tư nên là một kế hoạch dài hạn và các quỹ mở của VinaCapital đang giúp các NĐT nhà đầu tư đạt được các mục tiêu tài chính của mình”.

Được thành lập vào năm 2003, VinaCapital hiện là tập đoàn đầu tư và quản lý tài sản hàng đầu tại Việt Nam với tổng giá trị hơn 3,9 tỷ USD. Ngoài ra, VinaCapital hợp tác với các đối tác quốc tế để đầu tư vào các lĩnh vực khách sạn, đầu tư mạo hiểm và năng lượng.

Các tin khác