4G: Đáng để chờ đợi

Việc các DN viễn thông xác định dịch vụ dữ liệu mới là dịch vụ và là nguồn thu chính, không phải dịch vụ thoại trong tương lai, đang khiến nhiều người tiêu dùng chờ đợi vào sự xuất hiện của 4G trong năm 2015.

Việc các DN viễn thông xác định dịch vụ dữ liệu mới là dịch vụ và là nguồn thu chính, không phải dịch vụ thoại trong tương lai, đang khiến nhiều người tiêu dùng chờ đợi vào sự xuất hiện của 4G trong năm 2015.

Xu thế tất yếu

Ngay khi 3G vừa mới triển khai ở Việt Nam, 4G đã được Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) và các nhà mạng tính đến. Từ năm 2010, để nhanh chóng bắt kịp với xu hướng phát triển trên thế giới, thay vì đợi đến năm 2015, lần lượt  7 DN được cấp phép triển khai thử nghiệm mạng 4G, gồm VNPT, Viettel, FPT, CMC, VTC, EVN Telecom và Gtel, trong đó Viettel và VNPT đã thành công. Bước chuẩn bị này được đánh giá phù hợp với tốc độ phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4G trên thế giới.

Theo thống kê của Hiệp hội Các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSA), trên thế giới hiện có hơn 300 nhà mạng triển khai công nghệ 4G với khoảng 245 triệu người sử dụng. Dự báo đến hết năm 2017 có khoảng 1 tỷ người sử dụng 4G trên toàn cầu. Thiết bị phục vụ cho công nghệ 4G cũng tăng trưởng đột biến. Hiện có 636 mẫu smartphone và số lượng thiết bị cầm tay 4G được bán ra, tăng tới 222% trong năm 2013; các smartphone 4G giá rẻ 100-150USD đang được các nhà cung cấp sản xuất ngày càng nhiều.

Trên thực tế, so với nhu cầu người tiêu dùng, 3G ở Việt Nam vẫn chưa khai thác hết. Tuy nhiên, khi xu hướng phát triển dịch vụ dữ liệu đang ngày càng rõ rệt, việc tính đến 4G không phải thừa. Theo ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, chuẩn bị cho 4G không có nghĩa ngưng đầu tư cho 3G, ngược lại tiếp tục đầu tư cho 3G không có nghĩa làm chậm tiến độ triển khai 4G. Đây là xu hướng phổ biến trên thế giới, không chỉ diễn ra ở Việt Nam.

Còn theo ông Qin Liang, Phó Chủ tịch phụ trách mảng sản phẩm của Huawei, khi triển khai 4G các dịch vụ giá trị gia tăng sẽ là yếu tố chính để tăng doanh thu cho nhà mạng. Theo dự báo, đến năm 2017 sẽ có 50% thuê bao ở Hoa Kỳ xem video trên mạng 4G. Hay hiện nay nhiều người dân Italia đã chuyển qua dùng 4G thay cho sóng Wi-Fi. Tại Hàn Quốc, nhà mạng đã cung cấp dịch vụ xem video chất lượng cao HD TV đối với các thuê bao sử dụng 4G.

Có lợi mới làm

Từ khi 3G được triển khai, cùng với việc bùng nổ dịch vụ OTT, các dịch vụ thoại đang ngày càng trở nên lép vế. Vì vậy, việc triển khai 4G sớm muộn cũng phải làm. Tuy nhiên, lộ trình nào để triển khai 4G tại Việt Nam cho phù hợp, tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả đang khiến nhiều người băn khoăn. Theo lộ trình của Bộ TT-TT, đến năm 2015, việc triển khai cấp phép cho 4G sẽ được hiện thực hóa.

Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá phải mất ít nhất 4-5 năm sau đó 4G mới có thể đi vào đời sống. Bởi đến nay, dù đã có đến 7 nhà mạng thử nghiệm 4G, nhưng ngoài Viettel và VNPT các nhà mạng khác vẫn đang mày mò thử nghiệm công nghệ tiên tiến này, thậm chí nhiều nhà mạng đã “quên” triển khai. Mặt khác, người dùng 3G ở Việt Nam còn ít, số lượng thuê bao 3G đến nay chỉ khoảng 20 triệu người, chiếm tỷ lệ 25% trên tổng số thuê bao di động, thua xa các nước phát triển như Hoa Kỳ (75%), hay Trung Quốc (45%), nên các nhà mạng chưa thu hồi đủ vốn đầu tư công nghệ này. Trong khi đó, chỉ khi nào lưu lượng 3G tăng cao và nhu cầu của người sử dụng lớn mới có thể triển khai được mạng 4G.

Tại một hội thảo về công nghệ 4G tổ chức gần đây, nhiều chuyên gia viễn thông cho rằng Việt Nam chắc chắn triển khai công nghệ này nhưng không cần nóng vội, ít nhất cho đến khi các thiết bị đầu cuối giá rẻ thực sự phổ biến. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng mà nhiều nhà mạng đã thấm thía trước việc chết yểu của công nghệ thông minh bậc nhất CDMA nhiều năm trước. Băng tần cũng là yếu tố khiến việc triển khai 4G trở nên thận trọng hơn 3G.

Theo ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ TT-TT, giá thành của việc đầu tư triển khai 4G trên các băng tần cao quá lớn, nên Việt Nam sẽ không vội đầu tư mà đợi thời điểm thích hợp. Thay vào đó sẽ có phương án quy hoạch, sắp xếp băng tần để nhà mạng có thể cung cấp dịch vụ này ở băng tần thấp.

2015 là thời điểm được coi là đẹp để Việt Nam bắt tay vào xây dựng 4G. Với những gì đang diễn ra trên thị trường viễn thông, người tiêu dùng có thể tin tưởng vào việc được sử dụng dịch vụ tốt và đa dạng hơn, như miễn phí thoại và sử dụng dịch vụ băng rộng, trong một tương lai không xa.

Các tin khác