Ngân sách xúc tiến thương mại năm 2012 do Bộ Công Thương phụ trách vừa được tăng thêm từ 15 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng.
![]() |
Bà Bùi Thị Thanh An, Trưởng đại diện Cục Xúc tiến thương mại tại TPHCM, hôm 10-4 cho biết, ngân sách dùng để xúc tiến thương mại cho năm nay thuộc Bộ Công Thương phụ trách đã được nâng lên gần 50 tỷ đồng.
Theo chương trình xúc tiến thương mại quốc gia 2012 được phê duyệt đợt 1, doanh nghiệp xuất khẩu được hỗ trợ tham gia 13 hội chợ tại nước ngoài, gồm Bỉ, Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, UAE, Campuchia, Trung Quốc, Lào và Myanmar.
Theo bà An, các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia chủ yếu là do các hiệp hội ngành hàng và địa phương đề xuất theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Trước đó, trong cuộc họp của Bộ Công Thương vào cuối tháng 3-2012 tại TPHCM, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho rằng nguồn kinh phí hỗ trợ cho doanh nghiệp trong năm 2012 là rất ít.
“Nếu không hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu và đưa ngoại tệ về thì tình hình càng khó khăn hơn,” ông Biên nói.
Cũng trong cuộc họp này, ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản (VASEP) cho biết, trong hội chợ thủy sản tại Boston (Hoa Kỷ) vào giữa tháng 3-2012, doanh nghiệp Việt Nam tham gia ít, nên quy mô gian hàng giảm 1/3 so với năm ngoái, do không có hỗ trợ từ Chính phủ.
Ngoài ra, nếu trước đây doanh nghiệp thủy sản được hỗ trợ 10 chương trình xúc tiến thương mại, thì hiện chỉ được hỗ trợ một chương trình, ông Hoè nói.
Ông Điền Quang Hiệp, Giám đốc Công ty Minh Phát 2 (Mifaco) – công ty đồ gỗ - cho rằng, chi phí hội chợ ở trong nước khá cao. Do đó, ông Hiệp đề nghị Chính phủ nên tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia hội chợ trong nước và mời gọi đối tác nước ngoài đến tham dự, để đạt hiệu quả cao hơn trong bối cảnh chi phí xúc tiến thương mại ngày càng hạn hẹp.
Kinh phí cho hoạt động xúc tiến thương mại liên tục giảm trong những năm qua. Cụ thể, kinh phí cho hoạt động xúc tiến thương mại trong năm 2009 là 170 tỷ đồng, sau đó giảm xuống còn 120 tỷ trong 2010, và 55 tỷ trong 2011.