Báo cáo Đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 và các giải pháp chủ yếu cho 6 tháng cuối năm 2021, là một trong những nội dung quan trọng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 57 (tháng 6-2021), trước khi trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ nhất.
Về nội dung này, Tổng thư ký Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ, và đề nghị bổ sung bối cảnh thế giới năm 2021, một số quốc gia đã đạt kết quả bước đầu trong triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19, kiểm soát tình trạng lây lan của dịch bệnh, đang tiến dần tới miễn dịch cộng đồng và dần mở cửa nền kinh tế.
Ngoài ra, rủi ro về bong bóng tài sản có tiềm ẩn nguy cơ, khi một số quốc gia lớn thực hiện chính sách “siêu nới lỏng” về tài chính và tiền tệ, gây áp lực lạm phát, rủi ro lớn trong trung và dài hạn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ lưu ý 6 khó khăn, thách thức từ nay đến cuối năm.
Một là, chiến lược vaccine của Việt Nam gặp nhiều thách thức, tỷ lệ dân số được tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 còn thấp. Nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ lỡ nhịp với nền kinh tế thế giới, vì không có đủ nguồn cung và công nghệ sản xuất vaccine.
Hai là, rủi ro tình trạng bong bóng tài sản, tình hình giá cả thế giới và trong nước có thể tăng cao, gây áp lực lên lạm phát; tình trạng sốt nóng thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán có thể gây hệ lụy cho kinh tế vĩ mô.
Ba là, hoạt động bán lẻ, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5-2021 giảm, cho thấy sức cầu của nền kinh tế yếu. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng chậm lại, tốc độ tăng trong tháng 5-2021 thấp hơn tháng 4. Giải ngân vốn đầu tư công có xu hướng tăng chậm lại, giải ngân vốn ODA đạt rất thấp. Cần làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan.
Bốn là, nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng. Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần đánh giá đúng, thực chất nợ xấu do cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ, nợ xấu tín dụng của các dự án BOT giao thông, vấn đề lãi dự thu của các ngân hàng thương mại.
Năm là, hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng, đặc biệt, đã bắt đầu xuất hiện doanh nghiệp có quy mô lớn rời bỏ thị trường.
Hiệu quả của chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân còn hạn chế, nhiều chính sách chưa được thực thi tốt, việc thực hiện Nghị quyết số 135/2020/QH14 về tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch bệnh cho đến nay vẫn chưa được thực hiện.
Việc triển khai tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại theo nghị quyết của Quốc hội còn rất chậm. Sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần còn trì trệ, nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ.
Vấn đề thứ sáu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý là, việc xây dựng, triển khai thể chế, chính sách cho Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 còn chậm, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa được ban hành, triển khai Luật Quy hoạch còn vướng mắc.
Gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả giải ngân vốn đầu tư công
Về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 5 tháng, dự báo 6 tháng đầu năm 2021 và các giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý 4 vấn đề.
Thứ nhất, triệt để thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, giảm mạnh các nhiệm vụ chi chưa cần thiết, các hoạt động phô trương, hình thức. Tăng cường kỷ luật tài chính, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, giữ mức nợ công không vượt quá giới hạn cho phép theo nghị quyết của Quốc hội.
Lưu ý thứ hai là, điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ chủ động, thận trọng; điều hành giá cả linh hoạt trên cơ sở dự báo cung - cầu thị trường nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tháo gỡ những vướng mắc trong việc mua sắm công, nhất là vaccine phòng Covid-19; vật tư, thiết bị y tế phục vụ phòng, chống Covid-19; tài sản, trang thiết bị của các đơn vị sự nghiệp công lập; giao nhiệm vụ, đặt hàng đấu thầu dịch vụ công.
Lưu ý tiếp theo từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội là tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp do tác động của dịch Covid-19. Kết luận nêu rõ yêu cầu đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; các dự án, công trình quan trọng quốc gia, bảo đảm đúng tiến độ.
Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời điều chuyển vốn đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công để sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này. Khắc phục tình trạng chuyển nguồn quá lớn, hoàn trả lại vốn đầu tư công và sử dụng vốn đầu tư kém hiệu quả.
Bên cạnh đó, đánh giá chủ trương của Chính phủ về phân cấp, giao quyền tự chủ, trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng là yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cuối cùng, Thường vụ Quốc hội lưu ý, tiếp tục triển khai chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại ngân sách, cơ cấu lại doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, sớm trình Quốc hội sửa đổi các luật thuế.
Chính phủ cũng được yêu cầu thực hiện nghiêm Nghị quyết của Quốc hội về tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước, xác định tỷ lệ điều tiết ngân sách làm căn cứ xây dựng kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2022 - 2025. Các cơ chế, chính sách để thực hiện cổ phần hóa, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; cơ chế tự chủ tài chính, chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.
“Khẩn trương trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành định mức chi thường xuyên để làm căn cứ xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2022”, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ.
“Việc chậm quyết định quy hoạch, kế hoạch này sẽ gây nhiều khó khăn trong việc triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng khác, do vậy, nếu Chính phủ kịp hoàn thiện hồ sơ, thì sẽ xem xét để trình Quốc hội tại kỳ họp này”, Thường vụ Quốc hội lưu ý. Sau phiên họp thứ 57, Thường vụ Quốc hội sẽ không xem xét việc bổ sung nội dung Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý nghiên cứu bố trí chương trình kỳ họp theo hướng xem xét, quyết định công tác tổ chức, nhân sự trước khi tiến hành các nội dung khác của kỳ họp; không bố trí trình bày các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước tại phiên khai mạc để dành thời gian cho công tác nhân sự.