7 người chết, 5 người hôn mê tại lễ hội âm nhạc ở Hà Nội: Dấu hiệu sử dụng ma túy tập thể

(ĐTTCO) - Phó giám đốc Công an TP Hà Nội, cho biết đến trưa 17-9, cơ quan chức năng xác định đã có 7 người chết và 5 người trong tình trạng hôn mê, số nạn nhân trên đều dương tính với ma túy.
Chiều 17-9, 15 tiếng sau khi sự kiện 7 người tử vong, 5 người nhập viện trong trạng thái hôn mê nghi do sốc ma túy tại lễ hội âm nhạc Trip to the moon xảy ra đêm 16.9, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức họp báo với sự tham gia của đại diện các cơ quan liên quan.
Do mức độ nghiêm trọng của sự việc, buổi họp báo đã thu hút rất đông phóng viên, dù trước đó chỉ có một số cơ quan báo chí của Hà Nội và TTXVN được mời, các báo khác “lấy lại tin của TTXVN”. Tuy nhiên, đến 2 giờ 25 phút, đúng 5 phút trước khi buổi họp báo diễn ra, nhiều PV nhận được tin nhắn mời họp.
Lễ hội âm nhạc Trip to the moon tối 16.9 tại Công viên nước Hồ Tây, Hà Nội /// ảnh: Hoàng hải quân
Lễ hội âm nhạc Trip to the moon tối 16.9 tại Công viên nước Hồ Tây, Hà Nội
ẢNH: HOÀNG HẢI QUÂN
Các nạn nhân đều dương tính với ma túy
Tại buổi họp báo, đại tá Nguyễn Văn Viện, Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội, cho biết đến trưa 17.9, cơ quan chức năng xác định đã có 7 người chết và 5 người trong tình trạng hôn mê. Toàn bộ số nạn nhân trên đều dương tính với ma túy. Qua khám nghiệm hiện trường khu vực khuôn viên tổ chức nhạc hội, công an phát hiện có nhiều bóng cười và một số chất màu trắng, viên nén nghi là ma túy. 
Bệnh viện Bạch Mai đang cấp cứu các bệnh nhân nặng nhập viện từ đêm nhạc ảnh: phạm hùng
Bệnh viện Bạch Mai đang cấp cứu các bệnh nhân nặng nhập viện từ đêm nhạc
ẢNH: PHẠM HÙNG
Trả lời câu hỏi về việc liệu có khả năng số người sử dụng ma túy tại sự kiện nhiều hơn chứ không chỉ 12 nạn nhân, đại tá Nguyễn Văn Viện không phủ nhận, mà cho biết với sự kiện rất nhiều thanh niên nam nữ tham dự như thế cần thời gian để xác minh có bao nhiêu người đã sử dụng ma túy, chất kích thích.
 Làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân
Ngày 17.9, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu UBND TP.Hà Nội chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương điều tra nguyên nhân và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc tuân thủ quy định pháp luật hiện hành về tổ chức lễ hội âm nhạc tại Công viên nước Hồ Tây (Q.Tây Hồ), khi để xảy ra vụ việc đặc biệt nghiêm trọng làm nhiều người chết. Phó thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20-9.
Trước đó, khi thông báo về diễn biến sự kiện, đại tá Viện cho biết: “Khoảng 22 giờ 30 ngày 16-9, người tham gia nhạc hội phát hiện một số người có biểu hiện không bình thường về sức khỏe, đưa đi cấp cứu, trong đó có các nạn nhân nêu trên”. Điều này cho thấy số người nhập viện cũng không dừng lại ở con số 12.
Lỏng lẻo phương án an ninh trật tự
Trả lời câu hỏi khác của PV Thanh Niên về ai chịu trách nhiệm an ninh trật tự của sự kiện rất đông người như vậy, đặc biệt khi ma túy được đưa vào và có dấu hiệu được sử dụng tập thể, ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND Q.Tây Hồ, cho biết trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự thuộc về Công viên nước Hồ Tây.
Theo ông Tuấn, ngày 15-9 UBND quận cùng các ngành kiểm tra các điều kiện tổ chức đại nhạc hội và Công ty TNHH Kết nối Á Châu đã xuất trình hợp đồng ký địa điểm với Công viên nước Hồ Tây. “Trong các điều khoản hợp đồng có nội dung tổ chức bán vé và có nội dung đảm bảo an ninh trật tự trong suốt quá trình diễn ra buổi diễn. An ninh trật tự của sự kiện được Công viên nước Hồ Tây đảm bảo bằng hợp đồng. Chúng tôi đã giao Phòng Văn hóa và các đơn vị nghiệp vụ công an theo dõi, kiểm tra các nội dung này. Về giấy tờ thì đầy đủ”, ông Tuấn nói.
 Liên quan đến nội dung trên, ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) Hà Nội, thừa nhận: “Sau sự kiện này, chúng tôi rút ra kinh nghiệm với các chương trình nhạc hội lớn phải phối hợp chặt hơn nữa với các cơ quan chức năng, đặc biệt với Công an TP, chính quyền địa phương nơi diễn ra sự kiện, phải có phương án để đảm bảo chặt chẽ về an ninh trật tự”.
Tạm dừng cấp phép các sự kiện đông người
Cũng tại buổi họp báo, ông Trương Minh Tiến đã báo cáo về việc cấp phép tổ chức nhạc hội Trip to the moon cho Công ty TNHH Kết nối Á Châu. Theo đó, Công ty Á Châu do ông Lê Thái Sơn (26 tuổi, trú 220 Hàng Bông, Q.Hoàn Kiếm) làm giám đốc, trụ sở chính tại Q.Đống Đa, có đăng ký tổ chức biểu diễn nghệ thuật, đã tổ chức nhiều nhạc hội điện tử cho DJ trong nước được Sở VH-TT cấp phép và “các chương trình này đều diễn ra tốt, có hiệu ứng tốt, công ty chưa từng bị xử phạt hành chính”. “Toàn bộ quy trình cấp giấy phép đảm bảo đúng quy định của pháp luật”, ông Tiến khẳng định.
Tuy nhiên, sau sự việc chết người này, hiện Sở VH-TT Hà Nội đã tạm dừng cấp phép các loại hình nhạc hội đông người tham gia, chờ sau khi có kết luận của cơ quan điều tra mới tiếp tục xem xét.
Quy định còn sơ hở
Trưa 17-9, PV tới văn phòng Công ty Connected Agency (Công ty Kết nối Á Châu), đơn vị tổ chức lễ hội âm nhạc Trip to the moon, nhưng không có bất kỳ nhân viên nào làm việc tại văn phòng. Chúng tôi đã liên lạc với ông Nguyễn Việt Anh (người được trang web công ty này ghi thông tin với chức vụ Founder & CEO Connected Agency), nhưng ông Việt Anh cho biết: “Hiện tại chưa thể trả lời bất cứ thông tin gì với báo chí vì vẫn đang làm việc với các cơ quan chức năng về vụ việc vào tối hôm qua”. Đến buổi chiều, ông Nguyễn Việt Anh đã tắt máy.
Lễ hội âm nhạc điện tử Vietnam Electronic Weekend - Trip to the moon được Sở VH-TT Hà Nội cấp phép số 566/GP-SVH-TT ngày 31.8.2018. Giấy phép không nêu có bao nhiêu người tham dự, nhưng trong thông cáo báo chí trước khi diễn ra lễ hội, đơn vị tổ chức cho biết những lần tổ chức trước thu hút 15.000 - 20.000 người tham dự. Chương trình được thông báo kéo dài từ 16 giờ 30 đến 23 giờ, nhưng trên Facebook của công ty tổ chức còn quảng cáo về bữa tiệc sau khi chương trình kết thúc, tức là sau 23 giờ với giá 100.000 đồng/người. Ngay trên trang Facebook của công ty này, dưới phần giới thiệu chương trình có thông tin quảng cáo bán bóng cười.
Theo Nghị định 79/2012/NĐ-CP, việc đảm bảo an ninh, trật tự, phòng chống cháy nổ do chủ địa điểm tổ chức biểu diễn chịu trách nhiệm. Trong vụ việc xảy ra ở lễ hội âm nhạc Trip to the moon, theo nghị định thì rõ ràng trách nhiệm thuộc về Công viên nước Hồ Tây. Nhưng vụ việc này không thể không liên quan đến trách nhiệm của cơ quan nhà nước.
Hiện nay, việc cấp giấy phép và quản lý các chương trình biểu diễn nghệ thuật được chiểu theo các Nghị định 79/2012/NĐ-CP, Nghị định số 15/2016/NĐ-CP, Thông tư số 01/2016/TT-BVHTTDL, Thông tư số 10/2016/TT-BVHTTDL. Tuy nhiên, đọc hết những quy định này cũng không tìm được quy định cụ thể nào về tỷ lệ giữa diện tích không gian biểu diễn và số lượng khán giả tham dự, số lượng nhân viên y tế, hay số lượng nhân viên an ninh cần có mặt trong những chương trình biểu diễn tập trung số lượng khán giả lớn. Trong giấy cấp phép của Sở VH-TT Hà Nội, hay UBND TP. Hà Nội cũng không đề cập cụ thể đến việc những quy định đảm bảo an ninh, trật tự, y tế.
“Tôi cho rằng đây là những quy định vô cùng cần thiết. Có thể đây là lễ hội âm nhạc đầu tiên có người tử vong, nhưng có rất nhiều chương trình, có khán giả ngất xỉu, hay mệt lả. Tôi cho rằng cần có những quy định chặt chẽ, nếu không thì nguy hiểm cho khán giả và những sự việc đáng tiếc sẽ vẫn có thể tái diễn”, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long chia sẻ.

Các tin khác