Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong tháng 8-2013, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 11,5 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong 8 tháng năm 2013 lên 84,82 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2012.
Thống kê từ Bộ Công Thương cũng cho thấy kim ngạch nhập khẩu tháng 8 ước đạt 11,8 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng đầu năm 2013, kim ngạch nhập khẩu ước khoảng 85,4 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2012.
Nếu so sánh với tổng kim ngạch xuất khẩu thì trong tháng 8-2013 cả nước nhập siêu ước khoảng 300 triệu USD, bằng 2,6% kim ngạch xuất khẩu. Còn tính chung 8 tháng, cả nước nước nhập siêu khoảng 577 triệu USD, bằng 0,7% kim ngạch xuất khẩu.
Như vậy, trong tháng 8 nhập siêu đã quay trở lại, trước đó trong tháng 7-2013, mức thặng dư thương mại đã đạt con số xấp xỉ 200 triệu USD và trong tháng Sáu là 287 triệu USD.
Tại buổi họp giao ban trực tuyến do Bộ Công Thương tổ chức sáng 3-9, nhiều ý kiến của các địa phương cho biết, do giá nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm đã kéo kim ngạch chung của tháng 8 đi xuống; trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 13,2 tỷ USD, giảm 6,8% và chiếm tỷ trọng 15,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Báo cáo của Hiệp Hội lương thực Việt Nam cũng cho thấy, tháng 8 lượng gạo xuất khẩu mới được 521.000 tấn, giá bình quân giảm 15%, tương đương 15 USD/tấn.
Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam cho hay, diễn biến thị trường gạo thế giới đang tác động xấu tới giá gạo xuất khẩu Việt Nam, nguyên nhân là do dư thừa về nguồn cung từ Ấn Độ, Thái Lan, đẩy giá gạo xuống thấp.
"Hiệp hội đã có nhiều giải pháp, tập trung khởi động các thị trường truyền thống và đàm phán các hợp đồng lớn để kéo mặt bằng giá chung đi lên," ông Phạm Văn Bảy cho hay.
Lãnh đạo Vụ kế hoạch (Bộ Công Thương) cũng cho biết, kim ngạch xuất khẩu nhóm nhiên liệu, khoáng sản cũng giảm 17% (chiếm tỷ trọng gần 7,6%) đã ảnh hưởng lớn đến kết quả xuất khẩu chung; trong đó than đá giảm 26,3%, dầu thô giảm 10,7%, xăng dầu các loại giảm 39,2%; riêng quặng và khoáng sản khác tăng 9,4%.
Tuy nhiên, theo Vụ Kế hoạch, nhờ xuất khẩu của nhóm công nghiệp chế biến trong tháng Tám tăng mạnh đã đóng góp quan trọng cho tăng trưởng xuất khẩu chung.
Cụ thể, trong 8 tháng năm nay, riêng mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 13,1 tỷ USD, tăng 76,2% so với cùng kỳ năm trước; hàng dệt may đạt 11,5 tỷ USD, tăng 17,3%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 6,8 tỷ USD, tăng 42,2%; giày dép đạt 5,5 tỷ USD, tăng 16,1%…
Xuất khẩu của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (kể cả dầu thô) tháng 8 ước tính đạt 7,53 tỷ USD và 8 tháng đạt 56,1 tỷ USD tăng tương ứng là 14,4% và 21,7% so với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tháng 8 ước đạt 3,97 tỷ USD chỉ tăng 6,1% và 8 tháng ước đạt 28,7 tỷ USD tăng 3,1% so với cùng kỳ 2012.
Để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu trong năm 2013 là 127-128 tỷ USD, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tập trung thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ và đơn giản hóa thủ tục hành chính cấp C/O (thủ tục hải quan về xuất khẩu), tăng cương xúc tiến thương mại mở rộng thị trường.
Đối với xuất khẩu gạo, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, tiếp tục đẩy nhanh việc rà soát, cấp phép cho các thương nhân đầu mối nhằm giải phóng hàng tồn kho, cũng như đảm bảo mức giá ổn định cho người nông dân.