80% CTCK chưa minh bạch tiền gửi NĐT

Chỉ có 16 trên 27 CTCK niêm yết tách bạch tiền gửi của nhà đầu tư trong khi với CTCK chưa niêm yết, việc tách bạch là dấu hỏi lớn.

Chỉ có 16 trên 27 CTCK niêm yết tách bạch tiền gửi của nhà đầu tư trong khi với CTCK chưa niêm yết, việc tách bạch là dấu hỏi lớn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo thống kê dựa trên báo cáo tài chính của 27 CTCK đã niêm yết, việc ghi nhận các khoản tiền gửi tại các CTCK khá khác nhau. Chỉ có 16 CTCK có tách bạch tiền của nhà đầu tư trong báo cáo tài chính, phần còn lại chưa tách bạch.

Một số CTCK niêm yết khác như APS, HBS, HCM, HPC, GBS, CTS lại gộp chung các khoản tiền này mà không có giải thích rõ ràng, khiến NĐT có thể hiểu lầm.

Nếu lấy tổng số tiền ở khoản mục tiền gửi trừ đi số dư ở khoản mục phải trả cho hoạt động giao dịch chứng khoán (hoặc phải trả khác như CTS) thì lượng tiền thực tế của CTCK còn lại rất ít.

Với khối CTCK chưa niêm yết, việc tách bạch tiền gửi vẫn là một dấu hỏi lớn. Tính chung toàn thị trường, số CTCK chưa minh bạch thông tin về tiền gửi nhà đầu tư có thể đến 80%

Bộ Tài chính và Ủy ban chứng khoán đã có nhiều văn bản yêu cầu CTCK phải tách bạch tài khoản. Tuy nhiên, do các văn bản trên chưa quy định rõ ràng khiến việc hiểu tách bạch kiểu gì cũng được và cũng chưa có chế tài xử phạt rõ ràng.

Đa số CTCK hiện nay mới tách bạch tiền gửi NĐT ở tài khoản tổng, tức là CTCK mở một tài khoản tổng tại ngân hàng để NĐT gửi tiền vào tài khoản đó. CTCK không thực hiện việc chi trả và nhận tiền của NĐT mà do ngân hàng làm.

Tuy nhiên, CTCK quản lý số tiền đó, nên việc chiếm dụng tiền của khách hàng là vẫn có khả năng xảy ra. CTCK vẫn có thể sử dụng tiền của khách hàng để làm các nghiệp vụ ứng trước, cầm cố, ký quỹ hay chiếm dụng lãi tiền gửi của khách hàng…

Trong giai đoạn thị trường khó khăn vừa qua, khi khách hàng lớn muốn rút một khoản tiền lớn tại một số CTCK thì không thể rút ngay. Một số NĐT buộc phải đặt lệnh mua chứng khoán trên tài khoản, sau đó làm động tác chuyển tài khoản sang CTCK khác để bán nhằm rút tiền.

Thực tế, chỉ khi nào các NĐT mở một tài khoản tiền tại ngân hàng và mở một tài khoản chứng khoán tại CTCK thì mới có sự tách biệt.

Như vậy, CTCK sẽ không can thiệp được vào tài khoản của NĐT. Yêu cầu tách bạch tài khoản tiền gửi NĐT trên đã được đề ra từ cuối năm 2008, thời điểm đó nhiều CTCK cho rằng hệ thống công nghệ chưa đáp ứng được, nhưng đến nay đã gần 3 năm triển khai mà chưa có sự chuyển biến.

Các tin khác