Bộ Giao thông Vận tải vừa phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng.
Dự án có điểm đầu giao với Quốc lộ 54 thuộc địa phận xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh và điểm cuối giao với Quốc lộ Nam Sông Hậu thuộc địa phận xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.
Dự án có tổng chiều dài khoảng 15,14km. Phần tuyến được thiết kế với quy mô đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h, trong đó cầu Đại Ngãi 1 được thiết kế với quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe, bề rộng cầu 17,5m. Riêng phần cầu chính dây văng, bề rộng 21,5m. Cầu Đại Ngãi 2 có quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe, bề rộng cầu 17,5m.
Trên tuyến cũng được xây dựng mới 5 cầu gồm cầu Rạch Ông Rùm, cầu Ấp Ngã Ba, cầu Ấp Cầu Đôi, cầu Bến Bạ và cầu Khém Rạch Già. Các cầu này được thiết kế với mặt cắt ngang 2 làn xe cơ giới, bề rộng cầu là 10,5m.
Ngoài ra, dự án cũng có 7 nút giao, trong đó có 5 nút giao bằng và 2 nút giao bố trí nhánh tách nhập làn kết nối với đường chui dưới cầu Đại Ngãi 1.
Các vị trí giao cắt với hệ thống đường hiện hữu, đường dân sinh của địa phương được thiết kế vuốt nối đảm bảo êm thuận, kết cấu mặt đường giao được thiết kế phù hợp với kết cấu mặt đường hiện hữu.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 8.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước; trong đó, giai đoạn 2021-2025 khoảng hơn 5.200 tỷ đồng và chuyển tiếp sang giai đoạn 2026-2030 khoảng hơn 2.700 tỷ đồng.
Nguồn vốn dự kiến phân bổ theo tiến độ dự án: Năm 2022 phân bổ 14 tỷ đồng; năm 2023 là 2.190 tỷ đồng; năm 2024 là 1.524 tỷ đồng; năm 2025 là 1.518 tỷ đồng; năm 2026 là 1.845 tỷ đồng và năm 2027 hơn 871 tỷ đồng.
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, việc đầu tư dự án nhằm thực hiện các quy hoạch phát triển giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Dự án giúp nối thông toàn tuyến Quốc lộ 60, nâng cao năng lực vận tải cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tạo sự kết nối giao thông thuận tiện giữa các tỉnh duyên hải phía Nam với Thành phố Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận tải lưu thông hàng hóa, mở rộng giao thương và bỏ thế độc đạo của Quốc lộ 1, rút ngắn khoảng 80km so với tuyến Quốc lộ 1 khi di chuyển từ Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu về Thành phố Hồ Chí Minh.