ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 là 4%

(ĐTTCO) - Trong Báo cáo triển vọng Phát triển châu Á (ADO) tháng 9, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 khó đạt được mục tiêu như đã đề ra.

Cụ thể, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm xuống ở mức 5,8% vào năm nay và đạt 6% vào năm 2024. Cùng với đó, các dự báo về lạm phát được điều chỉnh giảm từ 4,5% xuống còn 3,8% cho năm 2023 và từ 4,2% xuống còn 4% cho năm 2024.

Theo ADB, các yếu tố chính tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, chủ yếu đến từ bên ngoài. Đó là tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, sự thắt chặt tiền tệ ở một số nước phát triển và tác động từ cuộc chiến Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn.

Theo ADB, tăng trưởng kinh tế Việt Nam chậm lại do ảnh hưởng từ những yếu tố bất thuận từ bên ngoài trong khi Việt Nam có độ mở nền kinh tế lớn. Ảnh minh họa

Theo ADB, tăng trưởng kinh tế Việt Nam chậm lại do ảnh hưởng từ những yếu tố bất thuận từ bên ngoài trong khi Việt Nam có độ mở nền kinh tế lớn. Ảnh minh họa

Đơn cử, tác động rõ nhất từ nhu cầu thị trường thế giới giảm đã tác động đến ngành sản xuất chế biến chế tạo ở Việt Nam, làm giảm dự báo của các ngành liên quan.

Báo cáo cũng nhấn mạnh những yếu tố rủi ro có thể tác động lên dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Ở trong nước, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công và những yếu kém về cấu trúc trong nội tại nền kinh tế là những nguy cơ chính dẫn tới giảm tốc tăng trưởng.

Yếu tố bên ngoài, tăng trưởng toàn cầu chậm lại đáng kể và sự phục hồi yếu ở Trung Quốc vẫn là nguy cơ đối với triển vọng kinh tế. Lãi suất duy trì ở mức cao tại Mỹ và châu Âu cùng với đồng USD mạnh hơn có thể gây thêm khó khăn cho việc phục hồi nhu cầu bên ngoài, và dẫn đến giảm tỷ giá VNĐ.

Tuy nhiên, báo cáo cũng đề cập đến triển vọng tăng trưởng của một số lĩnh vực kinh tế trong thời gian tới. Cụ thể, lĩnh vực dịch vụ được kỳ vọng tiếp tục mở rộng nhờ sự hồi sinh của ngành du lịch và sự phục hồi của các dịch vụ liên quan. Nông nghiệp sẽ được hưởng lợi từ giá lương thực tăng, và dự kiến tăng trưởng 3,2% trong năm 2023 và năm tiếp theo.

“Sự phối hợp về chính sách có thể giúp kinh tế phục hồi một cách hiệu quả, trong bối cảnh giá cả tương đối ổn định và nhu cầu còn yếu. Trong ngắn hạn, cần thực hiện chính sách tiền tệ mang tính hỗ trợ và chính sách tài khóa mở rộng. Tăng trưởng tín dụng chậm cho thấy việc nới lỏng chính sách tiền tệ phải được phối hợp chặt chẽ với việc thực thi chính sách tài khóa để thúc đẩy hoạt động kinh tế một cách hiệu quả. Việc cấp tín dụng của các ngân hàng dự kiến tăng chậm do tổng nợ xấu tăng, ước tính khoảng 5,0% vào tháng 3-2023, và yêu cầu dự phòng tương ứng cũng tăng lên”, báo cáo của ADB khuyến nghị.

Các tin khác