Trong báo cáo, Ngân hàng ADB vẫn giữ nguyên triển vọng kinh tế Việt Nam với mức tăng trưởng là 6,5% trong năm 2022 và 6,7% năm 2023.
Tuy vậy, trong ngắn hạn, những áp lực đối với tăng trưởng của kinh tế Việt Nam ngày càng gia tăng khi đối mặt với những rủi ro đang hiện hữu. Đó là tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu – vốn được cho là thế mạnh của Việt Nam, sự thiếu hụt lao động đang tác động đến sự phục hồi của các ngành dịch vụ và sản xuất hàng xuất khẩu sử dụng nhiều lao động trong năm nay, tình hình dịch bệnh vẫn khó lường…
Theo Ngân hàng ADB, việc giải ngân đầu tư công chậm đang kéo lùi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam
Đáng chú ý, theo ADB, việc chậm giải ngân đầu tư công và các khoản chi xã hội so với kế hoạch, đặc biệt là chậm thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ có thể kéo lùi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay và năm tới.
Trước đó, theo thống kê của Bộ KH-ĐT, 8 tháng đầu năm nay giải ngân đầu tư công mới đạt 39,15% kế hoạch Chính phủ giao. Có tới 42/51 bộ, cơ quan Trung ương và 21/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước.
Trước tình hình trên, ngày 15-9, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 124/NQ-CP để “thúc” giải ngân, trong đó đề ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm tháo gỡ vướng mắc và đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm nay.