Chính phủ Việt Nam đã phản ứng nhanh chóng với tác động kinh tế từ đại dịch COVID-19, đảm bảo được khả năng phục hồi kinh tế. Chính sách tiền tệ có sự điều tiết thông qua các đợt cắt giảm lãi suất chủ chốt, cùng việc triển khai những gói tín dụng và biện pháp hỗ trợ tài khóa đã cung cấp không gian "thở" cho doanh nghiệp.
Cần bơm tiền mặt
* ADB đánh giá thế nào về các gói hỗ trợ trước đây của Việt Nam, có cần những gói hỗ trợ tương tự sắp tới?
- Hỗ trợ tài chính từ Chính phủ đang chưa đủ. Các biện pháp hỗ trợ dưới hình thức hoãn thuế và gia hạn thuế đất cũng như quy mô hỗ trợ vẫn còn khiêm tốn so với các nước.
Ví dụ hỗ trợ tài chính ở một số nước có thể tương ứng 15-20% GDP. Với số doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề vì COVID-19, trong đó giảm sút doanh thu và không có lợi nhuận, việc giảm thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp thực chất tạo tác động khá ít.
Chính phủ cũng gia hạn, giãn, hoãn thuế và tiền thuê đất trong năm 2021 nhằm giảm các tác động của cú sốc kinh tế cũng như hỗ trợ khả năng phục hồi...
Nhưng kinh nghiệm trong quá khứ của khu vực cho thấy bất kỳ cú sốc kinh tế nào cũng sẽ ảnh hưởng nặng nhất đến những nhóm người nghèo và dễ bị tổn thương. Chính phủ có thể mở rộng hơn trợ giúp xã hội, nhằm cung cấp những hỗ trợ quan trọng và tăng cường khả năng phục hồi.
Cụ thể, việc chuyển "tiền tươi" có thể kịp thời hỗ trợ người nghèo và nhóm các hộ dễ bị tổn thương trong đại dịch. Điều quan trọng là phải giải ngân nhanh hơn cũng như nới lỏng các tiêu chí/điều kiện của các chương trình hiện nay.
Hỗ trợ ngành "xương sống" như hàng không
* Theo đánh giá của ông, đại dịch đã ảnh hưởng thế nào đến các doanh nghiệp, đặc biệt là các ngành chịu tác động lớn như hàng không, du lịch và dịch vụ?
- Hội đồng Du lịch & lữ hành thế giới ước tính lĩnh vực này đã mất gần 4,5 ngàn tỉ USD doanh thu và 62 triệu việc làm vào năm ngoái. Vào cuối tháng 4-2021, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) ước tính thiệt hại ròng của ngành hàng không là 126,4 tỉ USD trong năm 2020, dự kiến ngành này sẽ mất thêm 47,7 tỉ USD năm nay.
Vấn đề là du lịch và lữ hành là xương sống của nền kinh tế toàn cầu. Hàng không đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các thị trường, hàng hóa.
Ở châu Á - Thái Bình Dương, du lịch và lữ hành chiếm tới 80% GDP ở một số quốc gia. Vì vậy, nếu không có một ngành du lịch và lữ hành trơn tru, sự phục hồi kinh tế - xã hội sẽ khó khăn.
* Vậy ADB có khuyến nghị gì về chính sách hỗ trợ dành cho hàng không và du lịch?
- Nhiều chính phủ đã đưa ra các biện pháp cứu trợ tài chính để hỗ trợ ngành hàng không và du lịch nhằm giữ cho các ngành này duy trì hoạt động, đảm bảo vai trò quan trọng trong tương lai. Theo IATA, tính từ lúc xảy ra đại dịch COVID-19, chính phủ các nước đã hỗ trợ các hãng hàng không 200 tỉ USD bằng nhiều hình thức.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã giảm 50% giá cất, hạ cánh và dịch vụ quản lý bay với các chuyến bay nội địa, và giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu máy bay... Điều quan trọng là Chính phủ phải đưa ra các biện pháp hỗ trợ để đảm bảo giữ lại nhân lực quan trọng để có thể tái thiết ngành.
Chính phủ cũng có thể sử dụng thời gian tạm dừng này để cải thiện hạ tầng, ví dụ ở sân bay, cơ sở du lịch. Sau cùng, sẽ tốt hơn cả nếu Chính phủ có kế hoạch tái khởi động, xây dựng lại ngành ngay từ bây giờ, để không mất thời gian khởi động khi COVID-19 lắng dịu và biên giới được mở lại.
Tăng ứng dụng công nghệ để tạo thuận lợi đi lại
* Một số nước đã mở cửa trở lại cho du lịch. Điều này tiềm ẩn rủi ro. Cần có các giải pháp công nghệ thế nào?
- Việc chấp nhận người di chuyển với "hộ chiếu vắc xin" không chỉ là thao tác hay nhất để nới lỏng đi lại, mà còn mang tới động lực cho người dân đi tiêm chủng.
Tuy nhiên, việc loại bỏ các hạn chế về cách ly với khách đã tiêm phòng phải dựa trên khuyến cáo khoa học từ các cơ quan y tế. Cần có các cuộc thảo luận sâu hơn để phát triển các quy trình y tế chung trong toàn khu vực.
Tôi cho rằng chính phủ các nước cần thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ số đồng bộ để truy vết. Để tạo thuận lợi cho việc đi lại và du lịch quốc tế, cần thực hiện truy vết xuyên biên giới.
* Theo ông, nhằm đạt "mục tiêu kép" về kiểm soát đại dịch và phục hồi kinh tế, Việt Nam cần tập trung vào điểm nào?
- Phát triển khu vực tư nhân. Các động lực tăng trưởng như tài nguyên thiên nhiên hay lao động giá rẻ không còn tạo ra lợi thế so sánh của Việt Nam.
Giai đoạn tiếp theo của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào ứng dụng công nghệ, đặc biệt là chuyển đổi số. Nếu không có sự tham gia mạnh mẽ hơn của tư nhân vào nền kinh tế, Việt Nam sẽ không thể chuyển đổi kỹ thuật số và công nghệ...
Bất chấp đợt bùng phát gần đây, triển vọng phục hồi của Việt Nam được dự báo sẽ mạnh mẽ trong năm 2021. Hai đối tác thương mại chính của Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc phục hồi nhanh chóng sẽ thúc đẩy tăng trưởng dựa vào xuất khẩu chế tạo.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, các biện pháp tài khóa và tiền tệ phù hợp cũng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tăng trưởng.
Cần lưu ý là sự lây lan của dịch sang một số khu vực công nghiệp có thể làm gián đoạn thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam, ảnh hưởng tăng trưởng. Sự phục hồi nhanh chóng ở Mỹ và Trung Quốc cũng có thể đẩy giá hàng hóa lên cao, dẫn đến lạm phát.
Tiến độ tiêm chủng chậm có thể kéo sự tăng trưởng trong trung và dài hạn xuống. Việt Nam đang tụt lại phía sau so với các nước láng giềng về khâu tiêm chủng. Ví dụ, Philippines đã tiêm chủng một liều cho 3% dân số và hai liều cho 1% dân số. Trong khi đó chỉ khoảng 1% dân số Việt Nam được tiêm chủng, chủ yếu là tiêm một liều.