Trong một bài viết đăng tải trên BBC News ngày 10/9, tác giả Secunder Kermani phản ánh một số thành tựu mà Afghanistan đã đạt được dưới sự ảnh hưởng của Mỹ và quốc tế.
Các chính sách giáo dục thời Taliban dành cho trẻ em gái đang là một dấu hỏi lớn. Ảnh: VBC
Trong thời kỳ Taliban thống trị trước kia, bắt đầu vào năm 1996, các bé gái Afghanistan không được phép đi học còn các nữ giáo viên phải ở nhà. Aisha Misbah là một người trong số đó.
Giờ đây, Misbah là hiệu trưởng trường tiểu học Manouchehri, một trong những ngôi trường đầu tiên mở cửa trở lại cho nữ sinh sau khi Taliban bị lật đổ. Nhiều học sinh cũ của bà đã trở thành bác sĩ, kỹ sư hoặc thậm chí là giáo viên tại trường.
"Đây là thành tích lớn nhất của chúng tôi. Học sinh của chúng tôi rất thông minh. Họ rất sáng tạo và làm được những điều tuyệt vời mà ngay cả chúng tôi cũng cảm thấy sửng sốt. Tôi hy vọng Taliban sẽ cho phép tất cả tiếp tục", nữ hiệu trưởng bày tỏ.
Trở lại nắm quyền ở Afghanistan hồi giữa tháng 8, Taliban cam kết sẽ cho các bé gái đến trường. Tuy nhiên, chỉ ở cấp tiểu học, cả học sinh nam và nữ mới được tới lớp. Còn ở cấp 2, giáo viên đang phải chờ đợi các quy định mới. Ở một số vùng nông thôn, từ lâu đã có thông tin các thủ lĩnh Taliban chỉ cho phép các bé gái đi học cho đến khi dậy thì.
Theo các số liệu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ 40% bé gái ở Afghanistan đi học ở bậc tiểu học. Con số này dù nhiều hơn so với thời kỳ Taliban nắm quyền trước đó nhưng quá ít so với các nước trong khu vực.
Xu hướng tương tự cũng diễn ra ở lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, với tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh vẫn ở mức cao nguy hiểm.
Taliban cũng cam kết phụ nữ sẽ được phép đi làm. Tuy nhiên, dư luận tỏ ra nghi ngờ điều này sẽ trở thành hiện thực, đặc biệt là sau khi các thủ lĩnh tổ chức này tuyên bố hầu hết phụ nữ nên ở nhà cho đến khi an ninh được cải thiện.
Khung cảnh sân trường Manouchehri. Ảnh: BBC
Học sinh ở Manouchehri còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức khác.
Trong sân trường, ba chiếc lều lớn đã được dựng lên, có bàn học và bảng đen. Do trường quá đông, khoảng một nửa số học sinh phải ngồi bên ngoài.
Những kiến nghị cải thiện tình trạng tương tự đã được gửi lên chính phủ trước đây nhưng đều rơi vào im lặng, và khi các tổ chức phi chính phủ ra tay giúp đỡ, họ được yêu cầu đưa tiền cho Bộ Giáo dục.
Nạn tham nhũng đã hoành hành ở Afghanistan trong hai thập niên qua. Điều đó có nghĩa là hàng tỷ đôla trợ giúp từ quốc tế không phải lúc nào cũng đến tay những người cần.
Một điểm sáng là hệ thống giáo dục đã giúp hun đúc nên một thế hệ nam nữ trẻ tuổi dám đứng lên tiếng bảo vệ quan điểm của họ, thậm chí phản đối Taliban.
Biểu tình chống Taliban ở Kabul hồi đầu tuần. Ảnh: BBC
"Chúng tôi không phải là những người đàn ông và phụ nữ của 20 năm trước bị vùi dập phải phục tùng", một phụ nữ tham gia biểu tình ở Kabul tuyên bố. "Chúng tôi là thế hệ trẻ sẽ ươm mầm hòa bình", một cô gái khác khẳng định.
Tuy nhiên, chính phủ mới mà Taliban mới thông báo thành lập gồm các thành viên chỉ thuộc tổ chức này, và tất cả đều là nam giới. Nhiều người từng đảm nhiệm các vị trí cấp cao thời Taliban cầm quyền những năm 1990, với luật Hồi giáo Sharia hà khắc được áp dụng.
Trong số những "thành tựu" đạt được trong gần 2 thập niên qua, sự hình thành của truyền thông độc lập tại Afghanistan cũng là một điểm nổi bật. Các tổ chức truyền thông được hoạt động tự do thuộc diện nhất khu vực dù thường xuyên bị tấn công và các nhà báo đôi khi bị đe dọa.
Các tiệm làm đẹp ở Kabul được sơn lại do lo sợ bị Taliban phạt. Ảnh: BBC
Giờ đây, Taliban tuyên bố sẽ không chấp nhận việc đưa tin mà họ cho là tiêu cực. Ban đầu, tổ chức này cam kết sẽ cho phép tự do báo chí miễn là các nhà báo không vi phạm "các giá trị Hồi giáo" hoặc "các lợi ích quốc gia". Tuy nhiên, mới đây, một số phóng viên đưa tin về biểu tình ôn hòa chống Taliban đã bị đánh đập dã man.
Sau 20 năm, Taliban lại giành quyền kiểm soát Afghanistan, và các dấu hiệu về ảnh hưởng của Mỹ và quốc tế tại đất nước này đang dần trở nên mờ nhạt.