(ĐTTCO) - Từ lâu, cây cam sành đã trở thành cây trồng mũi nhọn của người dân huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Cùng với các ngành trên địa bàn thực hiện Đề án Phát triển vùng sản xuất cam sành tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2014-2020, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) chi nhánh Hàm Yên đã nỗ lực hỗ trợ nguồn vốn vay cho người dân trên địa bàn phát triển trồng và chăm sóc cam.
Chúng tôi đến Phù Lưu, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang vào những ngày cuối tháng 11, đúng vào mùa thu hoạch cam sành. Vườn trên thu hái tấp nập, vườn dưới hàng hàng xe tải, container đến chở cam đi các vùng trong cả nước. Với tổng sản lượng hàng năm đạt trên 45.000 tấn, doanh thu hơn 500 tỷ đồng, cây cam sành Hàm Yên đã trở thành cây trồng làm giàu bền vững của đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Cũng nhờ thương hiệu cam sành, Phù Lưu được biết đến là xã có đến 41 tỷ phú “chân đất” đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng/hộ/năm.
Tỷ phú từ cam sành
Từ nhiều năm nay, Agribank Hàm Yên đã nỗ lực hỗ trợ nguồn vốn vay cho người dân trên địa bàn phát triển trồng và chăm sóc cam. Bên cạnh đó, các nhân viên NH đã chủ động phối hợp với các cấp chính quyền, địa phương, các tổ chức hội giúp đỡ các hộ có nhu cầu vay vốn được tiếp cận nguồn vốn kịp thời. Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Agribank Hàm Yên |
Chị Nguyễn Thị Huệ, ở thôn Mường, xã Phù Lưu, chia sẻ cây cam đã gắn bó với gia đình chị hơn 10 năm nay và cũng là cây trồng chủ lực giúp gia đình chị vươn lên làm giàu. Hiện chị có 1.700 gốc cam cho thu hoạch trên 160 tấn quả/năm, đạt doanh thu 1,6 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 800 triệu đồng/năm. Chị Huệ cho biết, nhờ trồng cam gia đình có của ăn, của để, xây nhà, mua ô tô và dư tiền để cho các con ăn học.
Là một trong những tỷ phú trồng cam, ông Lê Văn Thăng, thôn Nà Luộc, xã Phù Lưu, cho biết nhờ trồng cam gia đình ông đã xây được ngôi nhà mới khang trang và mua sắm được các trang thiết bị hiện đại phục vụ đời sống hàng ngày. Hiện ông có 2.000 gốc cam, bình quân thu được gần 200 tấn quả/vụ, doanh thu đạt gần 2 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 1 tỷ đồng. Cũng được vay nguồn lãi suất thấp từ Agribank, gia đình chị Hoàng Thị Đoàn cùng thôn Pá Han đã có mức thu nhập ổn định từ cây cam. Hiện diện tích trồng cam của gia đình chị khoảng 4ha, cho thu nhập từ 600-700 triệu đồng/năm. Chị Đoàn cho biết, để đầu tư cho số cam trên chị phải vay vốn từ NH mới đủ đáp ứng được nhu cầu. Theo đó, năm 2013 chị vay 200 triệu đồng, năm 2014 vay 300 triệu đồng từ Agribank Phù Lưu.
Anh Đặng Văn Vĩ, thôn Pá Han, xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên, chia sẻ những năm gần đây với giá cam ở mức cao và ổn định, các hộ trồng cam đều có thu nhập khá. Gia đình anh trồng cam từ năm 2006 với diện tích chỉ hơn 1ha. Đến nay, gia đình anh sở hữu 2 vườn cam khoảng 15ha đã và đang thu hoạch với năng suất khá, ước đạt trên 100 tấn. Với lượng cam như vậy tổng thu hoạch từ cam cũng lên tới hơn 1 tỷ đồng. Anh Vĩ cho biết để mở rộng và phát triển diện tích trồng cam như hiện nay, gia đình anh đã nhờ sự hỗ trợ rất lớn từ phía NH, đặc biệt là Agribank Phù Lưu. Nếu như năm 2006 anh vay chỉ 20 triệu đồng thì đến nay dư nợ tại Agribank là 500 triệu đồng. Anh Vĩ cho biết với thủ tục cho vay nhanh gọn, lãi suất hợp lý, đặc biệt còn được hưởng thêm về hỗ trợ của tỉnh nên lãi suất vay thấp, anh mạnh dạn vay vốn để mở rộng quy mô trồng cam và có thu nhập ổn định.
Chính quyền địa phương hỗ trợ
Để giúp người dân mở rộng diện tích cam và xây dựng thương hiệu cam sành, tỉnh Tuyên Quang thực hiện hỗ trợ vốn vay cho người nghèo (với 30 triệu đồng/ha), cụ thể hộ nghèo vay vốn được hỗ trợ 100% lãi suất; hộ cận nghèo được hỗ trợ 70% lãi suất và các hộ khác được hỗ trợ tới 50% lãi suất. Ngoài ra, Sở NN-PTNT Tuyên Quang luôn phổ biến cho các hộ trồng cam sành triển khai áp dụng quy trình sản xuất cam sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Nhờ giữ được thương hiệu tốt, người trồng cam sành đang ngày càng khấm khá, góp phần khẳng định sự đúng đắn trong chuyển dịch cơ cấu.
Gia đình bà Đoàn Thị Thơm, huyện Hàm Yên là hộ sản xuất giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền |
Về vị thế cây cam trong phát triển kinh tế hộ, ông Nông Văn Nghiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cam sành Hàm Yên, cho biết huyện có gần 4.900ha trồng cam, trong đó có 3.100ha đang cho thu hoạch, với tổng sản lượng dự kiến đạt khoảng hơn 43.000 tấn quả. Với giá bán năm nay cao hơn năm trước, dao động từ 8.400-10.000 đồng/kg tùy loại, tổng doanh thu của các trang trại cam đạt trên 86 tỷ đồng, bình quân doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng/trang trại/năm. Theo ông Nghiệp, trước đây thị trường tiêu thụ còn hạn chế nhưng từ khi thương hiệu cam sành Hàm Yên được nhiều người biết đến, thị trường đã mở rộng khắp cả nước. Các hội viên trồng cam đều cho thu nhập cao và ổn định. Đặc biệt với các chính sách hỗ trợ của tỉnh và của Agribank đã giúp các hội viên có nguồn vốn kịp thời để phục vụ sản xuất và mở rộng diện tích trồng cam.
Agribank - chỗ dựa cho nông dân
Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Agribank Hàm Yên, cho biết tại Đề án Phát triển vùng sản xuất cam sành tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2014-2020, UBND tỉnh cũng đã có các chính sách hỗ trợ cho các hộ trồng cam, thực hiện theo Nghị quyết 10/2014/NQ-HĐND ngày 22-7-2014; Nghị quyết 12/2014/NQ-HĐND ngày 22-7-2014 của HĐND tỉnh như: Hỗ trợ trồng mới, trồng lại; hỗ trợ chăm sóc cam kinh doanh. Đặc biệt, các trang trại trồng cam đủ điều kiện được công nhận là kinh tế trang trại, ngoài được hưởng các chính sách của Nhà nước, của tỉnh theo quy định, còn được hưởng chính sách ưu tiên về khuyến nông, khoa học kỹ thuật và chính sách về tín dụng.
Theo ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Phòng giao dịch Phù Lưu, thuộc Agribank chi nhánh Hàm Yên, phòng phụ trách giao dịch tín dụng đối với 5 xã Minh Khương, Minh Dân, Phù Lưu, Bạch Xa và Yên Thuận: Thời điểm này, dư nợ cho người dân vay vốn trồng và chăm sóc cam thông qua giao dịch tại phòng lên tới 106,6 tỷ đồng, chiếm 73% tổng dư nợ, riêng địa bàn xã Phù Lưu dư nợ 79,1%, chiếm 83,3% dư nợ cho vay của xã với 36 trang trại cam. Chi nhánh cũng đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể ở các địa phương tìm kiếm khách hàng cũng như các mô hình đầu tư hiệu quả nhằm đáp ứng nguồn vốn cho vay. Đồng thời, phòng cũng chỉ đạo đội ngũ cán bộ tín dụng tăng cường bám sát cơ sở, tình hình phát triển kinh tế-xã hội của địa bàn mình phụ trách, tư vấn, hướng dẫn chu đáo cho các khách hàng các thủ tục vay vốn nhanh, chính xác và hiệu quả đối với người dân.
Ông Ma Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Lưu, cho biết: “Xã có 13/24 thôn thuộc khu vực 135 kinh tế còn nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn hỗ trợ người dân phát triển kinh tế có ý nghĩa quan trọng đối với các thôn này. Địa phương cũng đã tăng cường phối hợp với Agribank Hàm Yên trong công tác thẩm định tài sản thế chấp của người dân cũng như hỗ trợ cán bộ tín dụng của NH bám địa bàn, tìm hiểu thực trạng, quy mô các dự án muốn xin hỗ trợ vay vốn trồng và chăm sóc cam tại địa phương. Nguồn vốn của NH đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, phát triển kinh tế bền vững, góp phần đưa thu nhập bình quần đầu người của xã đạt 1,6 triệu đồng/người/tháng, xã cũng đạt 11/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới”.
Anh La Văn Hiệp, thôn Lăng Đán, xã Phù Lưu, chia sẻ: “Được như hôm nay cũng phải cảm ơn Agribank Hàm Yên đã tạo điều kiện cho gia đình vay vốn vào thời kỳ tôi “đuối” vốn nhất. Hiện gia đình có trên 6ha cam và trên 90 gốc quýt vỏ giòn, mỗi năm thu về gần 600 triệu đồng từ 2 loại cây trên. Nguồn vốn tín dụng của NH đã thực sự là động lực thúc đẩy kinh tế trang trại và kinh tế hộ của nhiều người dân chúng tôi”.