Đổ lỗi cho thị trường do không có... “lái”
“Đội lái” là một thành phần chưa bao giờ lộ mặt nhưng lại rất quen thuộc trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Không phải ai cũng hài lòng với đội lái, nhưng bóng dáng các đội lái luôn đậm nét ở những CP tăng giá bằng lần thời gian qua.
Những cá nhân hô hào chuẩn xác trên các diễn đàn, hội nhóm phím hàng, nhanh chóng trở thành thần tượng của không ít nhà đầu tư mới vào nghề. Thế nên, khi cơ quan quản lý và cơ quan cảnh sát điều tra “truy quét” một loạt “tổ lái”, từ người nổi tiếng như TVQ tới các cái tên khá “lạ tai” như N. Louis, N. Trí Việt mới làm lộ dấu vết của đội lái, và nhà đầu tư mới hiểu rằng đội lái thực sự đã tồn tại.
Thao túng giá CP là vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hình sự. Vì thế các đội lái đương nhiên phải giấu mặt. Việc bắt các “tổ lái” dù chưa bóc dỡ được hết cả đội lái, nhưng cũng làm hả hê nhiều nhà đầu tư chân chính. Tuy nhiên, điều không may là hoạt động này diễn ra trong bối cảnh TTCK điều chỉnh mạnh 2 tuần nay, khiến không ít nhà đầu tư cảm giác một thị trường “ngột ngạt” và dòng tiền đầu cơ co rút lại phòng thủ.
Thậm chí nhiều chủ đề bàn luận trên các diễn đàn chứng khoán còn cho rằng “bắt bớ” quá nhiều khiến tâm lý nhà đầu tư bất an và TTCK vạ lây. Hoặc, thị trường phụ thuộc quá nhiều vào các đội lái nên khi nguồn tiền này “đóng băng” thì CP lao dốc. Cay nghiệt hơn, không ít nhà đầu tư hùa vào đòi quy trách nhiệm cho các cơ quan quản lý thị trường vì để giá CP lao dốc!
Những chủ đề bàn tán như vậy không có gì mới. Mỗi khi thị trường điều chỉnh giảm, nhà đầu tư thua lỗ thì lập tức xuất hiện quan điểm tìm kiếm ai đó để chịu trách nhiệm. Việc coi mình luôn luôn đúng và tiền của mình quan trọng nhất khiến cho quan điểm về TTCK của nhiều người trở nên lệch lạc.
Thí dụ, các cơ quan quản lý thị trường chỉ có trách nhiệm để thị trường hoạt động chính xác, đúng luật, hướng tới sự minh bạch tốt nhất, chứ không có nhiệm vụ giữ cho thị trường luôn luôn tăng và không bao giờ giảm.
Hoạt động làm sạch thị trường đang diễn ra chính là đảm bảo một sân chơi bình đẳng cho các thành phần nhà đầu tư và điều đó tốt trong dài hạn. Việc nhà đầu tư quen với đội lái thổi giá CP để kiếm lợi nhuận gấp thếp cũng giống như quen xài hàng giả, đến lúc xài hàng thật lại thấy lạ.
Sai lầm trong đầu tư đang phá thị trường
Đối với các nhà đầu tư thâm niên, những thăng trầm tâm lý đang nhìn thấy trên thị trường đã được lặp đi lặp lại. Cứ mỗi giai đoạn xuất hiện số lượng nhà đầu tư mới gia nhập thị trường quy mô lớn, thì giai đoạn điều chỉnh kế tiếp luôn “đẫm nước mắt” và những lời than vãn, đổ lỗi, tìm kiếm người chịu trách nhiệm lại vang khắp nơi.
Giai đoạn 2004-2006, giai đoạn 2008-2010 hay giai đoạn hiện tại không có gì khác nhau. Tâm lý con người không thay đổi, có chăng lúc này là tiếng kêu có sự cộng hưởng lớn khi tới gần 2 triệu nhà đầu tư mới trong năm 2020-2021 và khoảng 670.000 nhà đầu tư mới nhảy vào trong 3 tháng đầu năm nay.
Thị trường đang chứng kiến áp lực sụt giảm rất mạnh do sức nặng nội tại. Đó là quy mô sử dụng đòn bẩy ở mức độ chưa từng có, ước tính khoảng 10 tỷ USD tính đến cuối quý I-2022. Kỷ lục này chính là hiệu ứng của hàng triệu nhà đầu tư mới gia nhập thị trường, coi margin là một cách để tăng sức mua. Không mấy nhà đầu tư quan tâm tới mức phí “nho nhỏ”, mà chỉ nghĩ đến lợi nhuận có thể thu về.
Thực ra không có sách vở nào dạy về chứng khoán bảo rằng nên sử dụng margin để đầu tư cả. Margin chỉ là nguồn vốn cơ hội, để đầu cơ rất ngắn hạn. Thế mới có chuyện một nhà đầu tư than vãn trên diễn đàn rằng bận đi họp và có 3 cuộc gọi nhỡ, hóa ra là công ty chứng khoán yêu cầu tăng tiền ký quỹ. Đến chiều thì tài khoản báo về bị tự động bán sạch CP, hiện thực hóa khoản lỗ.
Việc thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm và đầu tư không có phương pháp của số lượng lớn nhà đầu tư mới chính là yếu tố quan trọng nhất đang tàn phá thị trường. Chẳng hạn một chiến lược đầu tư cơ bản với các tiêu chí đơn giản nhất, như: (i) Không sử dụng margin; (ii) Không nắm giữ quá 5 CP trong danh mục; (iii) Không mua CP có lợi nhuận âm; (iv) Không phân bổ quá 50% giá trị danh mục vào 1 CP; (v) Không bao giờ để tổng giá trị danh mục (tiền mặt và CP) lỗ quá 5%; (vi) Không bao giờ để 1 CP trong danh mục lỗ quá 7%.
Chỉ cần tuân thủ nguyên tắc đầu tư dài hạn như vậy, nhà đầu tư sẽ rất hiếm khi lâm vào cảnh rủi ro đến mức phải bán tháo CP.
Đối với các nhà đầu tư chuyên nghiệp, một nhịp điều chỉnh khoảng 10% ở chỉ số VN Index là hết sức bình thường. Sự tàn nhẫn của thị trường là thua lỗ của người này có thể đem đến cơ hội cho người khác.
Vì vậy trong khi rất nhiều nhà đầu tư mới đang rên rỉ than vãn trên các diễn đàn, thì vẫn sẽ có các nhà đầu tư khác chuẩn bị nắm lấy cơ hội mua những CP tốt bị bán tháo. Nghề đầu tư chứng khoán chỉ là quá trình nỗ lực không đứng về phía kẻ ngốc, nhưng không phải ai cũng thành công.
Thị trường đang chứng kiến áp lực sụt giảm rất mạnh do sức nặng nội tại. Đó là quy mô sử dụng đòn bẩy ở mức độ chưa từng có, ước tính khoảng 10 tỷ USD tính đến cuối quý I-2022. Đây chính là hiệu ứng của hàng triệu nhà đầu tư mới gia nhập thị trường, coi margin là một cách để tăng sức mua. |