Ở đời, có 3 nghề không được phép cẩu thả là thầy thuốc, lái xe và đầu bếp, vì luôn tác động trực tiếp đến sinh mạng con người. Muốn làm thầy thuốc, không thể đem số phận của đồng loại ra làm thử nghiệm. Đã có không ít đồn thổi về khả năng chữa bệnh khó tin của lương y Võ Hoàng Yên, thậm chí còn ca ngợi lên mức “thần y”. Vợ chồng đại gia Huỳnh Uy Dũng cũng từng bị tâm lý đám đông kéo vào vòng xoáy hào quang hư ảo của lương y Võ Hoàng Yên, nhưng rồi họ đã sớm thức tỉnh và cương quyết vạch trần sự thật.
Những khuất tất về tiền bạc của lương y Võ Hoàng Yên chỉ là phần nổi của tảng băng. Điều đáng lo ngại hơn là các kiểu chữa bệnh quái đản của lương y Võ Hoàng Yên. Chỉ riêng chuyện lương y này có thể chữa khỏi câm điếc và bại liệt, đã khiến các nhà chuyên môn nghi ngờ. Bởi lẽ “tứ chứng nan y” dù là liệt kê “què, mù, câm, điếc” hay sắp xếp “phong, lao, cổ, lại”, là thử thách không đơn giản với y học cổ truyền. Hay việc lương y Võ Hoàng Yên nhân danh chữa bệnh miễn phí, chẳng qua để trốn tránh trách nhiệm cá nhân. Không lấy tiền, hết bệnh thì “may chủ phúc thầy”, còn không hết bệnh huề cả làng. Trên thực tế, theo vợ chồng đại gia Huỳnh Uy Dũng, để gặp “thần y” nhiều người phải cắn răng mua phiếu khám bệnh rất đắt đỏ.
Ông Huỳnh Uy Dũng ngoài tài trợ xây chùa Minh Hưng Tự ở Bình Thuận, còn cho ông Võ Hoàng Yên khu đất rộng lớn tại Chơn Thành, Bình Phước để làm Trung tâm chữa bệnh và nghiên cứu dược liệu Phước Thiện. Mối quan hệ khăng khít ấy đã giúp vợ chồng ông phát hiện “cây kim trong bọc” được che đậy khéo léo của ông Võ Hoàng Yên chăng? Bà Nguyễn Phương Hằng, vợ của ông Huỳnh Uy Dũng, chia sẻ: “Tôi bắt đầu nghi ngờ khi ông ấy khẳng định bản thân có khả năng thương lượng với thế giới khác, nói chuyện với tiên thánh lẫn ma quỷ. Ngoài việc bán phiếu khám bệnh một cách lén lút, ông ta luôn nhắm vào những người có kinh tế khá giả để moi tiền. Câu cửa miệng của ông là “nặng nghiệp lắm, phải cúng 5, 10 tỷ mới giải được”.
Là một bệnh nhân trực tiếp của “thần y” Võ Hoàng Yên, nhà văn Nguyễn Quang Lập kể: “Mình vào nhà chùa, hình như chùa Quang Minh thì phải, thấy người chữa bệnh đông nghìn nghịt. Nhờ thằng Phong ở Đài Truyền hình Bình Phước, mình mới chen vào được. Mình ngồi hàng ghế đầu, quan sát thầy chữa 25 ca, nghe thầy hò hét tưng bừng, người vỗ tay ầm ầm. Chả biết trước đó thầy có chữa được cho ai lành bệnh không, chứ mình mục sở thị 25 ca thầy chữa không có ca nào khỏi, dấu hiệu của sự khỏi cũng không. Thầy bấm huyệt vặn gân y chang mấy ông thầy chữa sái khớp trẹo gân, chẳng có gì đặc biệt. Chỉ thấy mồ hôi thầy ướt đầm, không lấy của ai một xu thì biết thầy chữa vì lòng thành, không hề vụ lợi (về sau mới biết đây cũng là trò diễn của thầy). Ai đời thuở chữa liệt do thần kinh mà thầy bấm huyệt thì ít, vặn bẻ tay chân thì nhiều, chữa bệnh câm do thần kinh thầy thò tay bẻ hàm lôi lưỡi, sợ chết đi được…
Ngồi chờ từ 3 giờ đến 5 giờ 30 chiều, thầy đến chỗ mình, chẳng hỏi han khám xét gì sất, nói nhà văn à, nhà văn viết cái chi, có chịu đau được không… vừa nói thầy vừa bấm bấm vặn vặn đẩy đẩy đập đập đau điếc tai, mình cắn răng chịu đau chảy cả máu miệng. Xong rồi thầy hỏi đỡ chưa, mình dạ. Thầy lại hỏi đỡ thật không, nhà văn đừng có nói láo nhé, mình lại dạ. Tất nhiên mình phải dạ cho phải phép, vô lẽ mình bảo chẳng đỡ chút nào. Mình dạ ba bốn dạ, thầy ngoảnh mặt tươi cười nhìn mọi người, nói bà con thấy chưa. Mọi người vỗ tay ầm ầm. Mình đứng dậy đi ra, cả nhà chùa vỗ tay vang dội, nhiều người chạy rật rật đuổi theo mình hỏi han tới tấp. Chẳng ai biết trước đó mình đã đi như vậy, giờ vẫn đi như vậy khác gì đâu”.
Thực tế, “thần y” Võ Hoàng Yên dùng biện pháp xoa bóp bấm huyệt vô cùng đơn giản để… chữa bệnh nan y. Xoa bóp bấm huyệt chỉ là một phần của lĩnh vực vật lý trị liệu phục hồi chức năng. Không rõ có nắm được tất cả huyệt mạch trên cơ thể con người không, nhưng “thần y” này cứ liều mạng bấm vào vùng tổn thương của người bệnh.
GS. Viện sĩ Lương Ngọc Huỳnh đánh giá ở góc độ chuyên môn: “Lương y Võ Hoàng Yên dùng các kỹ thuật trong phương pháp vật lý trị liệu để giải tỏa điểm đau, tác động trực tiếp vào thần kinh ngoại biên, các đám rối thần kinh, huyệt đạo để kích thích gây các phản ứng cục bộ tức thì, tạm thời hóa giải các điểm đau, đồng thời tạo phản ứng phòng vệ của thần kinh và cơ, khiến các loại bệnh như câm, điếc, liệt, đau cấp tính sẽ có kết quả tạm thời tức thì, đây là phương pháp làm đúng. Tuy nhiên, để đỡ bệnh cần có thời gian lâu dài, quá trình này gọi là phục hồi chức năng thần kinh và cơ xương khớp...
Ngoài ra phải kết hợp điều trị sâu, như châm cứu, bấm huyệt, uống thuốc và luyện tập thường xuyên mới có thể duy trì được hiệu quả. Cách làm của lương y Võ Hoàng Yên chưa đúng ở chỗ ông ấy không duy trì thường xuyên và điều trị dứt điểm cho từng trường hợp, chỉ làm sơ qua và bỏ qua quá trình phục hồi lâu dài. Do vậy, nhiều bệnh nhân điều trị ban đầu có thấy đỡ nhưng sau lại không đạt được hiệu quả như mong muốn. Lương y Võ Hoàng Yên quá chú trọng đến hình thức và vội vàng trong việc quảng bá hình ảnh thể hiện tính cá nhân thực sự có phần khuếch trương, là sai lầm lớn. Ngẫm rằng, việc báo chí xưng tụng danh hiệu "thần y" đã giết chết lương y Võ Hoàng Yên”.
Y học cổ truyền là lĩnh vực đòi hỏi người hành nghề phải có thời gian nghiên cứu và tích lũy lâu dài. Danh y Biển Thức, Hoa Đà của Trung Quốc, hoặc danh y Tuệ Tĩnh, Lê Hữu Trác của Việt Nam, đều học hành và trau dồi rất bài bản trước khi chữa bệnh cho bá tánh. Trong khi đó, chữa bệnh không có bệnh án, không hỏi han đến tiền sử bệnh tật, lương y Võ Hoàng Yên cứ bấm huyệt loạn xạ như tra tấn người bệnh, là phương pháp phản khoa học và phi y đức. Suốt hàng chục năm hành nghề không phép của lương y Võ Hoàng Yên, báo chí loan tin ầm ĩ, vai trò của Cục Y Dược cổ truyền (Bộ Y tế), Hội Đông Y Việt Nam và Hội Đông y các địa phương… ở đâu trong việc giám sát kiểu chữa bệnh quái gở này?