Ảm đạm thị trường vật liệu xây dựng

(ĐTTCO) - Thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) ở những tuần đầu năm thật ảm đạm. Từ cửa hàng bán VLXD đến nhà thầu xây dựng đều “đủng đỉnh” bán hàng, thi công do không có nhiều công trình mới.
Cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Tô Hiến Thành (quận 10, TPHCM) vắng khách. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Tô Hiến Thành (quận 10, TPHCM) vắng khách. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trầm lắng

Dù khai trương từ mùng 10 tết, nhưng đến nay cửa hàng mua bán VLXD Khánh Bình (đường Lê Văn Khương, quận 12, TPHCM) của ông Lê Văn Khánh chỉ đổ được vài xe cát, bao xi măng cho căn nhà cấp 4 đang xây dựng dở dang trong hẻm gần đó. “Một, hai tháng trước tết là cao điểm mùa xây dựng nhưng cũng rất ít công trình được khởi công, chúng tôi phải bán bớt một chiếc xe tải chở hàng.

Dự báo năm nay còn khó khăn hơn nên hiện chúng tôi không nhập hàng về nhiều”, ông Khánh tâm sự. Tương tự, ông Nguyễn Văn Bình, chủ cửa hàng VLXD Thanh Bình (bờ kênh Tham Lương, quận Gò Vấp, TPHCM), cho biết, sau ngày khai trương đầu năm, cửa hàng đã nhập cát, đá mỗi loại 2 sà lan. Theo kế hoạch, trữ lượng này sẽ bán hết trong tháng Giêng, tuy nhiên thực tế sức mua khá yếu, có thể sang đầu quý 2 mới tiêu thụ hết.

Tiêu thụ VLXD giảm cũng thể hiện rõ từ các công ty xây dựng. Anh Nguyễn Văn Khoát, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Việt Sơn, cho hay, sau tết công ty chỉ thi công những công trình cũ nhận từ năm ngoái, còn hợp đồng xây dựng mới chưa thấy tín hiệu gì.

“Năm nay chắc cũng không khá hơn năm rồi, chỉ xây dựng những công trình nhà ở của người dân, còn công trình thương mại khó khởi công vì tình hình khó khăn, chủ đầu tư thiếu vốn. Chúng tôi “sống” được là nhờ những đối tác lâu năm, chứ phát triển khách hàng mới gần như rất hiếm”, anh Khoát tâm sự.

Theo nhiều doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng, tính đến thời điểm hiện tại, rất ít công trình mới được xây dựng do chủ đầu tư hết vốn, nhưng lại khó vay tiền từ ngân hàng. Thậm chí, một số chủ đầu tư buộc phải thương lượng với nhà thầu đổi sản phẩm thay vì trả tiền mặt để công trình tiếp tục hoàn thiện. “Ngay như chúng tôi thi công các công trình nhà phố, biệt thự cho một tập đoàn bất động sản ở khu vực Phan Thiết cũng được đề nghị hoán đổi tiền công qua lấy căn hộ. Nhà thầu vốn cũng đâu có nhiều, trong khi lấy căn hộ mấy chục tỷ đồng mà bán không được thì biết xoay xở ra sao?!” - ông Nguyễn Văn Sáng, Giám đốc Công ty TNHH TM DV Xây dựng V.S. (quận Gò Vấp, TPHCM) nêu dẫn chứng.

Tăng giá nhưng vẫn lỗ

Mặc dù các công trình xây dựng thương mại, dân dụng chậm khởi công do gặp khó khăn chung, nhưng những ngày đầu năm đã chứng kiến cảnh “ngược chiều” khi giá một số loại VLXD chủ lực rục rịch tăng giá.

Cụ thể, từ đầu năm 2023, giá thép xây dựng đã tăng 4 lần, với mức tăng khoảng 1,2 - 1,6 triệu đồng/tấn, tùy loại thép và thương hiệu. Gần nhất, ngày 7-2, một loạt thương hiệu lớn như Hòa Phát, Pomina, Việt Ý, Kyoei, thép Thái Nguyên tiếp tục điều chỉnh tăng giá bán thép xây dựng từ 200.000-400.000 đồng/tấn so với ngày 31-1. Tuy nhiên, giá thép tăng không phải do cầu thị trường tăng mà là do tác động của giá nguyên liệu nhập khẩu. Hiệp hội Xi măng Việt Nam cũng cho biết, giá xi măng trong nước phụ thuộc phần lớn vào giá nguyên nhiên liệu thế giới.

Do có đến gần 2/3 lượng than dùng trong sản xuất xi măng phải nhập khẩu, nên giá thành sản xuất tại Việt Nam phụ thuộc nhiều vào giá than thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, dự báo nhiều loại VLXD khác cũng tăng theo, có thể tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp xây dựng. Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, dự báo giá VLXD năm 2023 sẽ tiếp tục tăng 3,2%, do tăng theo giá nguyên vật liệu đầu vào.

Điều nghịch lý xảy ra là, giá VLXD tăng nhưng lại bị ế, thua lỗ. Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, dự báo nguồn cung xi măng sẽ đạt khoảng 120,7 triệu tấn trong năm 2023, trong khi nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước chỉ ở mức 63-65,5 triệu tấn. Dư thừa xi măng dẫn tới cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nhiều đơn vị phải dừng lò nung hoặc giảm năng suất chạy lò. Điều đó khiến cho lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất xi măng tiếp tục giảm, nhất là những doanh nghiệp đóng đô tại địa bàn có nhiều nhà máy xi măng, sản lượng lớn như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nam, Ninh Bình…

Đối với sắt thép cũng rơi vào cảnh tương tự. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, tổng tiêu thụ sản phẩm thép năm 2022 toàn ngành đạt 27,3 triệu tấn, giảm 7,2% so với năm 2021; tổng xuất khẩu là 6,28 triệu tấn, giảm gần 20%. Nhiều doanh nghiệp thép như Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim đồng loạt giảm lượng hàng tồn kho trong quý 3 và quý 4-2022 khi tình hình tiêu thụ thép toàn ngành gặp nhiều khó khăn do nhu cầu yếu, giá thép giảm. Đơn cử, Hòa Phát bán ra 7,2 triệu tấn thép trong năm 2022, thấp hơn 7% so với năm trước. Trong đó, sản lượng bán hàng nửa cuối năm thấp hơn 20% so với nửa đầu năm. Để giảm lượng hàng tồn kho, Hòa Phát đã tạm đóng cửa 5 lò cao luyện thép ở Khu liên hợp Dung Quất và Hải Dương kể từ tháng 11 và 12-2022.

Kỳ vọng “sức kéo” từ đầu tư công

Theo báo cáo từ Công ty Chứng khoán BSC, đầu tư công là động lực tăng trưởng quan trọng trong năm 2023, trong đó Bộ GTVT đã đặt mục tiêu tập trung phát triển hạ tầng, với kế hoạch giải ngân cao hơn 70% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính sẽ có khoảng 400km đường cao tốc tại cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 sẽ được hoàn thành trong năm 2023-2024. Bên cạnh đó, 729km đường cao tốc tại dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 cũng sẽ đi vào vận hành lần lượt trong giai đoạn 2023-2025; xây dựng sân bay Long Thành... Đây được xem là động lực để đưa ngành VLXD hồi sinh, thay cho lĩnh vực xây dựng dân dụng đang khá ảm đạm.

Các tin khác