Sau khi chưa đạt được sự thống nhất của một số thành viên Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 3, dự thảo nghị định về thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam (AMC) đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉnh sửa và trình lại Chính phủ.
Trả lời báo chí hôm 26-4, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, cho biết nếu không có gì thay đổi, vài ngày tới sẽ triển khai các thủ tục để thông qua nghị định này.
Theo bản dự thảo mới nhất, AMC nhằm xử lý nợ xấu, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế. Đây là doanh nghiệp đặc thù, được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và chịu sự quản lý nhà nước, thanh tra, giám sát của NHNN. AMC có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, hoạt động theo các nguyên tắc lấy thu bù chi và không vì mục tiêu lợi nhuận.
Về phương thức hoạt động, AMC sẽ mua nợ xấu của TCTD theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt do AMC phát hành dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử. Mệnh giá trái phiếu đặc biệt có giá trị bằng giá mua của khoản nợ xấu. Trái phiếu có thời hạn tối đa 5 năm, lãi suất bằng 0% và hệ số rủi ro 20% khi tính tài sản có rủi ro để xác định tỷ lệ an toàn vốn.
Trái phiếu này được sử dụng để cầm cố vay tái cấp vốn của NHNN. Các TCTD sở hữu trái phiếu đặc biệt phải trích lập dự phòng rủi ro hàng năm đối với trái phiếu này vào chi phí hoạt động, theo tỷ lệ không thấp hơn 20% mệnh giá trái phiếu trong thời hạn của trái phiếu để tạo nguồn xử lý nợ xấu khi được mua lại từ AMC.
Các khoản nợ xấu được AMC mua phải bảo đảm 5 điều kiện chung: (1) là nợ xấu của TCTD Việt Nam (gồm nợ xấu trong hoạt động cấp tín dụng, mua trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác cấp tín dụng và hoạt động khác theo quy định của NHNN); (2) có tài sản bảo đảm; (3) tài sản bảo đảm phải hợp pháp và có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ; (4) khách hàng vay còn tồn tại; (5) số dư của khoản nợ xấu hoặc dư nợ xấu của khách hàng vay không thấp hơn mức quy định của NHNN.
Một phương thức khác là AMC mua nợ xấu của TCTD theo giá trị thị trường bằng nguồn vốn không phải trái phiếu đặc biệt. Phương thức này được thực hiện dựa trên năng lực tài chính của AMC, hiệu quả kinh tế và điều kiện thị trường và chỉ mua các khoản nợ xấu đáp ứng một số điều kiện.
Dự thảo nghị định quy định rõ AMC có quyền yêu cầu TCTD bán các khoản nợ xấu cho mình. Trường hợp TCTD có tỷ lệ nợ xấu từ 3% trở lên hoặc một tỷ lệ nợ xấu khác do NHNN quy định nhưng không bán nợ xấu cho AMC, NHNN sẽ xem xét, thanh tra hoặc yêu cầu TCTD thuê công ty kiểm toán hoặc tổ chức định giá độc lập đánh giá lại chất lượng và giá trị tài sản, vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ của TCTD đó.
Trên cơ sở kết quả thanh tra, định giá và kiểm toán độc lập, TCTD phải bán nợ xấu cho AMC để đảm bảo tỷ lệ nợ xấu này ở mức an toàn. AMC cũng có quyền tham gia quá trình cơ cấu lại khách hàng vay sau khi góp vốn, mua cổ phần tại khách hàng vay. Đồng thời, nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm; thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý, thu hồi nợ.
Về giá mua nợ xấu, dự thảo đưa ra 2 trường hợp: AMC mua nợ xấu của TCTD theo giá trị ghi sổ số dư nợ gốc khách hàng vay chưa trả đã được khấu trừ số tiền dự phòng, cụ thể đã trích lập chưa sử dụng cho khoản nợ xấu đó; AMC mua nợ xấu của TCTD theo giá trị thị trường trên cơ sở thỏa thuận và giá trị khoản nợ xấu được đánh giá lại.
Trường hợp mua nợ xấu theo giá trị thị trường, AMC sẽ đánh giá lại giá trị khoản nợ xấu trên cơ sở khả năng thu hồi vốn và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; khi cần thiết, AMC sẽ thuê tổ chức tư vấn định giá khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm.
Về các biện pháp xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, dự thảo quy định AMC được thực hiện các quyền của chủ nợ, bên nhận bảo đảm đối với khách hàng vay, bên có nghĩa vụ trả nợ, bên bảo đảm nhằm thu hồi nợ, tài sản bảo đảm.
Thực hiện các biện pháp cơ cấu lại khoản nợ xấu, hỗ trợ khách hàng vay như: điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, thời hạn trả nợ phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh của khách hàng vay; áp dụng lãi suất của khoản nợ đã mua phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng vay và điều kiện thị trường; giảm một phần hoặc miễn toàn bộ số lãi đã quá hạn thanh toán mà khách hàng vay chưa có khả năng trả nợ...
Trong trường hợp đánh giá khách hàng vay có khả năng phục hồi tốt, AMC sẽ xem xét, đầu tư, cung cấp tài chính để hỗ trợ khách hàng vay xử lý khó khăn tài chính tạm thời và phục hồi sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, AMC sẽ xem xét thỏa thuận với khách hàng vay về việc chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phần để tham gia cơ cấu lại tài chính và hoạt động của khách hàng vay.