Hôm nay 29-10, Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ-châu Phi sẽ diễn ra tại thủ đô New Delhi với sự tham gia của các nguyên thủ đến từ các quốc gia lục địa đen và Thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi. Sự kiện này đánh dấu giai đoạn quan trọng trong nỗ lực của New Delhi nhằm thiết lập cơ sở trên một lục địa mà Trung Quốc đã hiện diện mạnh mẽ từ lâu.
Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ-châu Phi lần này đáng lẽ đã diễn ra từ tháng 12 năm ngoái. Tuy nhiên, do dịch bệnh ebola bùng lên tại châu Phi, nên cuộc họp được dời lại. Trước cuộc họp thượng đỉnh, nhiều cuộc họp của quan chức cấp cao đã diễn ra từ ngày 26-10.
Đối với Ấn Độ, châu Phi có tầm quan trọng rất lớn vì có thể là nguồn cung ứng nguyên liệu và nhiên liệu nền kinh tế Nam Á này rất cần. Tương tự như Trung Quốc, tài nguyên thiên nhiên châu Phi đã “quyến rũ” Ấn Độ, nước phải nhập khẩu đến 80% lượng dầu sử dụng, và đang nhắm đến Nigeria và Angola để giảm sự phụ thuộc vào dầu hỏa Trung Đông. Ấn Độ cũng nhập khẩu từ châu Phi các loại khoáng sản, kim loại, đá quý và hóa chất.
Vấn đề là tại châu Phi, Ấn Độ đã bị lép vế hẳn so với Trung Quốc. Thí dụ năm 2014, trao đổi mậu dịch Trung Quốc-châu Phi lên đến 200 tỷ USD, cao hơn cả GDP của 30 quốc gia nhỏ nhất châu Phi gộp lại. Trong khi đó thương mại song phương giữa Ấn Độ và châu Phi chỉ ở mức 70 tỷ USD. Điều “an ủi” cho New Delhi là trao đổi thương mại với châu Phi đang có chiều hướng tăng lên rõ rệt, vì năm 2000 mậu dịch song phương chỉ vỏn vẹn 3 tỷ USD nhưng nay đã tăng hơn 23 lần trong năm 2014. Châu Phi hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Ấn Độ, sau Trung Quốc, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu.
Giới quan sát nhận định việc Ấn Độ đẩy mạnh quan hệ hợp tác với châu Phi đúng thời điểm Trung Quốc đang ngày càng bị mang tiếng bóc lột các nước châu Phi.
Trong hàng thập niên qua, Trung Quốc tăng cường tài trợ rất nhiều công trình ở châu Phi như sân vận động, bệnh viện, đường cao tốc, để đổi lấy các hợp đồng cung ứng nguyên liệu. Thế nhưng, nhiều nhà phân tích phê phán chiến lược đó khiến các nước châu Phi ngày càng thêm mang công mắc nợ, chỉ có lợi cho các tập đoàn Trung Quốc hơn là các công ty địa phương.
Quang cảnh cuộc họp quan chức cấp cao Ấn Độ-châu Phi ngày 26-10. |
Về phần mình, Ấn Độ không có năng lực tài chính dồi dào như Trung Quốc nên đã nhấn mạnh vấn đề chia sẻ kiến thức công nghệ, đặt vấn đề viện trợ phát triển. Chiến lược của Ấn Độ cũng dựa trên các nhà đầu tư tư nhân nhỏ, chứ không theo hướng của Trung Quốc, vung tiền ồ ạt với hậu thuẫn của chính phủ vào các công trình quy mô trong lĩnh vực khai thác quặng mỏ hay công nghệ chế biến.
Ấn Độ đã cố gắng cho thấy mình là một người bạn của lục địa đen, nhấn mạnh trên lịch sử chung với châu Phi, từ lúc bắt đầu buôn bán từ thế kỷ 16 hay từ cuộc đấu tranh chung chống thực dân. Giới chính trị Ấn Độ cũng dựa vào cộng đồng người dân Ấn kiều khoảng 2,7 triệu người, đặc biệt rất đông ở Nam Phi.
Vấn đề đặt ra là sự thức tỉnh của Ấn Độ liệu có quá muộn. Nếu giới lãnh đạo Trung Quốc thường xuyên đi thăm châu Phi kèm theo những bản hợp đồng tỷ đô, Ấn Độ lại giữ khoảng cách hơn. Ông Modi, nổi tiếng công du nhiều, nhưng chưa hề ghé châu Phi. Sanusha Naidu, một chuyên gia ở Nam Phi đã nhận xét Ấn Độ dường như nhập cuộc chơi hơi muộn màng.
(Tổng hợp)