Đến năm 2021, đã có 71% doanh nghiệp thành lập bộ phận ATTT, nhiều hơn so với 44% của năm 2020.
Quen với học tập, làm việc từ xa
Đại diện VNISA phía Nam công bố kết quả khảo sát về tình hình ATTT tại các doanh nghiệp phía Nam năm 2021, báo cáo dựa trên kết quả khảo sát từ 174 doanh nghiệp, tăng 100 doanh nghiệp so với năm ngoái; trong đó, gần một nửa đơn vị có quy mô khá lớn (sử dụng 300 máy tính trở lên).
TPHCM đã xây dựng Trung tâm ATTT phục vụ đô thị thông minh
VNISA phía Nam đưa ra nhận định, số lượng doanh nghiệp có bộ phận ATTT trên 10 người chiếm 16%. Khảo sát cho thấy có 81% doanh nghiệp đã xây dựng và ban hành quy chế, quy định về ATTT, cao hơn mức 77% của năm 2020.
Đại dịch khiến nhu cầu làm việc từ xa tăng lên, kéo theo đó là yêu cầu về an toàn bảo mật tại doanh nghiệp tăng theo. Ông Trịnh Ngọc Minh, Phó Chủ tịch VNISA phía Nam cho rằng, trở ngại lớn nhất trong công tác bảo đảm ATTT tại các tổ chức là vấn đề nâng cao nhận thức cho người dùng (59%). Ngoài ra, việc không cập nhật kịp các phương thức tấn công hoặc phải cân bằng giữa việc áp dụng nguyên tắc quản lý với mục tiêu kinh doanh là những rào cản tiếp theo.
Dựa trên những kết quả khảo sát, VNISA phía Nam kiến nghị các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức ATTT cho người sử dụng, lãnh đạo, chủ doanh nghiệp; đầu tư kinh phí, nguồn lực, đào tạo về ATTT, xem xét thuê dịch vụ chuyên nghiệp bên ngoài; đánh giá và giám sát ATTT định kỳ; nắm vững và coi ATTT là một trụ cột cho chuyển đổi số; phối hợp tốt với cơ quan bảo vệ pháp luật, các tổ chức chuyên ngành trong ứng cứu sự cố ATTT.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM đánh giá cao sự góp sức của hiệp hội, chi hội và các doanh nghiệp ATTT trong việc bảo đảm an toàn không gian mạng cho thành phố. “Trong và sau dịch Covid-19, người dân TPHCM và cả nước phải quen với học tập và làm việc từ xa và ngày càng có nhiều hoạt động phụ thuộc vào công nghệ. Do vậy, xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay là đáng mừng nhưng cũng là thách thức lớn đối với ATTT. Ngành ATTT cũng phải đặt trong bối cảnh mới để phát triển bền vững”, ông Lâm Đình Thắng nhấn mạnh.
Cần nền tảng an toàn không gian mạng đủ mạnh
Báo cáo của chi hội VNISA phía Nam về bức tranh tổng thể ATTT của khu vực phía Nam cũng như tình hình ATTT chung của Việt Nam và thế giới cho thấy tình trạng bị tấn công mạng năm 2020 và 2021 tương tự nhau. Cụ thể, có 20-24% tổ chức chưa ghi nhận việc bị tấn công mạng; 26-28% tổ chức ghi nhận không bị tấn công mạng; 31-32% tổ chức đã có theo dõi đầy đủ khi bị tấn công. Từ đây, các chuyên gia cũng cảnh báo và đưa ra khuyến nghị thiết thực với các cơ quan, doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra song song với những nỗ lực phòng chống dịch Covid-19 ở Việt Nam và trên toàn cầu.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng khẳng định, nhằm bảo đảm an toàn không gian mạng quốc gia, Việt Nam sẽ phát huy sức mạnh của toàn thể xã hội, với quan điểm xuyên suốt an toàn không gian mạng cho tất cả. Mọi tổ chức, cá nhân đều có vai trò và trách nhiệm bảo đảm an toàn môi trường sống mới - môi trường mạng, trong đó, cơ quan quản lý nhà nước giữ vai trò điều phối, gắn kết, chia sẻ thông tin.
Theo Báo cáo Chỉ số an toàn không gian mạng toàn cầu năm 2020, Việt Nam xếp hạng thứ 25 trong 194 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 25 bậc so với đánh giá công bố năm 2018, xếp thứ 7 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với kết quả này, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhận định, Việt Nam bước đầu có một nền móng tốt về an toàn không gian mạng nhưng vẫn còn những hạn chế cần được giải quyết. Việt Nam sẽ tập trung phát triển 3 mục tiêu chính: bảo đảm không gian mạng quốc gia an toàn, kiên cường và vững chắc; tạo lập niềm tin số, xây dựng môi trường không gian mạng Việt Nam văn minh, lành mạnh; tự chủ công nghệ và phát triển, làm chủ thị trường ATTT. “Việt Nam cần có một nền tảng an toàn không gian mạng đủ mạnh, sẵn sàng ứng phó trước mọi thách thức. An toàn không gian mạng sẽ là trọng tâm của quá trình chuyển đổi số”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng kỳ vọng.
Đảm bảo an toàn không gian mạng để tất cả cùng phát triển TRẦN BÌNH |