An toàn, nghiêm túc, nhẹ nhàng

(ĐTTCO) - Chiều 27-6, Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo kết thúc kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Kỳ thi được tổ chức từ ngày 24-6 đến ngày 27-6. Theo đánh giá của bộ, đến thời điểm này, chưa thấy hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.
Duy trì nghiêm kỷ luật phòng thi
Bộ GD-ĐT cho biết, kỷ cương trường thi được tăng cường, kỷ luật phòng thi được duy trì nghiêm tại tất cả các điểm thi trong cả nước. Không còn hiện tượng phao thi ở các điểm thi. Một số hiện tượng vi phạm quy chế thi được phát hiện và xử lý kịp thời, đảm bảo tính nghiêm minh của kỳ thi.
Cho đến thời điểm này, chưa ghi nhận thấy hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức. Toàn quốc có 6 cán bộ coi thi và 79 thí sinh vi phạm quy chế thi (trong đó 72 trường hợp bị đình chỉ thi do mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi, 3 thí sinh bị cảnh cáo, 4 thí sinh bị khiển trách).
Tuy nhiên, cũng còn một số sai sót xảy ra ở một số hội đồng thi do lỗi của cán bộ coi thi, in sao đề thi, như: việc phát nhầm đề thi cho thí sinh, in thiếu đề thi dẫn đến thí sinh phải làm bài thi muộn giờ so với quy định (sự cố tại TPHCM); để thí sinh mang điện thoại di động vào phòng thi chụp đề thi gửi ra bên ngoài... 
An toàn, nghiêm túc, nhẹ nhàng ảnh 1 Thí sinh vui vẻ sau khi kết thúc ngày thi cuối tại điểm thi Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1, TPHCM)        Ảnh: HOÀNG HÙNG
Theo Bộ GD-ĐT đề thi năm 2019 nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12, đồng thời tăng tỷ lệ kết quả thi trong việc xét công nhận tốt nghiệp THPT từ 50% lên 70% (30% còn lại là điểm trung bình cả năm lớp 12). Theo đánh giá ban đầu của các chuyên gia, đề thi năm nay bám sát chương trình, phát huy năng lực sáng tạo của thí sinh khi làm bài thi, đồng thời có độ phân hóa hợp lý, đáp ứng được hai mục đích chính của kỳ thi là xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH-CĐ.
Bộ GD-ĐT đánh giá, đến thời điểm này, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, nhẹ nhàng. Các điểm thi tổ chức tại địa phương nơi thí sinh theo học giúp thí sinh không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn ở nên tạo tâm thế thoải mái cho thí sinh, đồng thời không gây áp lực cho giao thông đi lại ở các thành phố lớn.
Kiểm tra, thanh tra công tác chấm thi
Chuẩn bị những ngày kế tiếp, Bộ GD-ĐT chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc quy trình chấm thi tự luận, thực hiện chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi, trong đó các bài đạt điểm cao phải được chọn để chấm kiểm tra. Bộ GD-ĐT kiểm tra, thanh tra công tác chấm thi ở tất cả 63 hội đồng thi.
Tăng cường củng cố hạ tầng công nghệ thông tin để việc công bố kết quả thi được thuận lợi, không xảy ra tình trạng nghẽn mạng, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ sau khi có kết quả thi. Triển khai xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh đảm bảo đúng quy chế, trong đó tập trung rà soát kỹ thông tin dữ liệu đăng ký thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT của các thí sinh. 
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), nét mới năm nay trong công tác chấm thi trắc nghiệm là triệt để cách ly trong khâu làm phách, chấm thi 2 vòng và toàn bộ có camera giám sát. Công tác bảo mật được triển khai kỹ càng, tất cả dữ liệu được mã hóa, ngay cả đáp án cũng được mã hóa. Việc chấm thi tự luận theo chấm 2 vòng độc lập.
Đề thi khoa học xã hội bám sát chương trình
Sáng 27-6, kỳ thi THPT quốc gia 2019 bước vào ngày thi cuối cùng với tổ hợp khoa học xã hội (gồm 3 môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). 
Tại điểm thi THPT Gia Định (quận Bình Thạnh, TPHCM), nhiều thí sinh cảm thấy thoải mái sau kết thúc các môn thi khoa học xã hội. Thí sinh Phạm Thị Ngọc Diễm, học sinh lớp 12D1, Trường THPT Gia Định, cho biết môn Lịch sử có độ khó cao nhất. Trong đó, đề thi không chỉ yêu cầu thí sinh học thuộc lòng kiến thức mà phải hiểu được ý nghĩa, có kỹ năng suy luận mới đạt điểm cao. Thí sinh này đánh giá “dễ thở” môn Địa lý do có nhiều câu hỏi sử dụng Atlat địa lý. Riêng môn Giáo dục công dân, nội dung các câu hỏi đều rõ ràng, có tính phân loại thí sinh. 
Nhận xét về đề thi môn Lịch sử, cô Bùi My Thúy, Phó hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh, TPHCM) cho biết, đề thi năm nay có độ khó cao hơn năm ngoái, trong đó, nhiều câu hỏi không chỉ đòi hỏi thí sinh hiểu bài, ghi nhớ kiến thức mà phải có kỹ năng vận dụng mới chọn được đáp án đúng. Với đề thi môn Địa lý, thầy Lê Đức Tài, Tổ trưởng Tổ Địa lý, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM), đánh giá cấu trúc đề thi năm nay bám khá sát chương trình học và đề minh họa đã được Bộ GD-ĐT công bố. Trong đó, có 4 câu hỏi liên quan đến chương trình lớp 11, không có câu hỏi liên quan kiến thức lớp 10. Riêng với môn Giáo dục công dân, cô Nguyễn Thị Hồng, giáo viên Trường THPT Hàn Thuyên (quận Phú Nhuận, TPHCM) nhận định, đề thi năm nay có 36 câu hỏi trong chương trình lớp 12, 4 câu thuộc chương trình lớp 11. Trong đó, 10 câu hỏi tình huống hơi lắt léo và có nhiều nhân vật nhưng nội dung rõ ràng, thí sinh đọc kỹ đề vẫn có thể làm được.

Các tin khác