NSND Lê Tiến Thọ là một nhân vật nổi tiếng bậc nhất trong nghệ thuật tuồng Việt Nam, với các vai diễn trong “Suối đất hoa”, “Hoàng hôn đen”, “Lý Phụng Đình”... và còn thể hiện năng lực trong vai trò đạo diễn các vở tuồng “Thiếu phụ Nam Xương”, “Lý Chiêu Hoàng”, “Dũng khí Đặng Đại Độ”...
Ông cũng là tác giả của nhiều kịch bản tuồng như “Chuyện tình ông vua”, “Hoàng thúc Lý Long Tường”, “Vụ án Lệ Chi Viên”... NSND Lê Tiến Thọ được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012. Sau nhiều năm làm Giám đốc Nhà hát tuồng Việt Nam, ông tiếp tục đảm nhận những vị trí Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao - Du lịch, Chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam...
Tung hoành ở lãnh địa tuồng nên không ai dám nghi ngờ sở trường của NSND Lê Tiến Thọ, nhưng lần đầu ông dàn dựng một vở kịch nói cũng là chuyện thú vị. Ông chia sẻ: “Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, sân khấu gặp khó khăn. Sự khó khăn kéo dài từ nhiều năm trước, đến bây giờ khi bắt đầu bước vào ổn định, sắp xếp lại tổ chức thì có thêm nhiều xáo trộn về tư tưởng. Tất nhiên, Nhà nước luôn đầu tư cho các loại hình nghệ thuật, trong đó có sân khấu. Chính phủ và các bộ chức năng, cơ quan ban ngành cũng xây dựng những đề án cho sự phát triển này, nhưng trong cơ chế thị trường, sân khấu chưa thể cạnh tranh với thị trường.
Thị trường là guồng quay khốc liệt, nếu ta không đáp ứng được nhu cầu hoặc không chuyển đổi về cơ chế tổ chức sẽ rơi vào khó khăn và còn gặp khó khăn nhiều hơn nữa. Khán giả trong cơ chế thị trường có nhiều sự lựa chọn vì hàng hóa văn hóa của chúng ta hiện nay quá nhiều, lượng thông tin đến với khán giả, đặc biệt là tầng lớp thanh niên rất nhanh thì sự thiếu vắng khán giả là tất yếu. Sân khấu bây giờ làm sao cạnh tranh được với những chương trình ca nhạc, những gameshow của đài truyền hình”.
Vở kịch “Lá đơn thứ 72” vừa ra mắt công chúng
Kịch bản vở kịch vốn có một cái tên khác là “Vị thánh trong mơ”, được tác giả Hoàng Thanh Du in trong tập “Bài ca người lính” do Nhà xuất bản Sân Khấu ấn hành tháng 10-2021. “Lá đơn thứ 72” gồm 8 cảnh, được viết lại từ một vụ án có thật, theo lời kể của ông Nguyễn Trọng Tỵ - nguyên Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Đó là câu chuyện xảy ra vào năm 1966, của ông Đỗ Văn Chồi ở Hải Phòng.
Ông Đỗ Văn Chồi chỉ tình cờ có mặt tại hiện trường vụ án, nhưng bỗng dưng bị khép tội giết người. Trong tù, ông Đỗ Văn Chồi liên tục kêu oan, nhưng chỉ được trả lời ngắn gọn “Án xử đúng, nên yên tâm cải tạo”. Không cam tâm với uất ức, ông Đỗ Văn Chồi đã viết đơn kêu cứu gửi Chủ tịch nước Hồ Chí Minh. Những lá thư cứ gửi đi, mang theo hy vọng và lòng kiên trì của một người dân bị oan khiên. Thật may, lá thư thứ 72 của ông Đỗ Văn Chồi đã đến được tay Bác Hồ, và vụ án được xem xét lại.
Khi chuyển nguyên mẫu Đỗ Văn Chồi vào kịch bản “Lá đơn thứ 72”, tác giả Hoàng Thanh Du đổi tên nhân vật thành Đỗ Minh. Với thân phận phạm nhân số 003, Đỗ Minh đã nhẫn nại tự kêu oan cho mình, qua những lá thư gửi đến vị lãnh đạo cao nhất của đất nước. Lá thư thứ 72 đến tay Bác Hồ, và Người đã nói với Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân: “Đây, Bác có nhận được một lá thư. Gọi chính xác ra là một lá đơn kêu cứu. Lá đơn kêu oan của một con người đã có 8 năm ngồi tù và đã lần lượt gửi cho Bác tất cả 71 lá thư. Vị chi, mỗi năm con người kêu oan ấy đã phải viết 9 lá thư. Vậy mà lá thư thứ 72 mới đến được tay Bác. Việc này Bác cũng đã phê bình các đồng chí ở văn phòng và Bác cũng sẽ yêu cầu văn phòng phải làm kiểm điểm”.
Quan điểm của Bác Hồ về vấn đề người dân kêu oan trong “Lá đơn thứ 72” được trình bày khá rõ ràng: “Chuyện của một con người là nhỏ sao? Không có việc nhỏ, chỉ có bàn tay nhỏ, cách nghĩ nhỏ. Hạt cát có nhỏ không, nhưng vào mắt, vào mũi, vào một cỗ máy sẽ ra sao? Một con người càng không phải là một hạt cát. Chuyện của một con người nhưng liên quan đến công lý của một đất nước. Nếu thấy cần thiết phải cho mở phiên tòa lại. Phải cử những chuyên viên giỏi, điều tra kỹ lưỡng và không được quan liêu. Vì nếu công dân thực sự bị oan thì đó là lỗi của chúng ta... Một ngày tù dài lắm. Nếu bị oan ức thì thật kinh khủng”. Đồng thời, Bác Hồ cũng nhấn mạnh: “Pháp luật phải tìm cho ra được nguyên nhân, cắt nghĩa được các hoạt động phạm tội để ngăn cản”.
Đoạn kết có hậu của “Lá đơn thứ 72” là phạm nhân Đỗ Minh được giải oan trong niềm vui sướng tột bậc. Bởi lẽ, chính Đỗ Minh cũng không ngờ và phải bật khóc: “Chỉ là giấc mơ, một giấc mơ của một người dân bình thường. Vậy mà Người, Hồ Chủ tịch... Người đã quan tâm đến nhân dân. Người như là một vị thánh có thật trên đời này, để ra tay cứu những con người khốn khổ oan ức như tôi”. Người được chọn đóng vai Bác Hồ trong vở kịch “Lá đơn thứ 72” là nghệ sĩ Văn Hải (chồng của NSND Lệ Ngọc, chủ sân khấu kịch Lệ Ngọc).
Vở kịch “Lá đơn thứ 72” không chỉ nhắc lại một dấu son quá khứ, mà còn mang tính cảnh tỉnh cho hoạt động tư pháp hôm nay. Phía sau mỗi phán quyết là số phận một con người, không thể bất cẩn, không thể vội vàng. Được mời thiết kế mỹ thuật cho vở kịch, NSND Vương Duy Biên thổ lộ: “Một sân khấu tư nhân dám đầu tư một vở mang tính chính luận như “Lá đơn thứ 72” thì thực sự rất đáng ủng hộ. Tôi cố gắng đưa nhiều phẩm chất mỹ thuật để tăng tính ước lệ phù hợp với sàn diễn quy mô vừa phải. Đặc biệt, tôi đặt ra tiêu chí bối cảnh Bác Hồ xuất hiện phải thật giản dị mà thật trang nhã, mới toát ra được phong thái lãnh tụ quan tâm đến số phận mỗi người dân”.