Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu
Trong cuộc đời, tôi rất may mắn đã có nhiều cuộc gặp gỡ, trò chuyện với Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng. Lần gặp nào, đồng chí Tổng Bí thư cũng để lại trong lòng tôi ấn tượng sâu sắc về con người tài, đức vẹn toàn; sự khâm phục về đức tính khiêm nhường, giản dị, cần, kiệm, liêm, chính, chí, công vô tư với trái tim rực cháy ngọn lửa cách mạng với những quan tâm đặc biệt về hòa bình, tự do, độc lập, dân chủ cho Tổ quốc Việt Nam. Cho đến những ngày cuối của cuộc đời mình, đồng chí vẫn dành sự tâm huyết với đất nước, với dân tộc và nhân dân.
Khi giữ các cương vị lãnh đạo khác nhau, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã để lại dấu ấn và thành quả rất nhiều, nhưng đặc biệt khi đồng chí làm Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí có tầm tư duy chiến lược để thể chế hóa những chủ trương của Đảng. Tôi đặc biệt ấn tượng về công tác xây dựng Đảng và chỉnh đốn Đảng. Nhân dân vẫn gọi đồng chí là “người đốt lò vĩ đại”. Đồng chí đã phát động tinh thần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, được nhân dân tin yêu.
Bạn bè quốc tế khâm phục tài, đức của đồng chí, trọn một đời toàn tâm toàn ý phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân. Khi giải quyết các mối quan hệ đối ngoại song phương, đa phương, trong khu vực và quốc tế, đồng chí Tổng Bí thư đã có những chỉ đạo, định hướng hết sức sắc bén. Dấu ấn “ngoại giao cây tre" đã thể hiện rõ nét qua việc vun đắp quan hệ với các nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong giai đoạn hội nhập hiện nay.
Trong suốt cuộc đời cách mạng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc, của nhân dân lên trên hết. Đồng chí luôn lấy tư tưởng Hồ Chí Minh để vận dụng một cách sáng tạo vào thực tiễn cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước, để đạt được những thành quả to lớn.
Tôi còn nhớ kỷ niệm sâu sắc khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Đảng ủy Quân khu Thủ đô (nay là Bộ Tư lệnh Thủ đô). Lúc bấy giờ, tôi là Trung tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng phân công dự một số cuộc họp của Đảng ủy Quân khu Thủ đô. Tại các cuộc họp, có thể nói rằng, các phát biểu chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Phú Trọng hết sức sâu sắc, có tầm, có tâm, có trách nhiệm đối với Đảng bộ Quân khu Thủ đô.
Nội dung mà đồng chí nhắc đến nhiều nhất vẫn là đạo đức, phẩm chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, sự trung thành với Tổ quốc, với nhân dân. Đồng chí căn dặn, Quân đội là của nhân dân, từ nhân dân mà ra nên Quân đội phải gắn bó máu thịt với nhân dân. Đồng chí rất am hiểu các tầng lớp nhân dân ở Thủ đô nên đồng chí phân tích, căn dặn cán bộ của Bộ Tư lệnh Quân khu những điều sâu sắc; phải xây dựng Quân khu Thủ đô xứng tầm với Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Lúc đó là dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Hà Nội phải là tiêu biểu cho ý chí, nghị lực, quyết tâm và tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Thủ đô yêu dấu – trái tim của cả nước. Hà Nội là biểu tượng của thành phố vì hòa bình. Đồng chí nói về các triều đại đã dựng nước, giữ nước và nhắc nhở bây giờ chúng ta phải phát huy để xứng đáng với truyền thống vẻ vang của đất nước, của dân tộc và của Quân đội nhân dân Việt Nam. Những lời phát biểu rất tâm huyết, sâu sắc đó truyền đến cho cán bộ, chiến sĩ Quân khu niềm tin, niềm tự hào và củng cố ý chí, quyết tâm bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc.
Sau này, trong những lần gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Bộ Quốc phòng bên lề một số cuộc họp, đồng chí rất gần gũi, thân tình. Tôi cũng trao đổi với đồng chí, trong công tác phòng, chống tham nhũng, chúng ta phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn thường nói, đồng thời, cũng cần phát huy phương châm “Bốn tại chỗ”. Trong đó, phát huy vai trò của tổ chức đảng tại chỗ; thứ hai là tổ chức chính quyền cơ sở; thứ ba là tổ chức đoàn thể cũng cần tham gia công tác phòng, chống tham nhũng; thứ tư là nhân dân – nhân dân là “tai mắt”, như đồng chí vẫn thường nói “cứ hỏi dân là biết hết”.
Phát huy được “Bốn tại chỗ” sẽ tăng cường sức mạnh, hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng. Đấy cũng là phương châm của Bác Hồ và văn hóa của người Việt Nam là “lấy dân làm gốc”. Khi nói chuyện thân tình, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng thường nhắc đến truyền thống văn hóa Việt Nam qua các thời kỳ, đặc biệt là thời đại Hồ Chí Minh.
Tôi tin tưởng rằng, các thế hệ sau sẽ kế thừa và phát huy chọn lọc những chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân để thực hiện tốt nhiệm vụ chiến lược – đó là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Toàn quân, toàn dân tin tưởng vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, tin tưởng vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sẽ tiếp tục giương cao ngọn cờ đại đoàn kết, độc lập dân tộc, phát huy sức mạnh của toàn hệ thống chính trị để hoàn thành các mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt ra.