Ấn vàng triều Nguyễn và chuyện hồi hương Bảo vật Quốc gia

(ĐTTCO) - Ấn vàng triều Nguyễn có khắc dòng chữ “Hoàng đế chi bảo” liệu có thể trở về Việt Nam, sau khi nhà đấu giá Millon tiếp tục dời phiên giao dịch đến ngày 18-11? Xung quanh Bảo vật Quốc gia đang được quan tâm này, có rất nhiều điều phải được nhìn nhận thấu đáo hơn.
Cụ thể, sau khi thông báo mở phiên đấu giá đặc biệt vào ngày 31-10, trong đó có món cổ vật số 101 - chiếc Kim Ấn của Vua Minh Mạng, nhà đấu giá Millon đã đồng ý tạm hoãn đấu giá ấn vàng triều Nguyễn trong vòng 10 ngày, tức đến ngày 10-11, và cho phép Việt Nam thương lượng để được mua trực tiếp. Thế nhưng, đến ngày 10-11 hãng đấu giá Millon lại có thông báo hoãn việc bán món cổ vật này tới ngày 18-11. 
Như vậy, ấn vàng triều Nguyễn đã 2 lần hoãn đấu giá tại Paris. Câu hỏi đặt ra, ấn vàng triều Nguyễn có thực sự là Bảo vật Quốc gia của Việt Nam? Nhà đấu giá Millon được thành lập từ năm 1928, đã ghi chú về xuất xứ của ấn vàng triều Nguyễn: “Hoàng đế Minh Mạng, triều Nguyễn (1791-1841); Hoàng gia triều Nguyễn (theo dòng dõi); Tài sản của Hoàng đế Bảo Đại, Hoàng thái tử Vĩnh Thụy (1913-1997); Hoàng đế An Nam và nguyên Quốc trưởng Việt Nam; Được thừa kế theo di chúc cho Công chúa Vĩnh Thụy (1946-2021) năm 1997 và sau đó được giữ bởi con cháu trong gia đình”.
Đại diện Cục Di sản văn hóa cho biết đến nay chúng ta chưa tiếp cận được trực tiếp với cổ vật, nhưng thông qua các bằng chứng thu thập được, nghiên cứu của chuyên gia trên hình ảnh hiện vật nhà đấu giá Millon công khai trên website, đối sánh với các cổ vật là ấn vàng triều Nguyễn đang được lưu giữ và phát huy giá trị tại một số bảo tàng, di tích trên cả nước, có thể khẳng định chiếc ấn vàng này chính là chiếc ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” đúc năm 1823 thời vua Minh Mạng.
Ấn vàng triều Nguyễn được truyền từ đời vua Minh Mạng đến vị vua cuối cùng nhà Nguyễn là Bảo Đại. Sau đó, vua Bảo Đại bàn giao “Hoàng đế chi bảo” và kiếm của vua Khải Định cho chính quyền cách mạng trong lễ thoái vị ngày 30-8-1945 tại Ngọ môn Huế. Phái đoàn đại diện Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa là các ông Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận, đã tiếp nhận ấn kiếm để chuyển ra Hà Nội.
Ấn vàng triều Nguyễn và chuyện hồi hương Bảo vật Quốc gia ảnh 1
Ấn vàng triều Nguyễn và chuyện hồi hương Bảo vật Quốc gia ảnh 2 Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” dự kiến đấu giá với mức khởi điểm 2 triệu EUR. Ấn vàng có khắc chữ “Hoàng đế Tôn thân chi bảo” được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Tuy nhiên, cuối năm 1946, khi Pháp quay trở lại Việt Nam và đưa quân vào Hà Nội, bộ ấn kiếm đã bị thất lạc và rơi vào tay người Pháp. Đến ngày 8-3-1952, Pháp tổ chức nghi lễ trao lại ấn - kiếm cho Bảo Đại tại Đà Lạt, khi đó với tư cách “Quốc trưởng” của một chính phủ được ông đại diện thành lập năm 1948. Bộ ấn kiếm được thứ phi Bùi Mộng Điệp mang sang Pháp cho gia đình Bảo Đại từ đó đến nay. Nghĩa là, sau 70 năm khuất chìm trong lịch sử, “Hoàng đế chi bảo” đã được xuất hiện ở phiên đấu giá công khai.
Ấn vàng triều Nguyễn nhà đấu giá Millon đưa ra có hình dáng cao 10,4cm, gần như vuông (13,8x13,7cm), nặng 10,78kg, được đúc bằng vàng ròng. Dòng chữ bên phải, ghi “Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo” (đúc vào giờ tốt, ngày mồng 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4). Dòng chữ bên trái, ghi “Thập thành hoàng kim trọng nhị bách thập lạng cửu tiền nhị phân” (làm bằng vàng, nặng 280 lạng, 9 chỉ, 2 phân). Mặt dưới ghi “Hoàng đế chi bảo” (báu vật của Hoàng đế). 
Ấn vàng triều Nguyễn có khắc chữ “Hoàng đế chi bảo” được nhà đấu giá Millon cho giá khởi điểm 2 triệu EUR, tương đương 72 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên các diễn đàn cổ vật dự kiến ấn vàng triều Nguyễn có thể chốt giao dịch với giá 6 triệu EUR. Làm sao để “Hoàng đế chi bảo” hồi hương? Ngày 7-11, Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị đồng ý chủ trương sử dụng nguồn vốn từ Quỹ bảo tồn di sản Huế để mua ấn vàng triều Nguyễn.
Bởi lẽ, bố trí ngân sách nhà nước để mua lại “Hoàng đế chi bảo” lúc này khó khả thi, trong khi Quỹ bảo tồn di sản Huế có cơ chế hoạt động linh hoạt, có hiệu quả rất cao trong việc huy động các nguồn lực xã hội hóa cho công cuộc bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản cố đô Huế.
Điều 5 của Luật Di sản văn hóa nêu rõ: "Nhà nước thống nhất quản lý di sản văn hóa thuộc sở hữu của toàn dân, công nhận và bảo vệ các hình thức sở hữu tập thể, sở hữu chung của cộng đồng, sở hữu tư nhân và các hình thức khác về di sản văn hóa theo quy định của pháp luật".
Đồng thời, Điều 8 của Luật Di sản văn hóa cũng khẳng định: “Di sản văn hóa Việt Nam ở nước ngoài được bảo hộ theo tập quán quốc tế mà Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia”. Việt Nam là một trong những nước tham gia Công ước UNESCO 1970 về các biện pháp ngăn cản xuất, nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa...
Cục Di sản văn hóa khẳng định, việc hồi hương ấn vàng triều Nguyễn không chỉ để bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc, "chảy máu" ra nước ngoài, còn khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng của dân tộc; khẳng định sự đúng đắn, tiên quyết của Đảng và Nhà nước ta về quan điểm bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, nâng cao tự tôn dân tộc của thế hệ trẻ trên trường quốc tế…
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, ấn vàng triều Nguyễn có nhiều loại. “Hoàng đế chi bảo” đang được đấu giá không giống với “Hoàng đế Tôn thân chi bảo” đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. “Hoàng đế Tôn thân chi bảo” được đúc vào năm 1827, nặng 9kg. “Hoàng đế Tôn thân chi bảo” được Hội đồng Di sản quốc gia đánh giá là biểu trưng quyền lực của triều đình nhà Nguyễn, là nguồn sử liệu quan trọng ghi lại dấu ấn lịch sử thịnh trị thời kỳ hoàng đế Minh Mạng nói riêng, của vương triều Nguyễn và lịch sử văn hóa Việt Nam nói chung. 
“Hoàng đế chi bảo” không phải ấn vàng truyền quốc của nhà Nguyễn. Thời vua Gia Long sử dụng ấn vàng truyền quốc có khắc chữ “Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo”. Đến năm 1846, vua Thiệu Trị cho thay thế ấn vàng truyền quốc bằng ngọc tỷ truyền quốc có khắc chữ “Đại Nam thọ thiên vĩnh mạng truyền quốc tỷ”. Cả 2 bảo vật trên đều đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, ấn vàng triều Nguyễn có khắc chữ “Hoàng đế chi bảo” chưa từng được đóng dấu trên bất kỳ văn bản nào suốt 143 năm tồn tại của 13 đời vua. Thậm chí, cuốn “Ấn chương trên châu bản triều Nguyễn 1802-1945” do Cục Văn thư lưu trữ quốc gia xuất bản năm 2013, cũng không hề có văn bản nào đóng dấu “Hoàng đế chi bảo”.  

Các tin khác