Những người “khốn khổ”
“Ê tụi bay, người ta cho đồ kìa. Chạy ra nhanh!”. Ngay khi thấy một đôi nam nữ chạy xe lại đầu cầu Ông Lãnh (phía quận 4) phát quà từ thiện, hơn 10 người đang tụ tập gần chân cầu chạy lại, lao nhao chực chờ lấy quà.
Điều đáng nói, trong đó có rất nhiều thanh niên khỏe mạnh, lành lặn. Cảnh tượng bắt đầu hỗn loạn khi đôi nam nữ không mang quà nhiều, và tỏ ra nghi ngại vì thấy quá nhiều người khỏe mạnh cũng ngửa tay xin khiến mình không đủ quà tặng.
“Chị ơi, tui chưa có!”; “Sao ông kia có mà tui không có?”; “Không cho mà ghé lại chi vậy!”… Người phát quà từ thiện bỗng thấy mình như trở thành tội đồ vì bị cự nự, phải nhận những cái nhìn, câu nói gắt gỏng của những người chỉ vài phút trước nhìn rất tội nghiệp.
Đó là một trong những cảnh tượng diễn ra đêm 10-2 mới đây, trên cầu Ông Lãnh. Đi dọc cầu, có hàng dài người vô gia cư ngồi co cụm, chầu chực. “Đội quân” ăn xin đếm sơ qua lúc này lên tới gần 40 người, chưa kể có thêm một đội quân ngay chân cầu đợi sẵn có người là lao ra. Người đứng, người ngồi, người nằm rải rác dọc từ đầu chân cầu phía quận 1 qua đến hết cầu bên quận 4.
Đội quân ăn xin nhào ra nhận quà trên cầu Ông Lãnh
Anh Nguyễn Văn Thành (nhà ở quận 4) lắc đầu: “Nhà tôi ngay gần cầu, tối nào đi làm về cũng bắt gặp cảnh nhếch nhác, loạn xạ này. Rất mong chính quyền địa phương dẹp những người ăn xin chuyên nghiệp này”.
Trên cầu Nguyễn Văn Cừ (từ đường Nguyễn Văn Cừ, quận 1 qua đường Dương Bá Trạc, quận 8) cũng có hàng dài những người “khốn khổ” ngồi đợi quà lẫn tiền từ lòng xót thương, trắc ẩn của người đi đường.
Tối 10-2, khi thấy hai bạn trẻ mang theo một túi đựng nhiều cơm hộp, trao cho từng người, một trong những người ăn xin rên rỉ, năn nỉ thêm: “Xin rủ lòng thương, cho tui thêm ít tiền để lo cho con”. Một người vô gia cư ngồi kế bên góp vô: “Tội nghiệp! Thôi có nhiêu thì cho người ta đi!”. Nghe lời van xin, hai bạn trẻ không nỡ bỏ đi, móc ví cho thêm tiền. Thế là nhiều người ùa tới, ngửa tay xin.
Tại các cây cầu khác như cầu Kiệu, cầu Calmette, cầu Nguyễn Tri Phương… cũng có cảnh y như vậy. Cứ vài mét là có người ngồi chờ quà từ thiện và xin tiền người đi đường. Trên các tuyến đường như Trần Hưng Đạo (quận 1), nút giao thông An Phú (quận 2, chân đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây), Hoàng Diệu (quận 4), Nguyễn Văn Cừ (quận 5), 3 Tháng 2 (quận 10)… cũng có nhiều người ăn xin.
Thực tế, những người xuất hiện ở các cây cầu, tuyến đường không phải ai cũng dùng thủ đoạn lừa lọc, cũng có người nghèo khổ thật, cần sự cứu giúp. Tuy nhiên, việc giả nghèo khổ của không ít người lành lặn đang làm xáo trộn niềm tin của nhiều người hảo tâm.
Giả bệnh nhân nhận tiền từ thiện
“Còn ngồi đây hả trời? Chạy nhanh vào hành lang ngồi đi! Nãy giờ người ta vào bệnh viện cho tiền quá trời kìa. Ngồi chút xíu mà hơn 500.000 đồng rồi đó!”. Đang đứng bán vé số dạo trước cổng Bệnh viện Ung bướu TPHCM, cô Nguyễn Thị O. được một người đàn ông nhắc nhở vào “diễn bệnh”. Khua tay, cô Oanh kêu “Thôi, tui không diễn đâu”. “Ờ, tao kêu đứa khác!” - người đàn ông đáp lại.
Chia sẻ với chúng tôi, cô O. kể: “Ông đó là “đạo diễn” các vụ này đó, kêu người quen ngoài cổng bệnh viện vào diễn xong rồi kiểu gì đi ra phải chia lại một nửa. Có bữa đợt trước tết, tui muốn đi vệ sinh nên có vào nhà vệ sinh trong bệnh viện để đi nhờ. Vừa tới hành lang có người lại cho bao lì xì nhưng tui không nhận vì giả bệnh nhân nghèo để nhận tiền từ thiện là làm chuyện thất đức. Ở bệnh viện này, người ngoài tràn vô giả bệnh nhân nghèo nhiều lắm. Bảo vệ họ tinh ý cũng đuổi ra hoài đó”.
Trong những ngày tết và sau tết, tại các bệnh viện, có rất nhiều người chẳng đau ốm gì vẫn lui tới, vật vờ xin tiền “chữa bệnh”. Hễ thấy có người mang quà từ thiện đến hoặc phát bao lì xì, nhiều người giả dạng bệnh nhân hoặc thân nhân lập tức bu lại nháo nhào. Tay cầm bịch thuốc, sổ khám bệnh, chân mang dép lê rồi than nghèo kể khổ. Nhiều người tốt không biết, sẽ giúp ngay “người bệnh” tội nghiệp.
Trong những ngày chăm sóc con bị bệnh nặng tại Bệnh viện Nhi đồng 2, chị Lê Thúy Loan (quận 3) kể: “Bữa tết và mấy ngày trước tết, các nhà hảo tâm họ vào bệnh viện cho tiền khá nhiều. Có người tốt bụng họ mang bao lì xì đi dọc hành lang, đi trong khuôn viên bệnh viện lì xì. Mình có con bệnh thiệt, mỗi ngày cũng được hỗ trợ đó chứ. Nhưng mình cũng thấy cảnh nhiều người ở ngoài trà trộn vào giả là cha mẹ các bé để cầm tiền khá nhiều”.
Lòng tốt bị lợi dụng, điều đó sẽ đánh mất niềm tin của người làm từ thiện, rồi dần dà người tốt sẽ quay lưng, trở nên vô cảm. Ngành LĐTB-XH cần quyết liệt, liên tục hơn trong việc phân loại, tập trung người ăn xin. Bên cạnh nỗ lực của chính quyền, rất cần sự tham gia tiếp sức của mỗi người dân.