Vương quốc Anh trở thành nước phương Tây đầu tiên tìm kiếm tư cách thành viên sáng lập của Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB). AIIB là một định chế tài chính quốc tế mới, về cơ bản nằm dưới sự dẫn dắt của Trung Quốc và được xem là một đối thủ tiềm năng của Ngân hàng Thế giới (WB). Động thái này của Anh đã chọc giận Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây khác.
Có 21 quốc gia châu Á đã ký kết vào cuối tháng 10-2014 để thành lập AIIB. Cho đến nay, con số thành viên sáng lập đã tăng lên 27, dự kiến AIIB có thể ra mắt vào cuối năm nay. Hiện ngân hàng này có 50 tỷ USD vốn, chỉ tương đương 1/5 số vốn của WB và cũng ít hơn so với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADP). Nhưng AIIB chỉ nhắm đến một mục tiêu duy nhất là lỗ hổng hạ tầng lớn ở khu vực châu Á, không giống các định chế tài chính khác nhắm đến tất cả mục tiêu phát triển. Nhưng vấn đề các nhà quan sát quan tâm là tại sao London lại tham gia định chế này, bất chấp thái độ bất mãn từ các đồng minh phương Tây?
Có thể nói, việc một nền kinh tế lớn tham gia các ngân hàng phát triển khu vực không có gì lạ thường. Thí dụ, hiện Anh cũng là một thành viên của Ngân hàng Phát triển Caribbea (CDB). Tuy nhiên, căng thẳng giữa Trung Quốc-Hoa Kỳ đằng sau việc thành lập AIIB khiến điều này trở thành một đề tài hiện đang gây tranh cãi. Cho đến nay, được biết Hoa Kỳ đã lên tiếng kêu gọi các nước đồng minh tránh xa AIIB. Trên các kênh chính thức, Hoa Kỳ nói rằng đó là một vấn đề chủ quyền đối với nước Anh, nhưng đã nhiều lần kêu gọi tiêu chuẩn quản trị cao hơn trong AIIB như là một định chế đa phương.
Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng viết: “Hoa Kỳ và các nền kinh tế lớn trên thế giới đều đồng ý cần đầu tư phát triển hạ tầng. Nhưng chúng tôi tin bất kỳ định chế đa phương mới nào cũng cần đáp ứng được những tiêu chuẩn cao của WB và các ngân hàng phát triển khu vực. Chúng tôi lo ngại AIIB không đáp ứng được các chuẩn mực này, đặc biệt về quản trị, bảo vệ môi trường và xã hội”. Trong một trả lời phỏng vấn năm ngoái, Chủ tịch WB Jim Yong Kim nói rằng thêm nhiều tiền đổ vào phát triển cơ sở hạ tầng là điều đáng hoan nghênh, WB đang làm việc chặt chẽ với Trung Quốc về vấn đề quản trị AIIB.
Lễ ký kết thỏa thuận thiết lập AIIB vào tháng 10-2014. |
Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc quyết tâm thiết lập AIIB để làm chậm lại những thúc đẩy cải tổ của WB cũng như các định chế tài chính phương Tây khác. Hoa Kỳ có quyền phủ quyết mọi quyết định của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và người Hoa Kỳ luôn nắm vai trò Chủ tịch của WB, trong khi đứng đầu IMF là người châu Âu. Sau nhiều năm đàm phán, vai trò của Trung Quốc và các nước đang phát triển được đẩy mạnh theo sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Tuy nhiên, vai trò chi phối ở IMF và WB vẫn nằm trong các nước phương Tây. Đã có những nỗ lực thiết lập một IMF châu Á sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998, nhưng nhanh chóng chết yểu. Nay, Trung Quốc đã trở thành một quốc gia hùng mạnh hơn nhiều và là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nên cục diện đã khác. Rõ ràng, việc ứng xử làm sao để đẹp lòng cả Trung Quốc và Hoa Kỳ là điều khá khó khăn.
Hoa Kỳ rõ ràng không thoải mái với quyết định của Anh, trong khi Trung Quốc rất hồ hởi. Đây có thể là một động thái thực dụng, nhưng thật khó để không xúc phạm đến một bên nào. Các nhà phân tích tin rằng động thái của Anh sẽ mở đầu cho nhiều quyết định của các nước khác trong việc chọn lựa giữa siêu thế lực kinh tế mới và hiện hữu. Liệu Anh có thu được lợi ích kinh tế nhiều hơn thiệt hại về chính trị với nước cờ này?