Thu phí “cắt cổ” và “sáng tạo” ra nhiều loại phí vô lý đã khiến đại gia Ngân hàng Australia & New Zealand Banking Group (ANZ) - ngân hàng lớn thứ 3 ở Australia - vướng vào vụ kiện tập thể của hơn 43.500 khách hàng ở Australia, có thể bị phạt tới 57 triệu USD nếu thua kiện.
Vụ kiện dự kiến kéo dài 3 tuần lễ đã chính thức bắt đầu từ ngày 2-12. Theo cáo buộc, tổng số tiền từ những khoản phí bất hợp lý ANZ đã thu của khách hàng lên tới khoảng 50 triệu AUD (46 triệu USD), bao gồm các khoản phí liên quan đến tài khoản ngân hàng như phí vượt hạn mức tín dụng, phí thanh toán muộn…
Các thẩm phán sẽ xem xét liệu các khoản phí này có bất hợp pháp, vô lương tâm và thổi phồng tổn thất thực tế của ngân hàng hay không.
Theo Công ty Luật Maurice Blackburn, đại diện nguyên đơn, các khoản phí vô lý của ANZ thường dao động từ 25-45USD cho các lỗi như rút tiền quá hạn mức, thanh toán trễ, một hình phạt quá cao và bất công chứ không còn là phí dịch vụ. Ngoài ra, rất nhiều khách hàng đã phàn nàn về việc bị ngân hàng phạt nặng khi tiền trong tài khoản của họ thấp hơn mức quy định một chút.
“Nếu các khoản phí đó là hình phạt, rõ ràng chúng được áp dụng cho tất cả khách hàng của họ chứ không chỉ những thân chủ của chúng tôi. Đó là một vấn đề lớn vì sẽ tạo thành một tiền lệ không chỉ cho các ngân hàng mà cho cả các tổ chức tài chính khác” - Andrew Watson, đại diện Công ty Luật Maurice Blackburn, nói.
Maurice Blackburn dẫn các tài liệu nội bộ của ANZ mà họ thu thập được, chứng minh rằng ngân hàng này đã quyết định thu phí nhiều hơn để gia tăng lợi nhuận. Các tài liệu chiến lược của ANZ cho thấy lãnh đạo của ngân hàng đã thảo luận về việc thay đổi các loại phí như thế nào để khách hàng không bỏ ngân hàng. Và các loại phí được xem là “một phần quan trọng để cân bằng giữa lợi nhuận và tổn thất của ngân hàng”.
Tại buổi xét xử mở đầu, thẩm phán Michelle Gordon cho rằng các khoản phí đó khó có thể biện minh vì chúng không đi kèm với các dịch vụ.
ANZ bị cáo buộc thu phí cắt cổ để gia tăng lợi nhuận. |
Ngoài ANZ, 7 đại gia ngân hàng khác tại Australia cũng phải hầu tòa vì liên quan đến bê bối thu phí quá mức, gồm: Citibank, Commonwealth Bank, National Australia Bank (NAB), St George, Westpac, BankSA và Bankwest. Được biết, Maurice Blackburn bắt đầu thu thập đơn kiện của khách hàng đối với 8 ngân hàng trên từ ngày 13-5-2010 và hiện đã tập hợp được hơn 185.000 khách hàng với yêu cầu bồi thường hơn 220 triệu USD.
Maurice Blackburn nói các ngân hàng này đã thu tổng cộng khoảng 5 tỷ USD tiền phí các loại như vậy trong 6 năm trước khi sức ép công luận buộc NAB bỏ các loại phí đó vào năm 2009. Tuy nhiên, các tài liệu nội bộ cho thấy sau năm 2009, ANZ vẫn tiếp tục duy trì các loại phí cắt cổ này.
Luật sư Michael Lee nói trước tòa án hôm 2-12 rằng các tài liệu cho thấy ANZ lo ngại nếu bỏ các loại phí đó, ngân hàng sẽ bị lỗ. “Tài liệu cho thấy ANZ cần chú trọng chiến lược bù lỗ khoảng cách doanh thu và chi phí nếu quyết định bỏ các loại phí” - ông Lee nói.
Cho đến nay, ANZ chỉ tuyên bố sẽ nhất quyết chống lại vụ kiện, cho rằng ngân hàng có quyền áp đặt lệ phí đối với khách hàng. Tuy nhiên, Maurice Blackburn cho rằng việc áp phí phạt lên tới 40USD đối với việc rút tiền quá hạn mức đã bị cấm theo một quy định mới.
Riêng loại phí này đã giúp ANZ thu về tới 151 triệu USD tính đến năm 2009. Nếu thua kiện, ANZ có nguy cơ phải đối mặt với án phạt từ 46-57 triệu USD cho người tiêu dùng và cũng sẽ là bản án mở đầu cho vụ kiện tập thể lớn nhất trong lịch sử doanh nghiệp tại Australia.
(Tổng hợp)