Áp lực cải cách thực chất

Thông cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng sự phục hồi không chắc chắn của nhiều nền kinh tế chủ chốt trên thế giới đã khiến cơ quan này hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2013 so với trước.

Thông cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng sự phục hồi không chắc chắn của nhiều nền kinh tế chủ chốt trên thế giới đã khiến cơ quan này hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2013 so với trước.

Cụ thể, kinh tế toàn cầu năm nay sẽ tăng trưởng khoảng 3,3%, giảm 0,2% so với dự báo trước đây; trong đó các nền kinh tế phát triển sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 1,2%, tương ứng với mức thấp hơn 0,1% do lộ trình phục hồi các nền kinh tế này vẫn rất chập chờn. IMF khuyến cáo: “Những rủi ro cũ đối với nền kinh tế vẫn còn trong khi những rủi ro mới lại bắt đầu xuất hiện”.

Soi xét nền kinh tế nước ta, cụ thể là kết quả kinh doanh quý I-2013, cho thấy nền kinh tế vẫn trong xu hướng xấu đi, sản xuất kinh doanh chưa có triển vọng phục hồi: Sản xuất công nghiệp chỉ tăng 4,9%, thấp hơn mức 5,9% cùng kỳ năm trước; tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16,5%.

Nếu năm 2012 có đến 58.128 doanh nghiệp phá sản thì xu thế này vẫn tiếp diễn trong năm 2013 với 15.283 doanh nghiệp ngừng hoạt động trong 3 tháng đầu năm. Cuối năm trước, nhiều chuyên gia kỳ vọng, dự báo nền kinh tế sẽ “chạm đáy” vào quý II-2013 và sau đó là quá trình phục hồi.

Tuy nhiên, với các chỉ số nêu trên cho thấy nền kinh tế nước ta vẫn chưa chạm đáy mà tiếp tục xấu đi, nên cần có đối sách cải cách thực chất mới kỳ vọng “thoát đáy” vào cuối năm nay.

Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam năm 2012 của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy một bức tranh ảm đạm: Quy mô doanh nghiệp đang teo tóp, thu hẹp lĩnh vực hoạt động, tiết giảm lao động; doanh nghiệp nhỏ không “lớn” lên được, còn doanh nghiệp đăng ký mới quy mô ngày càng nhỏ đi. VCCI đánh giá: “Nhìn chung sau 10 năm, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn đang ở mức dưới trung bình so với các nước trong khu vực và thế giới”.

Thời gian qua có nhiều giải pháp đã đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như giãn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất, giảm lãi suất, đẩy mạnh cho vay các lĩnh vực ưu tiên... nhưng hầu như kết quả đạt được còn rất hạn chế.

Riêng việc giãn thời gian nộp thuế TNDN hiện nay hay giảm thuế TNDN đã áp dụng năm 2012 không có tác dụng thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Tiếp tục đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của Bộ Tài chính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, nhiều đại biểu đánh giá là tủn mủn, không có tác dụng và vẫn nghiêng nặng về cơ quan quản lý nhà nước hơn là tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch để doanh nghiệp an tâm làm ăn.

Trước các phương án giảm thuế suất tác động về nguồn thu, giảm thu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu: “Tôi nói thật, doanh nghiệp khó khăn, bảo mất 6.000 tỷ đồng, 12.000 tỷ đồng nhưng có lợi nhuận đâu mà mất. Các đồng chí bảo mất tôi không tin, họ có làm ra đâu mà nộp, không nộp lấy gì mà thu thuế!”.

Tại diễn đàn kinh tế mùa xuân do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức mới đây, các chuyên gia cùng chung nhận định: Nền kinh tế nước ta đang trong giai đoạn hết sức khó khăn, yếu cả cung lẫn cầu; doanh nghiệp suy kiệt, niềm tin thị trường suy giảm nghiêm trọng; thúc đẩy tăng trưởng, việc làm, khống chế lạm phát, mở rộng xuất khẩu vẫn là những điểm nghẽn chưa có lối ra; việc điều hành chính sách chưa tạo động lực đảo chiều nền kinh tế...

TS. Cao Sỹ Kiêm nhận định: “5 năm gần đây chính sách vĩ mô của Việt Nam thiên về đối phó, đau đâu chữa đó, không có giải pháp bài bản cho mục tiêu xuyên suốt. Vận hành chính sách theo hướng liên tục siết rồi mở, cực này sang cực kia”.

Mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế nước ta là nhằm từng bước vượt thoát nền kinh tế gia công, hiệu quả thấp, nặng về dụng vốn và lao động; tiến tới nền công nghiệp chế biến với hàng hóa chất lượng cao và tiến đến nền kinh tế trí thức có hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao.

Định hướng là vậy, nhưng thực tế như nhìn nhận của TS. Trần Du Lịch: “Ngoài lãng phí về nguồn vốn, nhân lực, tài nguyên, đất nước ta còn lãng phí lớn về quỹ thời gian. Đề án tái cơ cấu nền kinh tế từ khi bàn đến khi ban hành mất 5 năm; đến nay thị trường tài chính Việt Nam vẫn phát triển khập khiễng, nền kinh tế dựa 90% vào nguồn vốn ngân hàng; tiến trình sắp xếp doanh nghiệp nhà nước ách tắc; nền kinh tế vận hành bất thường nhưng ta chỉ có giải pháp ứng xử bình thường. Lúc này rất cần thiết xây dựng Chương trình phục hồi nền kinh tế, triển khai quyết liệt trong 3 năm để lành mạnh hóa nền kinh tế”.

Với khuyến cáo của IMF: “Những rủi ro cũ đối với nền kinh tế vẫn còn” áp vào nước ta là gì? Đó là nợ xấu, tồn kho, doanh nghiệp phá sản, môi trường kinh doanh chậm được cải thiện...

Và “những rủi ro mới lại bắt đầu xuất hiện” là lao động thất nghiệp ngày càng tăng, an sinh xã hội căng thẳng, thâm hụt và cân đối ngân sách ngày càng khó khăn. Điều ấy cho thấy cần phải cấp bách đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, phải có quyết sách cải cách thực chất mới mong xoay chuyển cục diện nền kinh tế phát triển theo hướng lành mạnh, bền vững.

Các tin khác