Tăng thêm nguồn lực cho không gian phát triển mới

(ĐTTCO) - Việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiến hành hợp nhất một số địa phương ở thời điểm này là cần thiết và phù hợp, giúp phân bổ hài hòa nguồn lực quốc gia và mở rộng thêm không gian phát triển mới cho các địa phương.

Tăng thêm nguồn lực cho không gian phát triển mới

Thời điểm “chín muồi”

So với thời điểm trước, hiện nay Việt Nam đã có hàng ngàn km đường cao tốc, và mục tiêu phấn đấu hết năm 2025 cả nước có 3.000km đường bộ cao tốc. Bên cạnh đó, sân bay cũng được xây mới và cải tạo, nâng cấp nhiều hơn.

Vì vậy, việc đi lại rất thuận lợi và nhanh chóng. Đặc biệt, với sự phát triển khoa học công nghệ như vũ bão, sự xuất hiện của AI, môi trường điện tử không biên giới, chính quyền số sẽ giúp cho việc thực hiện các thủ tục hành chính giữa chính quyền và người dân rất thuận lợi...

Rõ ràng điều kiện của đất nước đã “chín muồi” để tiến hành hợp nhất các địa phương. Việt Nam đã hội nhập sâu rộng, đạt tốc độ phát triển kinh tế - xã hội cao. Chúng ta đã có quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch không gian biển quốc gia.

Hiện có 6 vùng kinh tế lớn: Trung du miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, Tây nguyên, Đông Nam bộ và ĐBSCL. Chúng ta cũng đã quy hoạch hệ thống ngành nghề, quy hoạch hệ thống sân bay, bến cảng, đường bộ, đường sắt cao tốc... Đây là cơ sở vững chắc để hợp nhất địa phương, nhằm tạo ra không gian phát triển kinh tế - xã hội rộng mở hơn.

ongchinh.jpg

Thực tế, trước khi tiến hành hợp nhất một số tỉnh/thành, Trung ương đã thực hiện việc hợp nhất các bộ, ngành và mang lại những hiệu quả rất rõ rệt. Nhưng người dân đặc biệt quan tâm đến việc tinh giản bộ máy không chỉ ở Trung ương, mà cả ở cấp địa phương.

Do vậy việc hợp nhất các tỉnh sắp tới chính là bước tiếp theo trong quá trình tinh gọn bộ máy hành chính. Việc hợp nhất này sẽ tạo ra dư địa phát triển không gian lớn hơn cho các địa phương. Đây là yếu tố có ý nghĩa chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới.

Vấn đề quan tâm lúc này là sau hợp nhất, cần những bộ máy lãnh đạo địa phương thực sự tinh, gọn, mạnh, hiệu năng để đảm bảo hiệu quả và phát triển bền vững. Đó là yếu tố dư địa phát triển, hay nói cách khác là không gian phát triển - bao gồm không gian cho nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và đặc biệt là không gian biển. Việt Nam là quốc gia biển đảo, có nhiều đảo, quần đảo, và đang định hướng mạnh mẽ ra biển.

Tập trung nguồn lực kinh tế biển

Một điểm đặc biệt quan trọng sau khi hợp nhất một số địa phương, đó là mọi hành lang phía Tây của Việt Nam đều có đích đến là biển. Việt Nam với hình chữ S đặc thù trải dài trên 14 độ vĩ tuyến, cần phải phát triển không chỉ trên trục Bắc-Nam, mà còn mở rộng ra các trục ngang Đông - Tây.

Trục Bắc - Nam là “huyết mạch” chủ đạo của quốc gia, nhưng trục Đông - Tây lại đóng vai trò quan trọng không kém trong phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng. Đặc biệt, ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, nơi địa hình hiểm trở, bị chia cắt bởi núi non và rừng già, việc kết nối giữa các tỉnh miền núi và duyên hải sẽ thúc đẩy kinh tế và tăng cường năng lực phòng thủ.

Việt Nam hiện sở hữu các cảng biển mang tầm quốc tế, như cảng Hải Phòng, Thị Vải - Cái Mép, và Cam Ranh, với năng lực xử lý hàng hóa lớn. Những cảng biển nước sâu này là điều kiện then chốt để hàng hóa Việt Nam hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời gia tăng vị thế quốc gia.

Đơn cử sau khi hợp nhất, Khánh Hòa sẽ sở hữu gần 500 km bờ biển - trở thành địa phương có đường bờ biển dài nhất Việt Nam (Khánh Hòa 385km, Ninh Thuận 105 km). Đường bờ biển của tỉnh này sẽ gấp 1,5-2 lần so với hai địa phương xếp thứ 2, 3 là Cà Mau và Quảng Ninh. Với đường bờ biển mở rộng, đây sẽ là một trong những địa phương có điều kiện lý tưởng nhất để phát triển du lịch biển, khai thác thủy hải sản và thúc đẩy dịch vụ logistics.

Hay như TPHCM mới sau khi hợp nhất với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, sẽ càng phát huy vai trò “đầu tàu kinh tế” khi GRDP gần gấp đôi Hà Nội, chiếm 1/4 GDP cả nước. Hiện vùng đất giáp biển duy nhất của thành phố là Cần Giờ với chiều dài chỉ khoảng 17km.

Sau khi hợp nhất, đường bờ biển gấp 5 lần so với hiện hữu. Từ lâu, Cần Giờ nằm trong chiến lược “hướng biển” của thành phố. Việc hợp nhất với Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ đưa TPHCM thực sự trở thành địa phương có lợi thế nhất trong phát triển kinh tế biển (khai thác dầu khí, du lịch, cảng nước sâu), thay vì chỉ là “tầm nhìn hướng biển” như hiện nay.

Trước đó, theo quy hoạch giai đoạn 2021-2030, TPHCM dự định xây cảng trung chuyển tại huyện duyên hải Cần Giờ. Song với việc hợp nhất, TPHCM sẽ sở hữu cảng nước sâu Thị Vải - Cái Mép (thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), lớn nhất Việt Nam và đứng thứ 19 thế giới. Cảng có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 200.000 tấn và cũng là cảng biển duy nhất tại miền Nam có tuyến tàu trực tiếp kết nối Âu - Mỹ.

TPHCM cũng sẽ có hệ thống lên tới 89 bến cảng biển, giúp thuận tiện trong giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa. Nếu tính thêm 10 bến cảng dầu khí ngoài khơi thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay, tổng số bến cảng biển của TPHCM sau hợp nhất là 99, lớn hơn nhiều so với hệ thống cảng biển lớn nhất nước hiện nay là Hải Phòng (50 bến).

Như vậy, số bến cảng của TPHCM chiếm gần một phần ba của cả nước (hơn 300 bến), gấp 2,5 lần so với số lượng hiện tại.

Hoặc như Tây Nguyên - vốn là một vùng đặc thù, nơi hội tụ của những cao nguyên trải dài như Kon Tum, Di Linh, Buôn Ma Thuột. Nhiều tỉnh Tây Nguyên vốn là vùng núi, nằm sâu trong nội địa, nay trở thành những địa phương có biển như Đắk Lắk (hợp nhất Phú Yên và Đắk Lắk), Lâm Đồng (hợp nhất Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận), Gia Lai (hợp nhất Gia Lai và Bình Định).

Kon Tum hợp nhất với Quảng Ngãi sẽ “được nhờ” lợi thế từ cảng nước sâu Dung Quất. Trong khi đó, các địa phương cùng có lợi thế về biển khi nhập lại sẽ tạo lợi thế về quy mô phát triển lớn hơn, cùng mạnh lên. Thí dụ điển hình là trường hợp của Đà Nẵng và Quảng Nam, Bạc Liêu và Cà Mau, hay Khánh Hòa và Ninh Thuận.

Các tỉnh, thành sau khi hợp nhất trở thành địa phương giáp biển với không gian phát triển mở rộng, cơ cấu kinh tế - xã hội thay đổi theo hướng hài hòa, tích cực hơn. Tuy nhiên, hạ tầng hiện tại của Việt Nam còn chưa hoàn toàn thuận tiện, giao thông kết nối nhiều địa phương còn kém.

Do đó, việc cấp bách hiện nay là cần nghiên cứu lại quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng ngay sau khi việc hợp nhất địa phương đã được chính thức thông qua.

Việc tạo không gian phát triển hướng biển rất quan trọng với Việt Nam. Bởi Việt Nam là quốc gia biển đảo, có lợi thế về giao thương trong nước và quốc tế do gần khu vực nước sâu, đường bờ biển liên quan tới đường hàng hải quốc tế.

Các tin khác