Áp lực lớn, chuyển đổi không dễ dàng

Nền kinh tế hiện nay đang ở trạng thái lưỡng thể, tốc độ chuyển đổi chậm. Chúng ta đã bước vào giai đoạn buộc phải cải cách, không duy trì cơ chế cũ nhưng những bước đi không hề dễ dàng. Nhiều chuyên gia đã nhận định như vậy tại báo cáo "Việt Nam chuyển đổi - Thay đổi cảm nhận về nhà nước và thị trường của người Việt năm 2014 (Cams 2014)".

Nền kinh tế hiện nay đang ở trạng thái lưỡng thể, tốc độ chuyển đổi chậm. Chúng ta đã bước vào giai đoạn buộc phải cải cách, không duy trì cơ chế cũ nhưng những bước đi không hề dễ dàng. Nhiều chuyên gia đã nhận định như vậy tại báo cáo "Việt Nam chuyển đổi - Thay đổi cảm nhận về nhà nước và thị trường của người Việt năm 2014 (Cams 2014)".

Nền kinh tế lưỡng thể

Theo báo cáo vừa được Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, trong số 1.600 người phản hồi khảo sát, có 89% người cho rằng mô hình kinh tế thị trường (KTTT) ưu việt hơn, chỉ 3% cho rằng mô hình kinh tế nhà nước (KTNN) ưu việt hơn. Theo VCCI, trong 4 năm qua số người cho rằng KTNN ưu việt hơn đã giảm từ 7% (năm 2011) xuống 3% (năm 2014). Kết quả Cams 2014 cũng đưa ra số liệu 49% người được hỏi cho rằng nền kinh tế Việt Nam là nền KTTT; 36% cho rằng vẫn là nền KTNN.

Nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi, biểu hiện của nó là tình trạng lưỡng thể những năm qua. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi những năm gần đây chững lại. Mục tiêu của Nghị quyết 19 về cải cách thể chế KTTT có thể sẽ lạc hậu nếu Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và FTA EU-Việt Nam (EVFTA). Khi đó Việt Nam phải tuân thủ chuẩn mực của nền kinh tế toàn cầu chứ không chỉ là chuẩn mực kinh tế khu vực ASEAN.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI

Quá trình chuyển đổi sang KTTT đang tiếp tục nhưng tốc độ chậm hoặc rất chậm so với kỳ vọng. Hiện nền kinh tế đang trong tình trạng lưỡng thể vừa vận hành theo mô hình KTTT vừa vận hành theo mô hình KTNN. Ở góc độ xây dựng thể chế KTTT, báo cáo cũng chỉ ra mức độ minh bạch trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách giai đoạn 2009-2014 còn thấp, trung bình 14% người được hỏi cho rằng chính sách hiện nay là minh bạch, trong khi 49% cho rằng quá trình này đang khép kín. Nhóm hài lòng với mức độ minh bạch trong hoạch định, xây dựng và thực thi chính sách là các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương, trong khi nhóm đối tượng thực thi chính sách là DN tỏ ra không hài lòng.

Dù đại đa số cho rằng KTTT là ưu việt, mọi quy luật giá cả trong nền KTTT do cung - cầu quyết định, nhưng kết quả Cams 2014 lại cho thấy một nghịch lý trong tâm lý người dân. Đó là 75% người được hỏi (tăng 7% so với năm 2011) nói giá cả hàng hóa thiết yếu nên có sự can thiệp, bình ổn của Nhà nước, đặc biệt ở các mặt hàng điện, gạo, xăng dầu, sữa, gas, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh thiết yếu, thực phẩm, nước sạch. Mức độ hài lòng do dịch vụ khu vực tư nhân cung cấp theo Cams 2014 tăng lên, nhưng người dân vẫn có lo ngại về giá cả, chất lượng dịch vụ công khi chuyển sang cho tư nhân cung ứng. Trung bình có 67% người được khảo sát tỏ ra lo ngại về giá cả, 49% lo ngại về chất lượng và 31% lo ngại về mức độ sẵn có của dịch vụ công khi chuyển cho tư nhân cung cấp.

Tuy vậy, mức độ hưởng lợi từ việc Nhà nước can thiệp thị trường theo khảo sát trên không cao. Phần lớn người dân cho rằng họ chỉ được hưởng lợi phần nào, rất ít hoặc không hưởng lợi từ chính sách bình ổn giá khi Nhà nước can thiệp vào thị trường. Theo ông Đoàn Hồng Quang, chuyên gia kinh tế cao cấp WB, nghịch lý trên cho thấy việc vận hành KTTT chưa thực sự tạo niềm tin với DN và người dân. Bên cạnh đó, việc đã xây dựng các thiết chế có sự can thiệp của Nhà nước vào giá cả đến mức người dân đã được hưởng lợi rất khó bỏ thiết chế đó.

Dưới góc nhìn của mình, PSG.TS Trần Đình Thiên lý giải mọi người thích thị trường nhưng lại thích được Nhà nước ôm ấp, bảo vệ là hoàn toàn bình thường trong bối cảnh nền KTTT của ta còn nhom nhem như hiện nay. Đặc biệt, Việt Nam chưa là một nền KTTT đầy đủ, mọi người còn nặng tư duy bao cấp, Nhà nước lo. Hơn nữa, giai đoạn vừa qua có quá nhiều rủi ro trong nền kinh tế tác động đến người dân và DN. Vấn đề ở đây là thái độ và cách ứng xử của Nhà nước thế nào.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM), nói không ngạc nhiên về kết quả điều tra vì quá trình chuyển đổi sang nền KTTT thời gian qua "quá dùng dằng, không dứt khoát". Vấn đề thị trường, giá cả rất quan trọng nhưng hiện đang có quan niệm chưa phù hợp cơ chế thị trường, đôi khi chúng ta can thiệp phản thị trường và không khuyến khích sự phát triển của thị trường. Vấn đề hiện nay là giá do Nhà nước kiểm soát, vì vậy nhiệm vụ đặt ra là phải xây dựng được thể chế KTTT để cho thị trường vận hành. Còn nếu chục người mua một người bán không còn là thể chế KTTT.

Cải cách không dễ dàng

Theo các chuyên gia, cải cách lần này hướng tới việc để cho thị trường vận hành tốt hơn, ở mức cao hơn nên Nhà nước phải có những thay đổi. Bởi công cuộc cải cách lần này nằm ở khu vực nhà nước là chủ yếu, nó dẫn tới những thay đổi về chức năng, vai trò, cách thức, công cụ quản lý của Nhà nước... Có như vậy thị trường mới phát triển và không bị méo mó. Nhưng bước tiến cải cách lần này là rất khó vì phải làm từ trên xuống. Bên cạnh đó, xét về thể chế thị trường vi mô, có 2 yếu tố rất quan trọng là sở hữu và cạnh tranh công bằng, bình đẳng.

Hiện nay nước ta đang mở ra góc độ gia nhập thị trường là tốt, nhưng cơ chế để đảm bảo thị trường vận hành tốt và cạnh tranh bình đẳng, công bằng lại thiếu. Đây không phải là thất bại của thị trường mà là thất bại trong tổ chức, quản lý. Nhà nước không thực hiện được vai trò của mình là thúc đẩy, hỗ trợ và đảm bảo cho thị trường vận hành cạnh tranh công bằng.

TS. Nguyễn Đình Cung phân tích: “Dưới góc độ chuyển đổi sang KTTT, một trong những dòng chuyển đổi là chuyển từ sở hữu công là chủ yếu sang sở hữu tư, thực tế chúng ta chưa hoàn thành công cuộc chuyển đổi sở hữu này. Nguyên nhân do Việt Nam chưa dứt khoát chuyển sang KTTT. Việc chuyển đổi sở hữu là chuyển đổi cực kỳ khó, khi chúng ta chưa hoàn thành chuyển đổi sở hữu chưa thể chuyển sang nền KTTT đầy đủ". Về áp lực cải cách và chuyển đổi, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, phân tích dường như DNNN chưa muốn cải cách vì họ đang sống nhờ "chân nhà nước" và "chân thị trường".

Việt Nam vẫn chưa có nền KTTT đầy đủ do còn nặng tư duy bao cấp, đặc biệt như giá xăng dầu hiện nay.

Việt Nam vẫn chưa có nền KTTT đầy đủ do còn nặng tư duy bao cấp,
đặc biệt như giá xăng dầu hiện nay.

Trong thị trường, DNNN chiếm lĩnh những ngành nghề rất quan trọng với lợi thế độc quyền, nhờ sở hữu nhà nước nên khu vực DN này dễ dàng vay vốn ngân hàng, tiếp cận đất đai, thậm chí có những hợp đồng từ Nhà nước. Do đó, nếu không cải cách được DNNN, rất khó để xây dựng thể chế KTTT. Theo đó, các hiệp định thương mại tư do (FTA), hội nhập chỉ có có ý nghĩa thị trường hơn khi bên ngoài vào và họ sẽ đưa ra luật chơi mới và những động lực mới.

Những cách thức vận hành thị trường khi gia nhập các FTA nhưng thể chế KTTT không tương thích, không ngang tầm hội nhập thì dù đã hội nhập VN vẫn đứng trước nguy cơ bên rìa cuộc chơi. Mục đích của cải cách trong nước hiện nay không có mục tiêu nào khác là nâng cấp nền KTTT Việt Nam lên để tận dụng được cơ hội hội nhập mang lại.

Các tin khác