Kinh tế Việt - Nga và tương lai mô hình BRICS+

(ĐTTCO) - Theo PGS. TS YKOVLEV ARTEM ALEXANDROVICH, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, và cũng đặt ra cho mình những nhiệm vụ tương tự như các thành viên BRICS+ khác.

Hợp tác dầu khí là điểm sáng trong quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Liên Bang Nga.
Hợp tác dầu khí là điểm sáng trong quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Liên Bang Nga.

Trong chuyến công tác tại Việt Nam mới đây, PGS. TS YKOVLEV ARTEM ALEXANDROVICH (ảnh), Giám đốc Trung tâm Chiến lược Nga ở châu Á, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, Giảng viên bộ môn Lý thuyết kinh tế tổng hợp của Đại học Quốc gia Moscow, đã dành cho ĐTTC cuộc trao đổi về triển vọng hợp tác kinh tế Việt Nam - Liên bang Nga; cũng như khả năng mở rộng thành viên của Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), khi Nga đang đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch luân phiên khối BRICS trong 2024.

PHÓNG VIÊN: - 2 năm sau khi hứng chịu các đợt trừng phạt chưa từng có từ Mỹ và các nước phương Tây liên quan đến xung đột Nga - Ukraine, nền kinh tế Nga vẫn không tụt hậu mà tăng trưởng mạnh mẽ. Theo ông đâu là những lý do giúp kinh tế Nga đứng vững trước “cơn bão trừng phạt”?

PGS. TS YKOVLEV ARTEM ALEXANDROVICH: - Tôi cho rằng, thứ nhất nền kinh tế Nga thực sự là nền kinh tế thị trường. Các biện pháp trừng phạt đã cho thấy nền kinh tế Nga có khả năng thích ứng nhanh chóng với những thay đổi và chống chọi với khó khăn. Đồng thời với việc triển khai các giải pháp hợp lý của giới lãnh đạo và khối kinh tế tài chính của chính phủ, đã giúp Nga chống chọi lại thành công các lệnh trừng phạt.

Thứ hai, nền kinh tế Nga vẫn có “sức nặng” trên thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu năng lượng. Minh chứng là việc đưa ra các biện pháp trừng phạt đã khiến giá của các mặt hàng năng lượng tăng lên, điều này cũng giúp hỗ trợ nền kinh tế Nga.

Russia1.jpg

Thứ ba, chính các biện pháp trừng phạt đã kích thích chính sách thay thế nhập khẩu của Nga, đất nước chúng tôi bắt đầu nhanh chóng phát triển sản xuất của chính mình, bao gồm cả ngành công nghiệp chế biến, điều này đã kích thích tăng trưởng kinh tế.

- Vậy theo ông vai trò của Trung Quốc và các nước Nam bán cầu đối với nền kinh tế Nga hiện nay ra sao?

- Tất nhiên, Trung Quốc và các nước châu Á hiện nay rất quan trọng đối với Nga, là đối tác chiến lược chính của Nga. Thực ra chính sách xoay trục về phương Đông của Nga đã bắt đầu trước khi áp dụng các lệnh trừng phạt, được đưa ra vào năm 2014, trong khi các lệnh trừng phạt quy mô lớn vào năm 2022.

Và như thế, Trung Quốc bắt đầu chiếm vị trí số một về kim ngạch thương mại của Nga kể từ năm 2014. Năm 2012, thỏa thuận về quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đã được ký kết giữa Nga và Việt Nam. Giờ đây, quan hệ kinh tế giữa Nga và các nước châu Á sẽ còn phát triển nhanh hơn nữa. Đối tác quan trọng của Nga là Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và các nước khác ở Đông Á và Đông Nam Á.

- Thưa ông, một điều rất đáng lưu ý là trong số các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU đối với hàng hóa xuất khẩu của Nga, không hề bao gồm các sản phẩm chủ chốt của ngành năng lượng Nga như khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), nhiên liệu uranium cho các nhà máy hạt nhân, hay khí đốt qua đường ống. Vì sao lại vậy?

- Như tôi đã nói ở trên, Nga là nước đóng vai trò quan trọng trên thị trường năng lượng thế giới. Việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những hàng hóa này sẽ khiến giá cả tăng cao, và sẽ tác động tiêu cực mạnh đến các quốc gia đã áp đặt các biện pháp trừng phạt này.

Thí dụ, Nga chiếm 40% thị trường uranium làm giàu của thế giới, nên những thảo luận về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt khiến giá cả tăng cao và tạo ra các vấn đề cho các nền kinh tế phương Tây. Vì vậy, tôi cho rằng sẽ không có việc mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với những lĩnh vực này trong thời gian tới.

- Dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng kinh tế Nga vẫn không tránh khỏi việc phải đối diện với những khó khăn. Theo ông những khó khăn ấy là gì? Và chúng sẽ tác động như thế nào đến kinh tế Nga trong ngắn hạn và dài hạn?

- Tất nhiên, kinh tế Nga cũng gặp phải những khó khăn. Đầu tiên là tình trạng thiếu lao động. Chính sách thay thế nhập khẩu đang được Nga tiến hành đòi hỏi phải có thị trường lực lượng lao động lớn hơn. Sự thiếu hụt lao động một phần do tình hình nhân khẩu học đã phát triển từ những năm 90 của thế kỷ trước.

Kế đến là lạm phát và kỳ vọng lạm phát cao. Để chống lại nó, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất cơ bản lên 16%, điều này sẽ có tác động tiêu cực đến việc thu hút dòng vốn vào khu vực sản xuất của nền kinh tế, công nghiệp và kinh doanh.

Một vấn đề khó khăn nữa cũng đang tồn tại liên quan đến việc hợp tác trên thị trường quốc tế với các đối tác của chúng tôi. Những vấn đề này bao gồm việc thanh toán giữa các quốc gia và các đối tác của Nga, do họ sợ sẽ phải chịu các biện pháp trừng phạt thứ cấp khi hợp tác với Nga. Nhưng tôi nghĩ rằng ở đây sẽ có thể phát triển các cơ chế và khắc phục các vấn đề.

- Việt Nam và Liên bang Nga thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện từ năm 2012, đây là cấp độ cao nhất trong quan hệ đối ngoại giữa các quốc gia. Tuy nhiên, quan hệ đầu tư, kinh tế giữa 2 nước chỉ ở mức độ tiềm năng. Theo ông những hạn chế trong quan hệ kinh tế giữa 2 nước là gì?

- Về mặt lịch sử, giữa Liên bang Nga và Việt Nam đã phát triển mối quan hệ đối tác rất tốt đẹp. Song nguyên nhân một phần do đại dịch Covid-19, đã làm suy giảm đáng kể quan hệ thương mại và đầu tư giữa Nga và Việt Nam. Nhưng đã bắt đầu đà tăng trưởng sau khi ký kết hiệp định về khu vực thương mại tự do giữa Liên minh kinh tế Á-Âu và Việt Nam.

Song thực tế cũng phải thừa nhận mối quan hệ hợp tác thương mại 2 bên cũng trở nên phức tạp hơn, sau khi các nước phương Tây không thân thiện đưa ra các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, trong đó có những khó khăn nảy sinh trong việc thanh toán thương mại giữa Nga và Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam lo sợ bị trừng phạt thứ cấp khi hợp tác với Nga. Nhưng tôi tin tưởng rằng, các cơ chế phát triển hợp tác sẽ được nối lại giữa 2 nước.

- Được biết năm nay Nga làm Chủ tịch luân phiên Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS). Khối đang có chủ trương mở rộng với mô hình BRICS+ và hiện cũng có nhiều nước lên kế hoạch tham gia. Nga có ý định mời Việt Nam tham gia vào khối này?

- Ảnh hưởng của BRICS+ trong những năm tới sẽ gia tăng đối với kinh tế toàn cầu và chính trị thế giới. Sự mở rộng của BRICS sẽ góp phần phân chia lại bức tranh địa chính trị, địa kinh tế thế giới, định hình trật tự thế giới theo hướng thế giới đa cực. Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, và cũng đặt ra cho mình những nhiệm vụ tương tự như các thành viên BRICS+ khác.

Tôi cho rằng, với Việt Nam và cả các nước khác, việc tham gia BRICS+ là quan trọng và sẽ mang lại kết quả tích cực.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác