Chiều 5-11, tâm áp thấp nhiệt đới có tọa độ khoảng 13,8 độ vĩ Bắc và 115,1 độ kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 270km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 70km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Áp thấp nhiệt đới đang có hướng di chuyển rất “dị thường”: đi ngược ra ngoài, về phía Đông, mỗi giờ đi chậm với vận tốc 5km nhưng có khả năng mạnh lên thành bão trong ngày 6-11. Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển chậm về phía Đông với tốc độ 5km và có thể mạnh thêm.
Theo dự báo ban đầu thì từ ngày 7-11, áp thấp nhiệt đới này lại có xu hướng quay ngoắt khoảng 180 độ, di chuyển ngược trở lại, hướng về phía đất liền nước ta (ảnh). Đây sẽ là một cơn bão mạnh, có thể tiếp tục đổ bộ vào Nam Trung bộ như cơn bão số 5 vào tuần trước.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh nên ở khu vực giữa biển Đông (bao gồm vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa), khu vực Bắc biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) đang có thời tiết nguy hiểm, gió giật cấp 8-9, biển động mạnh.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cũng đã có công điện yêu cầu các bộ có liên quan và các địa phương triển khai nhiệm vụ ứng phó với áp thấp nhiệt đới này. Trong đó, thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện tàu thuyền biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới; tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền, kể cả tàu vận tải, du lịch.
Hải đoàn 129, Quân cảng Sài Gòn cho biết, tính đến trưa 5-11, các lực lượng trên huyện đảo Trường Sa đã khẩn trương giúp đỡ 87 tàu cá với 1.122 ngư dân các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Quảng Ngãi vào các âu tàu tránh trú áp thấp nhiệt đới.