Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chiếu xạ được đánh giá có rất nhiều tiềm năng, nhưng trên thực tế CTCP Chiếu xạ An Phú (APC) vẫn trong giai đoạn còn rủi ro. Hoạt động chính của APC bao gồm chiếu xạ thủy sản và trái cây xuất khẩu nhằm tiêu diệt vi sinh gây bệnh và côn trùng.
Việc chiếu xạ do chính phủ các nước nhập khẩu hoặc đối tác yêu cầu nhằm đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi đó mảng chiếu xạ là lĩnh vực mới phát triển tại Việt Nam nên cơ hội phát triển còn rất lớn.
Theo thống kê, hiện sản lượng chiếu xạ thủy sản xuất khẩu chưa đạt tới 4% sản lượng xuất khẩu thủy sản của cả nước, nhưng với các thị trường xuất khẩu thủy sản chính của chúng ta như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Nga đều yêu cầu sản phẩm nhập khẩu phải qua chiếu xạ.
APC hiện có 2 nhà máy hoạt động tại Bình Dương và KCN Bình Minh (Vĩnh Long). Nhà máy ở Bình Dương với tổng công suất 100 tấn/ngày có thể chiếu xạ cho sản phẩm thủy sản lẫn trái cây, trong đó mặt hàng trái cây đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Do nhà máy tại Bình Dương không không thuận lợi vì nằm xa vùng nguyên liệu nên APC đã đầu tư xây dựng thêm nhà máy tại Vĩnh Long với tổng vốn đầu tư là 150 tỷ đồng, công suất giai đoạn 1 từ 90-100 tấn/ngày.
Tuy nhiên, để thành lập một công ty mới hoạt động trong lĩnh vực này cần khoảng thời gian rất dài để có thể đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật nhằm đảm bảo tính an toàn trong quá trình hoạt động và nhận được các giấy phép có liên quan.
Hiện mức độ cạnh tranh của ngành không cao do mới chỉ có 3 công ty đang hoạt động là APC, Thái Sơn và Sơn Sơn. Đối với các mặt hàng thủy sản, đối thủ chính của APC là Thái Sơn với công suất chiếu xạ gần tương đương nhà máy của APC tại Bình Dương và cùng sử dụng công nghệ chiếu xạ bằng tia gamma.
Trước đây, Thái Sơn có lợi thế hơn APC nhờ có nhà máy nằm gần vùng nuôi trồng thủy sản, nhưng với việc APC hoàn thành nhà máy mới ở Vĩnh Long, năng lực cạnh tranh của APC được nâng lên đáng kể.
Theo báo cáo tài chính mới nhất của APC, lũy kế 9 tháng năm 2011 với tỷ suất lợi nhuận của công ty tiếp tục trong xu hướng giảm. Từ 64,7% năm 2008 xuống còn 61,1% năm 2009, rồi 57,7% năm 2010 và 51,3% sau 9 tháng năm 2011. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là chi phí bán hàng trên doanh thu cao và gia tăng.
Do dự án nhà máy tại Vĩnh Long mới chỉ hoàn thành giai đoạn 1, nên trong các năm tiếp theo APC phải đầu tư thêm khoảng 100 tỷ đồng cho giai đoạn 2 và dự kiến hoàn thành năm 2014. Với việc đầu tư lớn này, theo ước tính trong năm 2012 APC phải chịu chi phí khấu hao nhà máy (giai đoạn 1) trọn năm.
Do đó, dù sản lượng chiếu xạ và mặt hàng thanh long xuất khẩu được dự báo có sự tăng trưởng nhưng tỷ suất lợi nhuận gộp của những hoạt động này vẫn tiếp tục bị sụt giảm. Khả năng đến năm 2013 tỷ suất lợi nhuận gộp có thể được cải thiện do sản lượng gia tăng, nhưng đến năm 2014 khi giai đoạn 2 của nhà máy mới được hoàn thành sẽ làm gia tăng chi phí khấu hao khiến cho tỷ suất này lại sụt giảm.