APEC 2017: Nâng tầm vị thế Việt Nam

(ĐTTCO) - LTS: Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 25 diễn ra tại Việt Nam năm qua được đánh giá là thành công tốt đẹp. 
Trong bài viết về sự kiện này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Hội nghị cấp cao APEC 2017, cho rằng: “Đây là thành tích đối ngoại nổi bật của nước ta, đánh dấu một mốc son mới trong tiến trình hội nhập quốc tế và đối ngoại đa phương, góp phần củng cố xu hướng hòa bình, hợp tác phát triển và nâng cao uy tín, vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế”.
Hiệu ứng tích cực lan tỏa
Với chủ đề bao trùm “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, APEC 2017 trở thành tâm điểm chú ý của thế giới. Diễn đàn đã thu hút toàn bộ lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC, trong đó có lãnh đạo các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Canada… cùng với hơn 11.000 đại biểu, doanh nghiệp, lực lượng truyền thông trong và ngoài nước. Gần 100 cuộc gặp, tiếp xúc song phương giữa các nhà lãnh đạo APEC đã diễn ra trong dịp này.
APEC 2017: Nâng tầm vị thế Việt Nam ảnh 1 Lãnh đạo các nền kinh tế APEC cùng chụp ảnh. 
Điều đó khẳng định vị trí chiến lược của Việt Nam ở khu vực và sự quan tâm của các nền kinh tế, các nhà lãnh đạo APEC dành cho nước ta.
Lần thứ hai đăng cai tổ chức năm APEC, Việt Nam đã thể hiện xuất sắc vai trò chủ nhà và đã hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra. 8 văn kiện quan trọng đã được thông qua tại đây, nêu rõ cam kết của các nhà lãnh đạo APEC “ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên quy tắc tự do, công bằng, mở, minh bạch và bao trùm”.
Điều này đã tạo xung lực mới trong việc liên kết kinh tế quốc tế và vun đắp niềm tin vào các lợi ích thúc đẩy tự do thương mại, đầu tư toàn cầu, tạo ra thịnh vượng từng nền kinh tế, thúc đẩy phát triển của khu vực và thế giới.
APEC 2017: Nâng tầm vị thế Việt Nam ảnh 2 Thủ tướng Canada Justin Trudeau uống cà phê tại một quán trên vỉa hè và
trò chuyện thân mật với người dân tại TPHCM. 
Nhiều hãng thông tấn quốc tế tham dự, đã đưa tin và bình luận về sự kiện này. Tạp chí Diplomat đăng bài viết, nhận định Việt Nam một lần nữa chứng tỏ kỹ năng ngoại giao khôn khéo khi cân bằng được 2 cường quốc Trung Quốc và Hoa Kỳ để đảm bảo lợi ích quốc gia. Việt Nam đã ký được 2 tuyên bố chung.
Trong tuyên bố chung với Hoa Kỳ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống D. Trump đã tái khẳng định việc tăng cường và mở rộng quan hệ đối tác toàn diện giữa 2 nước thông qua thúc đẩy thương mại, đầu tư và hợp tác quốc phòng, an ninh. Trong tuyên bố chung với Trung Quốc, lãnh đạo 2 nước nhất trí tăng cường hợp tác về kinh tế và thương mại, công nghiệp, đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng…
APEC 2017: Nâng tầm vị thế Việt Nam ảnh 3 Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull chụp ảnh cùng người dân tại Đà Nẵng. 
Tạp chí The Independent của Anh có bài viết đánh giá cao sự đóng góp của Việt Nam cho tăng trưởng khi đề xuất chủ đề và những ưu tiên của APEC. Đó là đảm bảo cho người dân và doanh nghiệp được tham gia đầy đủ và chia sẻ lợi ích một cách công bằng từ tăng trưởng và liên kết các nền kinh tế trong bối cảnh bất bình đẳng và khoảng cách phát triển với các nước ngày càng gia tăng; tái khẳng định vai trò của APEC trong việc hình thành một cộng đồng phát triển bền vững và bao trùm.
APEC 2017: Nâng tầm vị thế Việt Nam ảnh 4 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa hai nước, chiều 12-11-2017 tại Hà Nội. 
Báo New Strait Times đăng bài viết của Bộ trưởng Thương mại quốc tế và Công nghiệp Malaysia, ông Mastapa Mohammed nêu nhận xét Malaysia và các quốc gia khác có thể học hỏi Việt Nam - nước chủ nhà Hội nghị APEC 2017: “Nỗ lực mở cửa của Việt Nam đã được phản ánh qua việc Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN (1995), thành viên của APEC (1998), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO 2007)…
Lợi ích từ những hoạt động cải cách biểu hiện rất rõ. Việt Nam hiện là một trong các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN. Điều này đã tạo ra hàng trăm ngàn việc làm mỗi năm và gia tăng các nguồn lợi từ xuất khẩu; đang có một vị trí quan trọng trong khu vực và trên thế giới…”.
APEC 2017: Nâng tầm vị thế Việt Nam ảnh 5 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe đi bộ tại Hội An, tham quan mô hình Châu ấn thuyền - hiện vật lịch sử được Nhật Bản trao tặng nhân sự kiện APEC 2017. 
Chia sẻ thành quả, cùng chiến thắng
Con số kỷ lục hơn 4.000 lượt doanh nghiệp trên thế giới tham gia các sự kiện tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 thể hiện mối quan tâm to lớn của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nổi lên diễn biến bảo hộ, ly khai gia tăng hiện nay. Các văn kiện được thông qua tại diễn đàn này, một lần nữa khẳng định APEC là diễn đàn vì người dân và doanh nghiệp, mở ra triển vọng mới về hợp tác, thúc đẩy đầu tư thương mại và kinh doanh khu vực châu Á-Thái Bình Dương và nước ta nói riêng.
Có nhiều “ngòi nổ” và các quan điểm khác biệt một số nước, nhưng Việt Nam đã phát huy bản lĩnh đối ngoại, hóa giải đối đầu, thể hiện vai trò cân bằng trong điều hành các sự kiện, thúc đẩy các quan điểm tương đồng giữa các thành viên, cùng vun đắp và chia sẻ các thành quả với phương châm mọi quốc gia cùng thắng (win-win).
 Chúng ta đã kế thừa và phát huy có hiệu quả những bài học kinh nghiệm quý giá về đối ngoại đa phương đúc kết từ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhất là việc đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà Năm APEC 2006 và Chủ tịch ASEAN 2020. Thành công của Năm APEC 2017 và Tuần lễ Cấp cao đã tạo khí thế mới cho hội nhập quốc tế, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp và đồng bào cả nước phát huy cao độ tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, mở ra thời kỳ phát triển mới vẻ vang của đất nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang
Chủ tịch Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25
Một vấn đề khá hóc búa, gặp rất nhiều cản ngại nhưng cuối cùng đã đạt được tại APEC 2017: 11 nước đạt được thỏa thuận nguyên tắc về TPP không có Hoa Kỳ (TPP II). Nhật báo Nikkei, Nhật Bản nêu nhận xét: Việc đạt được thỏa thuận này là một thành tựu lớn đối với TPP II sau nhiều tháng các nước trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương cố gắng cứu vãn thỏa thuận sau khi Tổng thống Hoa Kỳ D. Trump quay lưng. Thỏa thuận mới đạt được là cầu nối giữ vai trò định hướng tương lai của các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.
Tại cuộc họp báo vào lúc nửa đêm tại Đà Nẵng, sau khi kết thúc cuộc đàm phán khá căng thẳng và gay cấn, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Toshimitsu Motegi nói với các nhà báo: “Chúng tôi đã nhất trí được một thỏa thuận với những tiêu chuẩn cao và cân bằng. Tạo ra quy tắc thương mại mới, tự do và bình đẳng trong khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao như châu Á-Thái Bình Dương, là điều rất quan trọng”.
Năm APEC 2017 đã kết thúc thành công với nhiều dấu ấn nổi bật, đã nâng tầm vị thế Việt Nam trên trường thế giới. Riêng Việt Nam, cũng đạt được những kết quả thiết thực phục vụ công cuộc phát triển kinh tế-xã hội bằng việc ký kết 121 thỏa thuận hợp tác với trị giá gần 20 tỷ USD, tăng 10 lần so với tổng trị giá các thỏa thuận được ký kết vào năm 2006. Quan khách, doanh nghiệp quốc tế đến với APEC 2017 còn được chứng kiến một Việt Nam phát triển năng động, hiếu khách, thanh bình. Nhiều vị lãnh đạo các nước ra phố đi dạo, ăn uống, hòa nhập với người dân, là những hình ảnh tốt đẹp lắng đọng trong mắt công chúng và quốc tế.
Trong một bài bình luận mang tính tổng kết, tờ The Independent nêu nhận xét: Thông qua việc đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC 2017, Việt Nam không chỉ tái khẳng định chính sách hội nhập quốc tế sâu rộng và coi trọng hợp tác châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm các cơ chế hợp tác khu vực, mà còn làm nổi bật tầm nhìn chiến lược về một khu vực châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và năng động; tiếp tục là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực với toàn cầu.
Đặc biệt, giới báo chí quốc tế rất chú ý, đưa đậm sự kiện lần đầu tiên Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump xuất hiện ở APEC - một diễn đàn đa phương khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ngay trong năm đầu, nhiệm kỳ đầu của một vị tổng thống Hoa Kỳ. Tại diễn đàn Hội nghị APEC 2017, Tổng thống D. Trump đã phát biểu đúc kết quan điểm của vị lãnh đạo mới của Nhà Trắng bày tỏ chính kiến thẳng thắn về những điểm bất đồng trước lãnh đạo cấp cao các nước.
Đó là điểm cộng đáng nhớ trong chuyến xuất ngoại dài ngày đầu tiên của vị Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Và ông cũng gặt hái được kết quả cụ thể mang về nước: Trong chuyến thăm Việt Nam, 2 bên đã ký các hợp đồng về động cơ và dịch vụ cho ngành hàng không và năng lượng với tổng giá trị 12 tỷ USD.
Trong chuyến công du đến Việt Nam, Tổng thống Donald Trump đã nêu rõ quan điểm: Hoa Kỳ vẫn giữ vững cam kết vì một châu Á-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, mong muốn các quốc gia trong khu vực tôn trọng chủ quyền của nhau, tuân thủ pháp luật và thúc đẩy thương mại có trách nhiệm; tái khẳng định cam kết đối với việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển bằng việc tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý…
Nói về vấn đề này, Tân Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink chia sẻ: “Biển Đông có vai trò vô cùng quan trọng đối với kinh tế toàn cầu. Nó là tuyến đường biển trọng yếu cho các dòng chảy thương mại. Chúng tôi kiên định rằng sẽ tiếp tục di chuyển và bay qua bất cứ khu vực nào luật pháp quốc tế cho phép ở biển Đông. Việt Nam và Hoa Kỳ nhất trí nguyên tắc này”.
Diễn đàn APEC 2017 đã khép lại. Nhưng từ kết quả đạt được, trước mắt và những năm tới các thành viên APEC cùng hành động, thực hiện những cam kết, đóng góp vào việc xây dựng tầm nhìn APEC hướng tới năm 2020 và tương lai phát triển bền vững. Tại APEC 2017, Tổng thống D. Trump phát biểu lắng đọng: “Tôi rất vinh dự được chia sẻ tầm nhìn với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương độc lập, cởi mở; nơi các quốc gia độc lập, có chủ quyền với những nền văn hóa đa dạng, những ước vọng khác biệt có thể cùng vươn tới sự thịnh vượng chung”.

Các tin khác