(ĐTTCO) - Tấn công giáo viên sẽ bị phạt cao hơn nhiều so với bất kỳ công dân khác, đó là nội dung trong một dự luật mới ở Argentina để nâng cao vị thế của những người làm công tác giảng dạy.
Đây là lần đầu tiên một sự bảo vệ pháp lý đặc biệt được đưa ra dành cho giáo viên. Đề xuất của Bộ trưởng Bộ giáo dục Esteban Bullrich sẽ tăng thêm 25% mức phạt cho các hành vi tấn công giáo viên. Ông Bullrich kỳ vọng điều này sẽ khiến người dân tôn trọng các nhà giáo hơn. Nếu dự luật được quốc hội Argentina thông qua, bất kỳ hành động tấn công chống lại các giáo viên sẽ trở thành một hành vi phạm tội trầm trọng hơn với các hình phạt tăng lên.
Dự luật sẽ được áp dụng cho cả phụ huynh và sinh viên, bao gồm các hành vi chửi bới hoặc đe dọa, cũng như sử dụng bạo lực. Một người phạm tội tấn công giáo viên sẽ nhận một bản án tù dài hơn 25%, hoặc bị phạt tiền nhiều hơn 25% so với một hành vi phạm tội tương tự chống lại bất cứ ai khác. Dự luật được phát triển bởi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Tổng thống Argentina, Mauricio Macri. Đây được xem là một cách hỗ trợ công cuộc “cách mạng giáo dục" của chính phủ. "Chúng tôi biết cần phải nâng cao hình ảnh của giáo viên trong xã hội. Hiện nay, hình ảnh của các nhà giáo đang bị suy giảm dần, dù chậm nhưng đều đặn” - ông Bullrich nói.
Trả lời báo chí, ông Bullrich cho biết: "Ghi nhận cho thấy số lượng trường hợp phụ huynh và học sinh-sinh viên thiếu tôn trọng, thậm chí gây hấn với giáo viên ngày càng tăng. Vì vậy, chúng tôi nghĩ cần phải dành cho các nhà giáo một vị trí đặc biệt trong bộ luật hình sự sẽ được cải tổ. Nếu bạn tấn công hay chửi bới một giáo viên, tức là bạn đang xúc phạm những thành viên quan trọng nhất của xã hội. Vì vậy, cần phải dành cho họ sự tôn trọng đặc biệt”. John Bangs, đến từ Liên đoàn Giáo dục Quốc tế (EI), bày tỏ sự ủng hộ đối với dự luật mới của Argentina. "Động thái của Argentina mang lại một thông điệp mạnh mẽ rằng bạo lực đối với giáo viên là một cuộc tấn công vào cả nền giáo dục nước nhà" - ông Bangs nói.
Hệ thống giáo dục của Argentina, vốn đạt thành tích kém cỏi trong các kỳ thi quốc tế, đã phải đối mặt với làn sóng bất ổn trên quy mô lớn. Ông Bullrich đã rất nỗ lực vận động để đạt được sự ủng hộ của giáo viên trong cải cách giáo dục. Khi còn là Giám đốc Sở Giáo dục thủ đô Buenos Aires, ông Bullrich đã công khai số điện thoại di động cá nhân của mình để giáo viên có thể gọi ông trực tiếp khi gặp vấn đề. Ông cho biết giáo viên nghĩ rằng không ai trong chính phủ chịu lắng nghe họ và điều đó khiến việc cải tổ ngành giáo dục càng thêm khó. Ông Bullrich công khai số điện thoại di động để các giáo viên có thể đặt câu hỏi, nêu ý kiến và khiếu nại trực tiếp với ông. Đây là một trong những hành động cụ thể của người đứng đầu ngành giáo dục thủ đô Argentina trong nỗ lực giải quyết những lo lắng thực tiễn của giáo viên như những tiêu cực trong tiền lương và phụ cấp, hoặc các vấn đề về cơ sở vật chất của nhà trường.
![]() |
Một cuộc biểu tình của các giáo viên ở Argentina năm 2015. |
"Mọi người thực sự không biết tôi có sẵn sàng trả lời khi công khai số điện thoại hay không” - ông Bullrich cho biết. "Người này gọi vào lúc 2 giờ sáng và thực sự khiến tôi bị dựng ngược khi la toáng lên: “Ông nợ tiền tôi” rồi cúp máy. Vì vậy, tôi gọi lại cho anh ta vào 2 giờ 15 phút và nói: "Xin chào, đây là Giám đốc Sở Giáo dục". Đầu tiên là sự im lặng, nhưng sau đó chúng tôi đã trao đổi thông tin thẳng thắn và đã giải quyết được vấn đề”. Đến nay, số lượng các cuộc đình công của giáo viên ở Buenos Aires đã giảm mạnh. Ông Bullrich tiếp tục công khai số điện thoại cá nhân khi lên làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục.
(Theo BBC)