ASEAN không chỉ có Thái Lan

(ĐTTCO) - Khoảng 2 năm trở lại đây, những thông tin về hàng hóa Thái Lan rồi DN Thái Lan đổ bộ, phủ sóng thị trường Việt Nam đã thu hút nhiều sự quan tâm, nhất là khi AEC đã chính thức thành lập. Song nếu suy xét thật kỹ, trong ASEAN còn có những đối thủ DN Việt phải dè chừng như Indonesia, Philippines, Malaysia…

(ĐTTCO) - Khoảng 2 năm trở lại đây, những thông tin về hàng hóa Thái Lan rồi DN Thái Lan đổ bộ, phủ sóng thị trường Việt Nam đã thu hút nhiều sự quan tâm, nhất là khi AEC đã chính thức thành lập. Song nếu suy xét thật kỹ, trong ASEAN còn có những đối thủ DN Việt phải dè chừng như Indonesia, Philippines, Malaysia…

Tảng băng nổi Thái Lan

Ngay những ngày đầu năm 2016 khi Hội chợ hàng Thái Lan 2016 được tổ chức tại Hà Nội, khá nhiều báo chí phản ánh việc rất nhiều người tiêu dùng Việt Nam đến tham quan mua sắm, không ít người còn tranh thủ mua những sản phẩm tiêu dùng để dùng trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Thực ra việc này cũng không có gì lạ, gần như hễ có hội chợ hàng Thái Lan dù ở Hà Nội hay TPHCM cũng dễ thấy cảnh người người tay xách nách mang. Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, từng chia sẻ: “Nhìn người dân nô nức đi hội chợ hàng Thái rồi mua sắm đủ thứ, tự nhiên thấy chạnh lòng cho hội chợ hàng Việt và DN Việt”.

Đã đến lúc các DN Việt không nên coi những thị trường trong khu vực là thị trường nước ngoài mà phải xem đó như thị trường nối dài của Việt Nam. Muốn làm như vậy, không còn cách nào khác DN Việt phải chuyển mình, nâng chất lượng sản phẩm, hạ giá thành để cạnh tranh.

Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty Bán lẻ & nhượng quyền Châu Á

Một thống kê của Bộ Công Thương gần đây cho thấy mức ưa chuộng của người Việt dành cho hàng Thái ngày càng tăng. Cụ thể, trong số các mặt hàng nhập khẩu tiêu thụ tại thị trường trong nước (tính về số lượng), hàng xuất xứ từ Thái Lan đang đứng thứ 2, sau hàng Trung Quốc. Hiện nay, các sản phẩm may mặc, đồ dùng gia dụng do Thái Lan sản xuất đã có mặt tại gần 8.600 chợ trên cả nước và chiếm ưu thế so với những sản phẩm nhập khẩu từ các nước khác. Bên cạnh những mặt hàng tiêu dùng, thì trái cây Thái Lan cũng  xâm nhập vào thị trường Việt Nam ngày một nhiều. 11 tháng năm 2015 Việt Nam đã nhập khẩu 190 triệu USD rau quả từ Thái Lan, tăng 36% so với cùng kỳ.

Không chỉ đẩy mạnh đưa hàng sang Việt Nam, các chủ DN Thái Lan cũng liên tiếp đẩy mạnh các hoạt động mua bán, sáp nhập, chuyển nhượng tại thị trường Việt Nam. Một trong số đó chính là việc TCC của Thái Lan đã hoàn tất thương vụ chuyển nhượng với Metro Việt Nam. Có trong tay chuỗi bán lẻ lớn chắc chắn người Thái sẽ không bỏ qua cơ hội đưa hàng nhiều hơn vào thị trường Việt Nam. Đương nhiên, khi nói về mảng bán lẻ sẽ không thể không nhắc đến 2 thương vụ, một là Central Group mua lại 49% cổ phần Nguyễn Kim và 2 là BJC mua chuỗi cửa hàng tiện lợi Family mart và đổi tên thành B’mart. Và đương nhiên không chỉ ở mảng bán lẻ, người Thái còn hiện diện ở nhiều mảng khác cũng đầy tiềm năng như thực phẩm, đồ uống. Mới đây nhất, tập đoàn bia và đồ uống nổi tiếng của Thái là Singha đồng ý mua 25% cổ phần của Masan Consumer Holdings, một công ty con của Tập đoàn Masan, và 33,3% cổ phần trong công ty đồ uống Masan Brewery. Trong mỗi công ty này, Singha sẽ có 2 đại điện trong HĐQT. Trong Masan Brewery, tỷ lệ kiểm soát của Singha sẽ lên đến 50% - tức sẽ có tiếng nói đáng kể trong việc đưa ra các định hướng chiến lược của HĐQT. Tổng giá trị của thương vụ M&A lên đến 1,1 tỷ USD, lớn nhất trong số các thương vụ M&A được công bố trong năm qua ở Việt Nam. Người Thái đang nối dài bước chân của mình ở thị trường Việt Nam cũng như phát triển mạnh ra khu vực ASEAN.

Và nhiều tảng băng chìm

Như đã nói, không chỉ hàng Thái đang hiện diện ngày một nhiều ở Việt Nam mà ngay cả các sản phẩm từ Indonesia, Malaysia hay Philippines… cũng được người tiêu dùng Việt Nam rất ưa chuộng. Dạo quanh một số siêu thị hoặc các cửa hàng lớn sẽ dễ dàng thấy nhiều sản phẩm bánh kẹo có xuất xứ Indonesia hoặc Malaysia bày bán song song với những sản phẩm nhập khẩu từ châu Âu. Với giá thành khá hợp túi tiền, mẫu mã đẹp và khá hợp khẩu vị nên người tiêu dùng đã chọn mua những mặt hàng này thay vì mua hàng nhập châu Âu khá đắt đỏ. Hiện nay, Việt Nam nhập khẩu bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc từ 9 quốc gia trên thế giới, trong đó chủ yếu nhập từ Indonesia, chiếm 31% tổng kim ngạch. Cũng như Thái Lan, DN nhiều nước như Malaysia, Philipines… cũng đang đẩy mạnh những chiến lược đầu tư vào thị trường Việt Nam. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), trong 11 tháng năm 2015, đã có 7 quốc gia trong khu vực ASEAN có đầu tư FDI vào Việt Nam là Malaysia, Singapore, Thái Lan, Brunei, Indonesia, Philippines và Lào. Dẫn đầu lượng vốn FDI vào Việt Nam trong số các nước ASEAN là Malaysia với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 2,5 tỷ USD.

Chuỗi thức ăn nhanh Philippines Jollibee đã có tới 70 cửa hàng tại nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam.

Chuỗi thức ăn nhanh Philippines Jollibee đã có tới 70 cửa hàng tại nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam.

Nói riêng về Philippines, tuy không quá đình đám ở thị trường Việt Nam nhưng sau hơn chục năm đầu tư vào Việt Nam đến nay, người Philippines cũng có nhiều dấu ấn rất đáng chú ý, nhất là trong những lĩnh vực được đánh giá nhiều tiềm năng như thực phẩm và đồ uống, dược phẩm và phân phối… Hãng thức ăn nhanh Jollibee những ngày cuối năm 2015 đã chính thức thông báo nhượng quyền thương hiệu ở Việt Nam sau 10 năm hoạt động. Nếu so với những ông lớn hiện diện trong ngành thức ăn nhanh của Việt Nam như KFC, Lotteria hay McDonald thì Jollibee có phần yếu thế hơn một chút. Tuy nhiên, cho đến nay nhãn hàng này đã có tới 70 cửa hàng tại nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam. Song hành với thực phẩm, đồ uống của Philippines tại Việt Nam chính là nhãn trà xanh C2, từng là đối thủ đáng gờm của Tân Hiệp Phát. Trong lĩnh vực dược phẩm, United International Pharma (UIP) đã nhanh chóng bước vào thị trường nhiều tiềm năng như Việt Nam. Với những dự báo lạc quan về nhu cầu của người tiêu dùng bản địa, đầu năm 2012, UIP đã khánh thành nhà máy dược phẩm (đặt tại Khu công nghiệp VSIP II, Bình Dương, với nhiều sản phẩm tân dược như Decolgen, Alaxan, Enervon...) với giá trị đầu tư lên đến 40 triệu USD. Đây được xem là nhà máy dược phẩm đầu tiên tại Việt Nam đạt chuẩn PICs-GMP (Công ước về thanh tra dược và Chương trình hợp tác thanh tra trong lĩnh vực thực hành tốt sản xuất thuốc, tiêu chuẩn được 41 công ty châu Âu và châu Mỹ tuân theo). Đây là nhà máy thứ hai UIP đầu tư tại Việt Nam, trước đó, họ đã đầu tư 6 triệu USD xây nhà máy tại TPHCM.

Những câu chuyện đầu tư của các nhà đầu tư đến từ các nước ASEAN chắc chắn sẽ không dừng ở đó, nhất là khi AEC đã được hình thành. Thực tế này đặt ra nhiều áp lực với các DN trong nước. Không chỉ áp lực giữ vững sân nhà mà còn là áp lực để làm sao tiến xa hơn ra các nước trong khu vực.

Các tin khác