Âu lo nguồn lực tài chính Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh

(ĐTTCO) - Luật Điện ảnh sửa đổi được đưa ra kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 15 có một nội dung được nhiều người chú ý là việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh Việt Nam. Mong muốn kích hoạt khả năng hội nhập của nền nghệ thuật thứ bảy nước nhà là điều rất đáng ủng hộ, nhưng nguồn lực tài chính nào cho hoạt động này lại còn nhiều âu lo. 

Những bộ phim đạt doanh thu cao như “Bố già” cần có cơ chế đóng góp vào Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.
Những bộ phim đạt doanh thu cao như “Bố già” cần có cơ chế đóng góp vào Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.
1. Điện ảnh Việt sau 2 năm ngưng trệ vì dịch Covid-19, đang gượng dậy bằng những nỗ lực cá nhân qua các bộ phim chiếu rạp như “Người tình”, “Kẻ thứ 3” hoặc “578: Phát đạn của kẻ điên”. Điện ảnh Việt đang cần sự ủng hộ của cộng đồng để có những đột phá mạnh mẽ hơn. Cho nên, dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi được đưa ra Quốc hội khóa 15 trong kỳ họp thứ 3 là một sự kiện khiến người hâm mộ hy vọng cho điện ảnh Việt.
Điện ảnh Việt đang thiếu gì? Trung bình mỗi năm điện ảnh Việt có khoảng 40 bộ phim tư nhân và 3 bộ phim Nhà nước đặt hàng. Đó là con số khiêm tốn. Thế nhưng, vấn đề cần băn khoăn hơn là làm sao kích hoạt nhân tố mới và những ý tưởng sáng tạo để điện ảnh Việt thực sự có đủ khả năng hội nhập quốc tế.
Một nội dung quan trọng trong dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi là thành lập và vận hành Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành phân tích: “Thực tế có nhiều dự án của nước ngoài đang tài trợ cho việc làm phim ở nước ta, đầu tư cho các nhà làm phim trẻ, nhà làm phim độc lập và phim nghệ thuật…
Khi hỗ trợ thì họ có quyền chi phối, định hướng, điều chỉnh. Điện ảnh của chúng ta nếu không có Quỹ phát triển thì không có kinh phí hỗ trợ các nhà làm phim và các quỹ nước ngoài sẽ nhảy vào. Do đó phải có quỹ để nắm quyền chủ động đối với các đối tượng là nhà làm phim trẻ, nhà làm phim độc lập”.
Theo dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh được thu từ 3 nguồn.
Thứ nhất, vốn ban đầu từ nguồn ngân sách sự nghiệp văn hóa.
Thứ hai, huy động từ đóng góp tự nguyện, tài trợ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn thu nhập khác.
Thứ ba, then chốt hơn và cũng gây tranh cãi hơn là các khoản tài chính “trích 3% từ doanh thu bán vé của các phim nhập khẩu chiếu rạp tại Việt Nam; 3% từ phí thẩm định và phân loại phim; 1% tiền thuê bao của phim phổ biến xuyên biên giới; 0,05% tiền thuê bao của truyền hình trả tiền; 0,5% doanh thu từ hoạt động quảng cáo trong chương trình phim chiếu trên truyền hình; 5% phí hậu kiểm”.
Một số đơn vị sản xuất phim cho rằng, nếu phải cõng thêm khoản quỹ bắt buộc, nhà phát hành buộc phải tăng giá vé. Chưa kể đến việc, nếu tăng các khoản phí, các đơn vị quốc tế có thể từ chối phát hành tại Việt Nam. Trong khi đó, dù Việt Nam là nước bán vé rẻ nhất trong khu vực nhưng tỷ lệ ra rạp mới chỉ đạt 0,6 người/năm.
Nếu tăng giá vé, vô hình trung sẽ dừng đà tăng trưởng về số lượng người ra rạp xem phim. Ở góc độ khác, đạo diễn Phan Đăng Di kiến nghị: “Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh cần phải do Nhà nước cấp kinh phí, được nhà chuyên môn điều hành với mục đích phát triển nghệ thuật nước nhà, ủng hộ phim của nhà làm phim trẻ, nhất là phim đầu tay.
Trong luật hiện nay không có điều khoản nào có thể cho phép dùng ngân sách nhà nước làm những phim đậm tính nghệ thuật để mang đi tranh giải tại các liên hoan phim. Nếu không có quỹ để thay thế cho mục đích đó sẽ dẫn đến việc Nhà nước luôn đứng ngoài, không hỗ trợ cần thiết cho các tác phẩm có thể đưa điện ảnh xác lập vị thế văn hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế”.

2. Thử tham khảo mô hình ở một số nước. Hàn Quốc là một trong những quốc gia thành công trong việc dùng điện ảnh mở đường cho hàng hóa thâm nhập các xứ sở khác, cũng có Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh và được quy định trong Luật Xúc tiến phim và video. Hàn Quốc quy định nguồn thu quỹ trích phí 5% trên vé xem phim của khán giả.
Mục đích sử dụng quỹ bao gồm: Hỗ trợ sáng tạo và sản xuất phim; đầu tư cho các hiệp hội chuyên về điện ảnh; hỗ trợ xuất khẩu và trao đổi quốc tế phim nội; hỗ trợ sản xuất phim kinh phí nhỏ, phim ngắn; hỗ trợ bảo trì và cải tạo rạp chiếu phim; hỗ trợ các dự án cải thiện phúc lợi người lao động tham gia vào ngành công nghiệp điện ảnh; hỗ trợ các dự án liên hoan phim của các tổ chức và nhóm dân sự được cơ quan quản lý điện ảnh công nhận; hỗ trợ các dự án đào tạo, giáo dục điện ảnh; hỗ trợ các dự án phim nghệ thuật; hỗ trợ các dự án liên quan đến phát triển công nghiệp điện ảnh; hỗ trợ các dự án liên quan đến việc thúc đẩy đa dạng văn hóa điện ảnh và trách nhiệm cộng đồng của điện ảnh…
Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh Việt Nam khi ra đời sẽ kết nối với Hiệp hội Xúc tiến Phát triển điện ảnh Việt Nam như thế nào? Bởi lẽ, biên độ ảnh hưởng của Hiệp hội Xúc tiến Phát triển điện ảnh Việt Nam rất rộng, từ việc tập hợp các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân hướng đến làm ra nhiều bộ phim có chất lượng nội dung và nghệ thuật tốt, mang đậm tính nhân văn và bản sắc văn hóa dân tộc đến việc liên kết với các nhà làm phim trong nước và quốc tế, mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu điện ảnh Việt Nam, quảng bá bối cảnh quay phim ra thế giới.
Ngoài ra, còn tham gia đào tạo nâng cao nguồn nhân lực điện ảnh, quảng bá du lịch Việt Nam thông qua các bối cảnh phim, kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư xây dựng trường quay điện ảnh, đề án làm phim lịch sử, phim dành cho khán giả trẻ nhằm giáo dục đạo đức, nhân cách. Do đó, nếu Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh và Hiệp hội Xúc tiến Phát triển điện ảnh vận hành theo kiểu “nước sông không phạm nước giếng” sẽ dẫn đến sự thu hoạch hạn chế.
Với đặc thù một quỹ tài chính ngoài ngân sách, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh có mục đích hỗ trợ cho dự án sản xuất phim thể nghiệm, phim đầu tay, phim của tác giả trẻ; hỗ trợ cho tác giả, dự án, phim Việt Nam xuất sắc tham gia liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, hội chợ phim, chương trình phim, tuần phim tại nước ngoài. Đồng thời, trong điều kiện cho phép, Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh sẽ cho cá nhân và hãng phim vay để thực hiện dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ hiện đại trong hoạt động điện ảnh, cũng như hỗ trợ các hoạt động khác để phát triển nghệ thuật điện ảnh đương đại.
Ở các nước có nền công nghiệp giải trí hùng mạnh, thì các loại quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh đều do những tập đoàn kinh tế nào đó tài trợ. Ở Việt Nam, chờ doanh nghiệp mặn mà với nghệ thuật thứ bảy e chừng hơi khó và hơi lâu. Cho nên, để thoát khỏi bối cảnh phim tư nhân chạy theo các thể loại hài nhảm để bán vé, còn phim Nhà nước đặt hàng thì nhỏ giọt cầm chừng, phải có Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh với tư duy cởi mở và cầu thị.  

Các tin khác